Nỗi lo hiện hữu ở chùa Bổ Đà

VHO- Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) mỗi năm đón lượng khách đến ngày càng đông. Tuy nhiên, ngôi chùa này đang đối mặt với những nỗi lo về việc bảo vệ cổ vật.

Nỗi lo hiện hữu ở chùa Bổ Đà - Anh 1

 Thượng tọa Thích Tục Hòa giới thiệu mộc bản kinh Phật tại chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà là một trong những di tích còn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Bên cạnh vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam với gần 100 ngôi tháp, chùa Bổ Đà cũng đang lưu giữ một bảo vật quốc gia, đó là “Mộc bản chùa Bổ Đà”. Mộc bản được lưu giữ tại chùa Bổ Đà là bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này. Hiện mộc bản vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn với gần 2.000 bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn.

Theo Thượng tọa Thích Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà, mộc bản này mới chỉ được in khoảng 2 lần và chất lượng mộc bản còn rất tốt, không hề bị mối mọt. Hiện phòng lưu giữ mộc bản được khóa kỹ càng, có camera giám sát, tuy nhiên các nhà sư tại đây cũng như chính quyền huyện Việt Yên đang lo lắng về việc bảo vệ mộc bản cũng như các cổ vật hiện có trong chùa. Trước kia, khách có thể thoải mái tham quan mộc bản kinh Phật nhưng sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017, mộc bản được cất kỹ trong một gian nhà kín, cửa khóa mấy lần. Du khách đến thăm chùa tuyệt nhiên không được tiếp cận với bảo vật này.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, hiện huyện đang triển khai số hóa các mộc bản. Khi có các bản sao của mộc bản, nhà chùa có thể trưng bày cho du khách chiêm ngưỡng và họ có thể tự tay trải nghiệm việc in kinh trên các bản sao. Việc này sẽ giúp lan tỏa giá trị của bảo vật. “Tuy nhiên, việc đầu tư, bảo vệ di sản tại đây hiện chưa xứng tầm với giá trị cảnh quan, lịch sử cũng như các cổ vật tại chùa. Hiện cơ sở vật chất của chùa Bổ Đà khá sơ sài, tường rào, các hạng mục công trình bảo vệ chưa bảo đảm về an ninh. Đặc biệt, từ khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và mộc bản được công nhận là bảo vật quốc gia, lượng khách đến với chùa ngày càng đông. Nếu không có các giải pháp thì việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, cũng như bảo vệ giá trị di tích cũng như bảo vệ cổ vật đang là nỗi lo hiện hữu.”, ông Lượng nói.

Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn Bắc Giang xảy ra gần 50 vụ xâm hại, trộm cắp di vật, cổ vật, kẻ gian lấy đi hơn 200 di vật, cổ vật các loại. Trong đó, tại chùa Bổ Đà, năm 2009 kẻ gian lấy mất 6 pho tượng Phật; đầu năm 2016, kẻ trộm đã đột nhập lấy đi 1 chiếc chóe cổ và 4 lộc bình; năm 2017, pho tượng Quan âm Tống tử bằng gỗ có niên đại khoảng 200 năm bị mất cắp trước khi đón nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt chỉ có… 1 ngày. Sau sự việc trên, chùa đã lắp camera bảo vệ, hằng đêm cơ quan công an đều cử một chiến sĩ vào giúp nhà chùa canh giữ, tuy nhiên với cơ sở vật chất sơ sài như hiện nay, nhà chùa và chính quyền địa phương rất lo lắng vì nạn mất cắp vẫn có thể xảy ra. 

 HOÀNG ANH - PHÚC NGHỆ

Ý kiến bạn đọc