Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Mùa xuân của bóng đá nữ TP.HCM

Thứ Tư 07/02/2018 | 10:11 GMT+7

VH-  Làm nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam với cú hat-trick vô địch 3 năm liên tục, cô trò Đoàn Thị Kim Chi xứng đáng được ghi nhận những công lao vàcó một mùa xuân ngập tràn ý nghĩa.

 

Cô trò Kim Chi vui mừng khi lần thứ 3 giành chức VĐQG

Từ cô gái vàng Kim Chi

Điều dễ nhận thấy trong 3 chức vô địch gần nhất, HLV Đoàn Thị Kim Chi chính là sự khác biệt lớn nhất của bóng đá nữ TP.HCM. Lật lại quá khứ sau mùa giải 2014, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) Trần Anh Tú đã có quyết định bước ngoặt khi đề xuất HLV Đoàn Thị Kim Chi giữ chức lái trưởng thay cho HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Quyết tâm của ông bầu futsal chứng tỏ sự đúng đắn chỉ ngay sau mùa giải đầu tiên, TP.HCM 1 đã vô địch trở lại sau đúng 5 năm dài đằng đẵng. Có Kim Chi, bóng đá nữ TP.HCM lại cất cánh như cách cô từng tỏa sáng trong màu áo TP.HCM lẫn ĐTQG để đem về vô số vinh quang cho thể thao thành phố và nước nhà.

Soán ngôi đối thủ đã khó, bảo vệ danh hiệu vô địch còn chông gai hơn gấp trăm lần. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Kim Chi, những kỷ lục không vì thế dừng lại mà nó thậm chí càng tiến thêm những nấc cao hơn. Ở mùa giải 2017 gần nhất, TP.HCM vô địch với chuỗi 15/16 trận toàn thắng, chỉ thua duy nhất một trận đầu mùa. Với số điểm kết thúc vòng loại kỷ lục (39 điểm/14 vòng), TP.HCM sẽ vô địch sớm nếu chỉ thi đấu vòng tròn 2 lượt. Những thử thách lần lượt được cô trò Kim Chi vượt qua và khiến nó trở thành những cột mốc khó xô đổ trong tương lai. So với khi bóng đá nữ vừa hình thành giải VĐQG năm 1998, TP.HCM chỉ kém kỷ lục của Hà Nội (4 năm VĐQG liên tiếp từ 1998 – 2001).

Với Kim Chi, bóng đá TP.HCM chính thức bước sang một trang sử đầy huy hoàng. Thuyền trưởng gốc Bến Tre được xem là người giữ hồn và thắp lửa cho bóng đá thành phố. Cái duyên thủ lĩnh của Kim Chi tỏa sáng rực rỡ từ trong sân lẫn ngoài đời. Đặng Thị Kiều Trinh – thủ thành số 1 ĐTQG hiện tại từng song hành với Kim Chi khi cô còn thi đấu cho biết: “Với Kim Chi, chị ấy không chỉ là người thầy mà còn là người chị lớn trong cuộc sống. Khi chị em trong đội khó khăn trên sân lẫn ngoài đời, chị Chi luôn sẵn sàng giúp đỡ, cho lời khuyên để động viên mọi người vượt qua”.

Bản thân Kim Chi rất khiêm tốn khi được đề nghị nhận xét về bản thân mình. Trái với sự quyết liệt, cá tính, thông minh trên sân bóng, Kim Chi rất kiệm lời ngoài đời thường. Chia sẻ về mình, Kim Chi nghĩ cô không có gì đặc biệt. Còn về kỳ tích tạo dựng được cùng TP.HCM, cô nói: “Chiến thắng là công sức của toàn đội đã nỗ lực trên sân tập lẫn thi đấu. Giành được chức vô địch đã khó, bảo vệ chức vô địch còn khó hơn gấp đôi, gấp ba. Nhưng nhờ sự đoàn kết chung tay của mọi người, chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng. Xin cảm ơn các cầu thủ, họ mới là những ngôi sao sáng của bóng đá nữ thành phố”.

Những mùa xuân chưa có hồi kết

Qua 3 mùa giải vô địch quốc gia liên tiếp, kết quả đó đủ phản ánh tài năng kiệt xuất của “cô gái vàng” Đoàn Thị Kim Chi. Cựu tuyển thủ QG này được xem là của quý của bóng đá thành phố và thậm chí không có gì ngạc nhiên khi trong tương lai gần, Kim Chi sẽ chèo lái ĐTQG như cách cô đã làm với bóng đá nữ TP.HCM 1. Đường hoan lộ lúc này vẫn thênh thang cho cô gái gốc Bến Tre.

TP.HCM 1 không có đối thủ ở giải VĐQG, thực trạng này phản ánh đúng thành quả của sự kiên nhẫn đầu tư cho bóng đá nữ thành phố. Từ chỗ thất thế toàn diện so với những Hà Nội, Phong Phú Hà Nam và cả Than khoáng sản Việt Nam nhưng sự kiên trì xây dựng lại lực lượng đã giúp bóng đá thành phố gặt hái quả ngọt. Trước khi quyết định đưa Kim Chi ngồi ghế nóng, lãnh đạo ngành thể thao thành phố đã duy trì đội nữ để hướng tới tương lai. Chính nhờ lực lượng kế cận đông đảo với 2 đội hình, bóng đá nữ TP.HCM đã được tưởng thưởng xứng đáng.

Với các cầu thủ nữ, họ đã quá quen với cảnh khốn khó khi xác định dấn thân theo con đường này. Ít ai biết rằng trong số nhiều cầu thủ chọn bóng đá làm sựnghiệp, cuộc đời họ thậm chí còn khốn khó hơn từ trước đó. Những mảnh đời khó khăn đến với bóng đá, chí ít khi trụ lại họ còn có thu nhập và chút tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Bản thân nhiều cầu thủ của đội VĐQG TP.HCM 1 có gốc gác đến từ những vùng quê nghèo các tỉnh miền Tây và nhờ đá bóng, họ còn có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng. Những ngày tháng thanh xuân đẹp nhất gắn bó với niềm đam mê, còn tương lai phía trước thôi thì đến đâu hay đến đó.

Ngay cả HLV Đoàn Thị Kim Chi với những đóng góp lớn cho bóng đá thành phố từ đời cầu thủ đến khi huấn luyện cũng vẫn đang ôm ấp giấc mơ một căn nhà nhỏ nơi đây nhằm “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, không vì thế mà Kim Chi thôi lạc quan về những gì cuộc sống đã dành tặng cho mình. Hằng ngày, Kim Chi cùng các học trò tập luyện và sinh hoạt ngay trên sân Tao Đàn (quận 1, TP.HCM). Dù chật chội nhưng với cô trò Kim Chi, như thế cũng đủ để họ nuôi tiếp giấc mơ. Đã xác định theo nghiệp bóng đá nữ là chấp nhận thiệt thòi vì ai cũng thấy, dù vô số lần làm rạng danh bóng đá nước nhà, các cô gái vẫn thua xa khoản thu nhập so với đồng nghiệp nam. Cô nói: “Tôi không muốn người ta nói chúng tôi cứ than thở về chuyện đãi ngộ. Chúng tôi hài lòng với những gì mình có”. 

Vân Linh

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top