Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh xây dựng Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành: “Đề án không lãng mạn, viển vông...”

Thứ Sáu 06/09/2019 | 09:27 GMT+7

VHO- “Đề án Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam bước đầu đã khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, bởi đây là mô hình quá mới mẻ tại Việt Nam...”, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có cuộc trao đổi rất cởi mở và thẳng thắn với Văn Hoá về đề án Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam.

 

  Thành phố Nhiếp ảnh VN sẽ thúc đẩy thị trường nhiếp ảnh phát triển chuyên nghiệp Ảnh minh họa

Ông Thành cho biết: Với nhiều người, khái niệm về công nghiệp văn hóa trong nhiếp ảnh cũng như hình dung về mô hình Thành phố nhiếp ảnh có thể “hái ra tiền” trong tương lai vẫn còn rất mù mờ. Chúng ta đang ở giai đoạn “vỡ vạc” khái niệm và những hình dung đó thông qua các cuộc hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý và nghệ sĩ trong giới. Nếu kịp, có thể trong năm 2020, 2021, Việt Nam sẽ có Thành phố nhiếp ảnh đầu tiên...

Mặc dù là đề án triển khai Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam, nghĩa là hứa hẹn tương lai ngành nhiếp ảnh sẽ trở thành một lĩnh vực có thể kiếm ra tiền, nhưng vì sao nhiều tỉnh, thành lại có vẻ không mấy mặn mà thưa ông?

- Họa sĩ Vi Kiến Thành: Khi bắt tay làm đề án chúng tôi đã tính đến hai phương án. Thứ nhất là tập trung tổ chức mô hình thành phố nhiếp ảnh định kỳ tại một địa phương, dần dần tạo thành thương hiệu quốc gia tương tự như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế... Tuy nhiên, mô hình Thành phố Nhiếp ảnh bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước còn cần đến sự đầu tư kinh phí của các địa phương. Nếu chỉ tổ chức cố định tại một tỉnh, thành nào đó thì e rằng bước đầu sẽ tạo nên gánh nặng kinh tế cho địa phương đó. Thêm nữa, cũng không đơn giản để tìm được một nơi nhiệt tình đăng cai tổ chức thường xuyên một mô hình mới mang tính thử nghiệm như vậy.

Phương án hai được tính đến là sẽ tổ chức mô hình Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam tại một số tỉnh, thành phố có tiềm năng về du lịch và di sản văn hóa, định kỳ luân phiên 2 năm một lần. Qua đó tạo ra những tác phẩm, sản phẩm, sự kiện thúc đẩy thị trường nhiếp ảnh phát triển. Để có cơ sở thực tiễn xây dựng đề án, Cục đã tới nhiều tỉnh, thành để khảo sát. Tuy nhiên, mới chỉ có 4 nơi hưởng ứng. Theo đánh giá của chúng tôi, còn nhiều địa danh khác có đủ tiềm năng, thế mạnh để đăng cai như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), TP Sa Pa (Lào Cai), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)..., nhưng cũng phải chia sẻ rất thật, nhiều nơi khi chúng tôi mới gửi đề án, hay đặt vấn đề bằng văn bản đã bị từ chối không thương tiếc. Như Sa Pa (Lào Cai) đã từ chối thẳng thừng với lý do ở đó đã có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức rồi. Hà Nội cũng là một địa danh trung tâm mà chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hợp tác, nhưng sau khi gửi đề án thì vẫn chưa nhận được hồi âm nào.

Ông có suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng đề án hơi quá sức và quá lãng mạn, viển vông?

- Thực tế có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề án. Nhiều người hoài nghi về tính khả thi, cho rằng đề án có vẻ lãng mạn quá, xa vời quá so với thực trạng phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ những ý kiến đó cũng là bình thường, bởi đây là mô hình quá mới mẻ tại Việt Nam. Với nhiều người, khái niệm về công nghiệp văn hóa trong nhiếp ảnh cũng như hình dung về mô hình “thành phố nhiếp ảnh” có thể tạo nên những sản phẩm nhiếp ảnh có giá trị kinh tế, thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường nhiếp ảnh trong tương lai vẫn còn rất mù mờ. Vì vậy, ở giai đoạn hiện nay, cơ quan chuyên môn đang tổ chức các cuộc hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý và nghệ sĩ trong giới để “vỡ vạc” các khái niệm trước khi hình thành các mô hình thực tế tại các địa phương.

Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến đã cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với nhiếp ảnh là một việc quá tầm với Việt Nam. Nhận định đó xuất phát từ thực trạng của nền nhiếp ảnh trong nước hiện giờ, khi chúng ta chưa có một thị trường nhiếp ảnh một cách đúng nghĩa. Nhiều lo ngại khác cũng xuất phát từ trình độ của đội ngũ cũng như nhu cầu sở hữu thật các tác phẩm nhiếp ảnh từ công chúng. Tôi cho rằng đó là những suy nghĩ có cơ sở thực tế, nhưng không có nghĩa là rào cản bó buộc việc triển khai và hiện thực hóa mô hình xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh mà đề án đã đưa ra.

Cá nhân ông có cho rằng đây là một đề án lãng mạn, khó triển khai?

- Đề án Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam là mô hình quá mới mà không thể chỉ nói khơi khơi là có thể hình thành. Có thể phải cả chục năm, tức là qua khoảng 5-6 kỳ tổ chức mới có để định hình và dần đưa mô hình này vào đời sống. Trong số các địa phương hưởng ứng, Ninh Bình là nơi nhiệt tình nhất. Tỉnh này đề nghị được đăng cai tổ chức Thành phố Nhiếp ảnh đầu tiên ngay vào năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng khoảng thời gian từ nay đến đó quá gấp, chưa đủ để hình thành các yếu tố nội hàm đầy đủ cho một thành phố nhiếp ảnh tiềm năng, giàu sức hút và có thể duy trì bền vững, lâu dài.

Nói như vậy để thấy đề án đã được tính toán mang tính thực tế, không lãng mạn, viển vông. Trong rất nhiều hoạt động mà mô hình này sẽ tổ chức, cần phải xác định mục tiêu chính là các hội chợ nhiếp ảnh, trong đó có các hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nhiếp ảnh. Các hoạt động khác như sáng tác, hội thảo cũng sẽ góp phần hướng đến thúc đẩy hình thành một thị trường nhiếp ảnh thực thụ. Ở đó, có các tác phẩm nhiếp ảnh có tính kinh tế, đĩnh đạc bước vào thị trường mua bán và mạnh mẽ hội nhập quốc tế, góp phần mang lại nguồn thu cho nền kinh tế quốc gia.

Điều đó có nghĩa là việc hình thành các thành phố nhiếp ảnh sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển thị trường nhiếp ảnh Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, thưa ông?

- Đúng vậy. Có thể nhận thấy rất rõ một thực tế là hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam dù đang phát triển mạnh mẽ, số lượng đông đảo nhưng kỳ thực lại có nguy cơ nghiệp dư hóa, thậm chí đang bị rơi vào tình trạng hoạt động bão hòa, nhàm chán. Hoạt động mua bán tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay cũng rất tự phát, chủ yếu phục vụ mục đích đấu giá, từ thiện, hoặc theo quan hệ cá nhân.

Đề án Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam bên cạnh mục tiêu thực hiện nhiệm vụ triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì còn được kỳ vọng sẽ là cú hích cho sự thay đổi tư duy sáng tác, là giải pháp phát triển nhiếp ảnh Việt Nam có chiều sâu, chuyên nghiệp. Đề án nếu được thông qua cũng sẽ góp phần hình thành thị trường, nâng cao nhận thức của công chúng đối với việc sở hữu, sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh.

Xin cảm ơn ông!

 

 Đề án đã được tính toán mang tính thực tế, không lãng mạn, viển vông. Trong rất nhiều hoạt động mà mô hình này sẽ tổ chức, cần phải xác định mục tiêu chính là các hội chợ nhiếp ảnh, trong đó có các hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nhiếp ảnh. Các hoạt động khác như sáng tác, hội thảo cũng sẽ góp phần hướng đến thúc đẩy hình thành một thị trường nhiếp ảnh thực thụ. Ở đó, có các tác phẩm nhiếp ảnh có tính kinh tế, đĩnh đạc bước vào thị trường mua bán và mạnh mẽ hội nhập quốc tế, góp phần mang lại nguồn thu cho nền kinh tế quốc gia.

 


PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top