Viêt Nam “xuất khẩu”... VĐV bóng chuyền

VH- Dạo trước, bóng chuyền Việt Nam thường thuê mượn VĐV nước ngoài, cốt làm sôi động sân chơi quốc gia của mình. Sau này, chuyện đã đổi khác. Không còn hình ảnh nhan nhản VĐV của Thái Lan, Trung Quốc, Bulgaria, Nga, Brazil… xuất hiện ở các CLB trong nước nữa, để thay bằng một tư duy cách tân: Xuất khẩu VĐV Việt Nam ra nước ngoài!

Viêt Nam “xuất khẩu”... VĐV bóng chuyền - Anh 1

Chủ công Ngô Văn Kiều đã mở đường cho bóng chuyền Việt Nam tiến thêm một bước đến gần với cuộc chơi chuyên nghiệp

Chuyến phiêu lưu thú vị

Mười năm trước, “Oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên xuất ngoại theo dạng… ngoại binh, chơi trong màu áo của CLB Samator Group ở giải vô địch Indonesia năm 2008. Để có được chữ ký của chủ công số 1 Việt Nam khi đó, đội bóng xứ Vạn đảo đã tốn không ít chi phí, ngoài mức lương hơn 2.000 USD/tháng cho Văn Kiều, họ phải nhường 2 VĐV xuất sắc Affan và Ayif (chủ lực của CLB lẫn của ĐTQG Indonesia) cho CLB Sanest Khánh Hòa chơi ở giải vô địch Việt Nam.

Cú đột phá ấy được cho là lịch sử, bởi lẽ điều đó khiến tư duy của người làm bóng chuyền Việt Nam phải thay đổi. Tức là thay vì chiêu mộ các tay đập Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Nga, Brazil… cho giải VĐQG, bóng chuyền Việt Nam đã mạnh dạn “xuất khẩu” VĐV của mình.

Rõ ràng, Ngô Văn Kiều đã mở đường cho bóng chuyền Việt Nam tiến thêm một bước đến gần với cuộc chơi chuyên nghiệp. Về sau này, lần lượt các gương mặt xuất sắc của làng bóng chuyền nữ như Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh, Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Kim Liên… đã được mời sang Thái Lan và Đài Loan thi đấu, với sự trân trọng thực sự từ các đội bóng hàng đầu ĐNÁ cũng như châu Á.

Trong suốt hơn một thập niên phát triển vừa rồi, đấy là điều đáng kể nhất mà bóng chuyền Việt Nam làm được (sau sự kiện loại ngoại binh khỏi hệ thống giải quốc gia để tạo điều kiện cho VĐV trẻ phát triển), làm dậy lên niềm tin nơi người hâm mộ đối với môn thể thao có sức hút chỉ đứng sau “vua” bóng đá.

Thậm chí, trên bản đồ bóng chuyền thế giới, cái tên Việt Nam đã được biết đến nhiều hơn, sau khi phụ công Ngọc Hoa giúp CLB Bangkok Glass (Thái Lan) giành danh hiệu vô địch giải các CLB nữ châu Á năm 2015. Chưa dừng lại ở đó, cũng trong màu áo của đội bóng nước ngoài này, Ngọc Hoa ghi dấu ấn khi trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên xuất hiện ở giải vô địch các CLB nữ thế giới năm 2016.

Bóng chuyền càng “nở mày, nở mặt” hơn khi chứng kiến chủ công tài năng Trần Thị Thanh Thúy (sở hữu chiều cao 1m93) làm mưa làm gió ở giải vô địch Đài Loan năm 2017, viết tiếp giấc mơ của VĐV Việt Nam ở đấu trường quốc tế.

Cho đi để nhận về…

Ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN thừa nhận: “Xuất khẩu VĐV là định hướng phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Bóng chuyền Việt Nam vẫn đang làm tất cả để vươn đến sự chuyên nghiệp. Cho nên, bên cạnh việc chuẩn hóa lại hệ thống giải đấu, quy chế chuyển nhượng, tinh gọn số lượng đội dự giải VĐQG, thì tạo điều kiện cho VĐV các đội bóng hàng đầu có cơ hội ra nước ngoài thi đấu là rất quan trọng. Bóng chuyền Việt Nam chỉ được lợi chứ chẳng thiệt thòi gì nếu VĐV của mình càng chơi càng hay, càng tiến bộ”.

Thế cho nên, tư duy đột phá của Sanest Khánh Hòa, của VTV Bình Điền Long An hay Thông tin Liên Việt Post Bank đáng để nhân rộng trong làng bóng chuyền Việt Nam. Chuyện này, người Thái Lan đã làm từ lâu, nghĩa là VĐV của họ đã được “xuất khẩu” sang các quốc gia ở châu Á và châu Âu. Nhờ đó, bóng chuyền xứ Chùa vàng phát triển khá vững chắc, tạo dựng được chỗ đứng đáng nể trong làng bóng chuyền thế giới (đội tuyển nữ Thái Lan từng 2 lần lên ngôi vô địch châu Á, có CLB vô địch cấp châu lục và thường xuyên dự World Cup…).

Người Thái đã “cho đi” và đã “nhận về” rất nhiều điều tốt đẹp như vậy. Đấy là bài học không chỉ dành cho bóng chuyền vùng ĐNÁ, mà cho cả châu lục, bởi lẽ khi tự tin chơi bóng trong đội hình của những đội bóng hàng đầu, VĐV Thái Lan trở nên bản lĩnh, trình độ chuyên môn được nâng cao và tiếp cận những phương pháp huấn luyện hay kỹ chiến thuật phong phú.

Bóng chuyền Việt Nam cũng đang nỗ lực theo đuổi tư duy cách tân đó, dù muộn còn hơn là không làm gì, để thực sự trở thành một nền bóng chuyền mạnh ở châu Á trong tương lai…

Lê Nguyên Khang

 

Ý kiến bạn đọc