Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn Nghệ

29 Tháng Ba 2024

Ca khúc cho thiếu nhi: Lại điệp khúc "yếu và thiếu"

Thứ Hai 28/05/2018 | 10:34 GMT+7

VH- Nhiều năm nay, câu hỏi vì sao nhạc cho thiếu nhi rất cũ, yếu và thiếu luôn được đặt ra. Thiếu nhi giờ hát toàn những ca khúc người lớn, tình yêu não nề, chia ly các kiểu thiếu đi chất khoẻ khoắn, vui tươi, hồn nhiên của trẻ thơ… Đằng sau đó là những tiếng thở dài, nỗi lòng của không ít bậc cha mẹ.

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một trong số ít nhạc sĩ viết cho thiếu nhi

 Gameshow truyền hình, các cuộc thi ca hát bề ngoài dành cho thiếu nhi, giải trí cho các em nhưng thực chất là phục vụ người lớn. Bằng chứng là những cô bé, cậu bé còn ở tuổi rất nhỏ nhưng đã phải gồng mình hát những bài mà người lớn cũng chưa hiểu hết được ý tưởng, nội dung, giai điệu thì “già, cũ”. Có nhạc sĩ bật mí rằng, thật đau lòng khi tận mắt chứng kiến đứa trẻ buộc phải chọn hát những ca khúc quá tầm… chỉ để ban giám khảo và khán giả thích.

Thực tế thì từ nhiều năm nay, ca khúc hay dành cho thiếu nhi đang rất thiếu nếu không muốn nói là khan hiếm. Các ca khúc từ nhiều thập niên trước vẫn luôn là sự lựa chọn. Muốn khác đi các em chỉ còn cách nghe nhạc nước ngoài hoặc những ca khúc dành cho tuổi trưởng thành. Không bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh cô bé lớp 3 nhẩm hát theo Em gái mưa; hay Người lạ ơi… Bởi ngoài những Con cò be bé; Cháu lên ba; Đi học… dành cho tuổi mẫu giáo, hẳn những ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi, tuổi mới lớn đang bỏ trống.

Nhiều hội thảo, giải pháp bàn về vấn đề này nhưng nhiều năm nay không được cải thiện là bao. Nhạc sĩ tâm huyết và chịu viết cho thiếu nhi bây giờ không nhiều. Phần vì “cơm áo gạo tiền”, phần vì viết nhạc cho đối tượng này không phải dễ nếu không có niềm đam mê và tình yêu thương thực sự.

Trong lúc khó khăn như vậy, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung, người đã rất thành công trong việc tạo ra các bài “hit” cho nhạc trẻ đã dành rất nhiều tâm huyết viết nhạc cho thiếu nhi. Trong 3 năm, anh đã viết 100 ca khúc dành cho đối tượng này và cũng dành được nhiều thiện cảm từ các khán giả nhí. Chính vì vậy, việc anh đầu tư, làm một live show hoàn toàn miễn phí cho các em thiếu nhi dù không có nhà tài trợ trong thời gian này khiến nhiều người khá bất ngờ. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Thực tế thì nhạc dành cho thiếu nhi đang rất nghèo nàn, không nhiều những sáng tác mới phù hợp với các em bây giờ. Viết nhạc cho thiếu nhi tưởng dễ nhưng không hề đơn giản. Cái khó nhất là nội dung bài hát phải mang giá trị giáo dục, yêu thương… nhưng ở góc nhìn của trẻ con. Tôi làm live show mong muốn các em được sống trong môi trường âm nhạc thiếu nhi đúng nghĩa, trong sáng và có tính giáo dục…”.

Nhìn lại các chương trình giải trí trên truyền hình dành cho thiếu nhi hiện nay phần lớn đều không phù hợp với lứa tuổi. Các chương trình được gắn mác dành cho thiếu nhi nhưng thực chất là để thỏa mãn ý thích của người lớn. Mỗi chương trình giải trí dành cho thiếu nhi ra mắt, khán giả lại chứng kiến những giọt nước mắt trên khuôn mặt các bé. Cũng không ít lần, người xem truyền hình phải nhăn mặt khi nhìn thấy các bé phải gồng mình thể hiện bài hát không dành cho mình. Đằng sau mỗi lời tung hô thần đồng, ca sĩ nhí, thiên tài bẩm sinh… là cả sự cố gắng để hoàn thành mong muốn của cha mẹ, nhà sản xuất. Các bé đã đánh mất tuổi thơ, cân bằng lứa tuổi bởi những hình thức biểu diễn, ca khúc… mà những người lớn đang áp đặt.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Thiếu nhi cần phải sống và phát triển đúng lứa tuổi của mình. Thông qua những cảm nhận của chính mình chứ không phải từ cha mẹ. Trẻ con khi tham gia gameshow chắc chắn chúng chỉ muốn vui vẻ, chứ không phải là hơn thua nhau. Chỉ có người lớn mới tạo ra tâm lí ấy ở các em bằng việc ép con mình phải lựa chọn bài hát khó để được đánh giá cao…”.

Điều này cũng phản ánh đúng những gì đang diễn ra. Nhạc dành cho thiếu nhi thiếu và yếu, còn các em đang “bị ép” phải nghe, phải hát những ca khúc ngoài lứa tuổi. Tham gia gameshow truyền hình thì phải giả trai, giả gái, uốn éo, nhảy nhót không phù hợp. Nhưng nó vẫn cứ diễn ra, bởi lợi nhuận nhà sản xuất, ham danh tiếng từ chính gia đình các bé. Hậu quả là nhiều em đã bị tung hô quá đà, ảo tưởng về tài năng của mình.

MAI LINH

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Góc ảnh

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top