Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Đoàn Công tác Luật Thủ đô khảo sát cơ chế, chính sách quản lý, bảo tồn phố cổ Hội An

Thứ Sáu 12/08/2022 | 21:34 GMT+7

VHO- Đoàn công tác của UBND TP Hà Nội vừa có chương trình làm việc với UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam nhằm khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về cơ chế, chính sách quản lý, bảo tồn, tái thiết khu phố cổ Hội An, qua đó thực hiện việc sửa đổi, ban hành Luật Thủ đô phù hợp định hướng phát triển trong tương lai.

Quang cảnh buổi làm việc 

Đoàn công tác Luật Thủ đô (theo quyết định số 2721/QĐ-UBND ngày 3.8.2022 của UBND TP Hà Nội) vừa có buổi làm việc với UBND TP Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An về khảo sát cơ chế, chính sách quản lý, bảo tồn, tái thiết phố cổ Hội An. Tham dự buổi làm việc, về phía TP. Hà Nội có ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội làm trưởng đoàn cùng các thành viên đại diện các Sở, Ban, Ngành liên quan, các chuyên gia. Về phía tỉnh Quảng Nam có đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các Sở, Ban, Ngành liên quan, lãnh đạo TP Hội An cùng tham gia. 

Đây là cơ hội để các cơ quan Trung ương và thành phố Hội An có dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm về Cơ chế quản lý đối với công trình, cảnh quan kiến trúc, biện pháp khuyến khích khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị, Chính sách huy động, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, tái thiết phố cổ hội An; cơ chế quản lý, khai thác, chia sẻ lợi ích, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh tại phố cổ và đề xuất những kiến nghị về cơ chế, chính sách cần thiết để nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo tồn, tái thiết và phát huy giá trị của đô thị cổ Hội An, định hướng xây dựng Hội An thành Thành phố Sinh thái – Văn hóa – Du lịch.Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An đã thông tin khái quát quá trình bảo tồn, phát huy đô thị cổ Hội An. Trong đó nhấn mạnh những nỗ lực từ rất sớm và quá trình liên tục của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Hội An trong việc ban hành, thực hiện quy chế bảo vệ và sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An. Từ năm 1987, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ban hành quy chế bảo vệ và sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An cho đến nay, chính quyền và người dân Hội An không ngừng nỗ lực thực hiện những nội dung của quy chế để đảm bảo việc vừa bảo tồn vừa phát huy di sản.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đã trình bày, chia sẻ một một số giải pháp, kinh nghiệm thiết thực của Hội An trong chính sách huy động, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức cá nhân tham gia bảo tồn, tái thiết phố cổ Hội An: Từ cơ chế quản lý, cách khai thác giá trị di sản, chia sẻ lợi ích, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ở phố cổ; Công tác quản lý công trình xây dựng, cảnh quan kiến trúc; việc bảo vệ và giải pháp phát huy các công trình văn hóa, lịch sử và không gian công cộng. 

Dù diện tích không lớn nhưng trong khu phố cổ có đến hàng ngàn di tích, chủ yếu trong khu vực I với tổng cộng 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 930 di tích thuộc sở hữu tư nhân (chiếm 82,3%); 13 di tích thuộc sở hữu cộng đồng (chiếm 1,2%); di tích thuộc sở hữu nhà nước là 187 di tích (chiếm 16,5%). Với hơn 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể tạo nên sự đặc thù của Khu phố cổ so với các di sản khác ở Việt Nam. 
Với đặc thù này, trong Khu phố cổ không chỉ có các quy định về lĩnh vực bảo tồn di sản, mà còn chịu sự điều tiết của rất nhiều quy định pháp luật khác của một địa phương thuộc hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Điều này tạo nên đặc điểm khá đặc thù của Khu phố cổ và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hơn so với nhiều di sản khác ở Việt Nam.

Về mô hình quản lý, từ năm 1986, thị xã Hội An đã thành lập Ban Quản lý di tích và Dịch vụ - Du lịch Hội An. Đến năm 1996, đã thành lập Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích thị xã Hội An (nay là Trung tâm QLBTDSVH Hội An) có nhiệm vụ giúp UBND thị xã thực hiện quản lý Nhà nước về di tích, danh thắng Hội An. Tổ chức nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn trùng tu tôn tạo di tích, phát huy giá trị di tích văn hóa, danh thắng, lịch sử cách mạng Hội An. 
 Bên cạnh đó, Phòng Văn hoá và Thông tin có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố Hội An thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: văn hoá; gia đình; thể dục, thể thao; thông tin và truyền thông; Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các sự kiện văn hoá, lễ hội; tổ chức giới thiệu, tuyên truyền và phát huy các giá trị lịch sử-văn hoá của khu phố cổ qua hoạt động hướng dẫn tham quan, dịch vụ du lịch cho du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra còn có sự tham gia, phối hợp tích cực, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý di sản, quản lý và giám sát các hoạt động kinh tế-văn hóa-xã hội diễn ra trong Khu phố cổ.
  Từ năm 1987, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã ban hành Quy chế bảo vệ và sử dụng di tích khu phố cổ Hội An.  Từ sau khi khu phố cổ được công nhận là DSVHTG, Hội An đã ban hành nhiều quy chế để quản lý toàn diện các hoạt động trong khu phố cổ, như: Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ (2006), Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trong khu phố cổ và một số vùng phụ cận (2008); Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu trên địa bàn thị xã Hội An (2006); Quy chế quản lý hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn thị xã Hội An (2007); Quy chế tạm thời về quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên địa bàn thị xã Hội An (2007). Đặc biệt Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần vào các năm: 2008, 2015 ... 
Đến năm 2020, các Quy chế này được tích hợp chung vào Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành (theo Nghị định 109/2017/NĐ-CP về Quy định bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới), đảm bảo cơ sở pháp lý quản lý lâu dài cho khu phố cổ. Nội dung Quy chế quy định nhiều vấn đề cụ thể như về khu vực khoanh vùng bảo vệ; các quy định về tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn, hoạt động cấp phép, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, quản lý tác động rủi ro ... 
Năm 2008, Hội An ban hành Quy chế phối hợp cấp phép và kiểm tra xử lý vi phạm xây dựng trong khu phố cổ với sự tham gia của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Hiện nay, quy chế vẫn được duy trì góp phần kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xây dựng, tu bổ di tích không đúng và không có giấy phép trong khu phố cổ. 
Từ năm 2010, Hội An ban hành Cơ chế hỗ trợ kinh phí bảo vệ di tích hàng tháng cho 46 di tích tín ngưỡng cộng đồng có giá trị trên địa bàn thành phố, trong đó có di tích trong khu phố cổ. Mức hỗ trợ hiện nay được phân cấp theo cấp xếp hạng di tích là: Di tích cấp quốc gia: 350.000đ/tháng/người, di tích cấp tỉnh: 300.000 đ/tháng/người, di tích thuộc danh mục bảo vệ của thành phố: 270.000 đ/tháng/người.
Từ năm 2011, Hội An xây dựng đề án thành lập mạng lưới cộng tác viên quản lý, bảo tồn di sản trong khu phố cổ, kiện toàn lại vào năm 2020 với 27 thành viên, thành phần bao gồm: Khối trưởng, Tổ trưởng dân phố, cán bộ công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố có liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn Khu phố cổ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, những người có tâm huyết với công tác này. Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho đội ngũ này là 150.000đ/tháng/người.

Năm 2020, tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế bảo vệ DSVHTG khu phố cổ Hội An với nhiều quy định cụ thể đảm bảo quản lý lâu dài

Về lĩnh vực bảo tồn, từ năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt dự án khả thi đầu tư tu bổ khẩn cấp 94 di tích có nguy cơ sụp đổ tại khu DSVHTG Hội An với tổng kinh phí đầu tư hơn 47 tỷ đồng, cơ chế đóng góp vốn đầu tư (40% từ vốn ngân sách Trung ương, Tỉnh và 60% từ vốn ngân sách của thành phố và dân/chủ di tích đóng góp) và tỷ lệ vốn đầu tư hỗ trợ tu bổ các nhà cổ thuộc sở hữu tập thể, tư nhân từ 40-75% tuỳ vào từng loại di tích và vị trí của di tích. Đồng thời bổ sung thêm cơ chế hỗ trợ cho vay vốn tu bổ di tích 3 năm không lãi. Dự án đã tạo điều kiện rất lớn về cơ chế kinh phí để đầu tư tu bổ di tích trong khu phố cổ, hình mẫu trong việc huy động các nguồn lực nhà nước và nhân dân cungf chung tay tham gia vào công tác bảo tồn.
Năm 2008, UBND TP.Hội An ban hành Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân – tập thể trong khu phố cổ (đến năm 2020 được tích hợp vào Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An). Ngoài ra, đối với di tích ngoài khu phố cổ, năm 2010, Hội An cũng đã ban hành Cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn thành phố Hội An nằm ngoài khu phố cổ. 
 Về lĩnh vực đầu tư, cấp phép tu bổ, các di tích thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể cộng đồng, các di tích thuộc sở hữu tư nhân có giá trị khi được hỗ trợ đều do cơ quan chuyên môn của thành phố là Trung tâm QLBTDSVH Hội An làm chủ đầu tư nhằm đảm bảo thủ tục đầu tư, giải pháp thi công theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác nguyên vẹn của di tích.
Ngoài ra, thành phố cũng ủy quyền nhiệm vụ tham mưu và cấp phép xây dựng, tu bổ di tích tư nhân-tập thể trong khu phố cổ cho Trung tâm QLBTDSVH Hội An để đảm bảo cho hoạt động kiểm tra, giám sát, cấp phép, tuyên truyền quy định theo Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An đã ban hành. 
Bên cạnh đó, các chính sách, giải pháp khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ. Xuyên suốt trong nhiều năm, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch theo hướng bền vững nhằm tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt của thành phố. Bên cạnh vai trò của Nhà nước, việc khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ là rất cần thiết.
Việc bảo vệ và phát huy Khu phố cổ được lồng ghép, mở rộng qua nhiều đề án, dự án, quy hoạch, … lớn như: Đề án xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, Đề án Hội An nhân tình thuần hậu, Quy hoạch kiến trúc đô thị Hội An, ….nhằm tạo điều kiện, động lực cho cộng đồng và doanh nghiệp, những người yêu mến di sản tham gia bảo tồn và phát huy di sản. Các quy định như Quy chế bảo vệ khu phố cổ luôn hướng đến sự hài hòa, gắn kết vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có cộng đồng và doanh nghiệp hoạt động trong khu phố cổ để đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả các quy định này. 

Các quy chế bảo vệ khu phố cổ luôn hướng đến sự hài hòa, gắn kết giữa nhà nước-cộng đồng- doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, TP. Hội An cũng nêu lên những hạn chế-bất cập và cả những nguy cơ thách thức đối với sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy DSVH Hội An như: Những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, khách du lịch trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong Khu phố cổ và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ - du lịch gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi, chen lấn, trưng bày hàng hóa lộn xộn, phản cảm...; các tệ nạn xã hội, các vấn đề về trật tự - an ninh, an toàn xã hội phát sinh nóng hàng ngày bởi sự bất cập về các văn bản pháp quy chưa theo kịp với nhiều biến đổi ở địa phương đặt ra.... làm ảnh hưởng nghiệm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình, tộc họ, ảnh hưởng đến đạo đức lối sống nhân tình- thuần hậu của con người Hội An xưa,...
Những thách thức cần phải giải quyết về các mối quan hệ đó là: Bảo tồn để phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại; mối quan hệ giữa vấn đề về dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đến các giềng mối trong quan hệ xã hội, cộng đồng, trong  tộc họ, gia đình; mối quan hệ giữa lợi ích của cả cộng đồng với quyền và lợi ích của từng nhóm cá nhân và từng cá thể. Từ đó, cũng đưa ra những đề xuất – kiến nghị để từng bước tháo gỡ, giải quyết những vấn đề tất yếu của quá trình bảo tồn và phát triển nêu trên. 
Các thành viên trong đoàn công tác Luật Thủ đô đã đặt nhiều câu hỏi chuyên sâu để qua đó tìm hiểu thêm về cơ chế quản lý đối với công trình, cảnh quan kiến trúc, biện pháp khuyến khích khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị; Bổ sung thêm những kinh nghiệm thực tế để thực hiện việc tổ chức xin ý kiến đối với các báo cáo, tài liệu phục vụ việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.

KHÁNH CHI                               

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top