Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Triển lãm trên 100 tài liệu lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư 28/08/2019 | 13:35 GMT+7

VHO-  Sáng 28.8, Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” đã khai mạc tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 3 cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ tổ chức.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Đại diện Văn phòng Unesco tại Việt Nam Michael Croft, đại diện các cơ quan Lưu  trữ Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp đã dự lễ khai mạc.

Triển lãm công bố, giới thiệu hơn 100 tài liệu quốc gia hiện đang bảo quản tại các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa của Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, và Hoa Kỳ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo 3 phần: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu; Người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài; Bản Di chúc thiêng liêng - Sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các đại biểu tham quan triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh, di sản của Hồ Chí Minh vô cùng đa dạng và phong phú, thấm đẫm trong toàn bộ cuộc đời cao đẹp, sự nghiệp vĩ đại của Người, tỏa sáng trong tư tưởng, tác phẩm, trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm sâu sắc, ân cần đối với con người, đất nước và nhân loại. Triển lãm này nhằm tri ân công lao và đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Sức thu hút của triển lãm đặc biệt về Người

“Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trên một phạm vi rộng lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những tài liệu, hiện vật, phim ảnh... liên quan đến những năm tháng Người sống và hoạt động ở nước ngoài còn đang nằm rải rác ở nhiều nước. Triển lãm “Hồ Chí Minh: cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ của Việt Nam và thế giới” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực  nhằm nghiên cứu, tìm hiểu, lưu giữ và lan tỏa di sản Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tôn vinh những di sản vĩ đại của Người...”, ông Nguyễn Văn Công khẳng định.

Nhiều người bạn quốc tế đến xem triển lãm

 Càng có ý nghĩa hơn khi triển lãm được tổ chức tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Người đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (1954 - 1969); cũng là nơi Người đã trút hơi thở cuối cùng. Mỗi di tích, mỗi tài liệu hiện vật nơi đây chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau nhưng đều là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống cao đẹp và cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chia sẻ, nhằm thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và chào mừng Quốc khánh  02.9, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp cùng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan lưu trữ của 03 quốc gia: Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga và Hoa Kỳ tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh: cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” tại chính nơi Người đã ở và làm việc trong thời gian dài để thể hiện sự tôn kính và như một nén tâm nhang thành kính dâng lên Người.

Trưởng Đại diện Văn phòng Unesco tại Việt Nam Michael Croft

Hơn 100 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giúp công chúng hiểu rõ hơn những tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp hòa bình, tình hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới.

“Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta ôn lại lời căn dặn của Người, thêm ý chí, quyết tâm và sức mạnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Người hằng mong muốn; qua đó góp phần bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ...”, ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Những tài liệu lưu trữ đặc biệt giá trị

Chia sẻ sự xúc động khi có mặt tại Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông René- Nicolas Houzelot, Q. Giám đốc Lưu trữ Quốc gia Pháp tại Paris bày tỏ,  có mặt tại đây, nơi đang tái hiện lịch sử Việt Nam thế kỷ XX đã khiến ông thực sự kính trọng  về con đường Người đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam chiến thắng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. “Các bạn đã rất nỗ lực để giữ nguyên vẹn tất cả những đồ vật này, vốn thường là vô giá, để biến nơi này trở thành điểm đến ấn tượng, biểu trưng để  những con người Việt Nam và bạn bè nước ngoài có thể đến và bày tỏ tình cảm sâu sắc đối với sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 18.1.1946 về việc đề nghị Hoa Kỳ cùng với Liên Hợp Quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam (bên trái ảnh, nguồn: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ) và Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman đề nghị giúp đỡ bảo vệ  nền độc lập của Việt Nam trước sự xâm lược của người Pháp,  ngày 28.2.1946 (bên phải ảnh, nguồn: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ)

Ông René- Nicolas Houzelot cho biết, nhiều tài liệu lưu trữ được lưu giữ ở Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Pháp và Việt Nam là nguồn tư liệu quý báu của lịch sử, cho phép các nhà lưu trữ và nghiên cứu lịch sử  công bố các thông tin không thể phủ nhận.

“Toàn bộ tài liệu liên quan đến Hồ Chí Minh được bảo quản tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp đã được số hóa và một bản sao đã được trao tặng cho Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam năm 2016. Khoảng 10.000 trang tài liệu số hóa của 8 hộp hồ sơ lưu trữ , gồm các báo cáo về Người trong thời gian ở Pháp, hoặc các báo cáo về Người của các Sở ở Đông Dương, nhiều tài liệu trong số đó đã được giới thiệu ở triển lãm này”, Q. Giám đốc Lưu trữ Quốc gia Pháp tại Paris René- Nicolas Houzelot chia sẻ.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TÙNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top