Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Di tích K20: Cần trở thành “điểm sáng” của du lịch về nguồn

Thứ Sáu 06/09/2019 | 16:49 GMT+7

VHO- Khu căn cứ Cách mạng K20 thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2010. Đây là di tích lịch sử hào hùng của nhân dân địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong tương lai khu căn cứ Cách mạng K20 sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách, tuy nhiên để di tích này có thể phát huy giá trị và khai thác được dịch vụ du lịch thì vẫn cần nhiều việc phải làm.

Di tích lịch sử ý nghĩa

Khu căn cứ cách mạng K20 là khu căn cứ bí mật, độc đáo nằm giữa lòng địch, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, di tích K20 được TP Đà Nẵng triển khai đầu tư hơn 36 tỷ đồng  để bảo tồn, tôn tạo, trong đó xây dựng một số hạng mục công trình tại khu vực này như san lấp, nâng cốt nền, xây dựng đường nội bộ, hồ điều tiết nước, bãi đậu xe, công viên, điện chiếu sáng công cộng, nước sinh hoạt. Di tích này đã được thành phố và quận Ngũ Hành Sơn giao cho Ban Quản lý (BQL) Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và khai thác dịch vụ du lịch. 

Theo BQL Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, có một số hạng mục trong vùng di tích đã được trùng tu tôn tạo như nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà truyền thống K20, Miếu Tiến sỹ, tuyến đường giao thông số 1 và giao cho Tổ quản lý Di tích K20 tiếp quản, khai thác, sử dụng. Trong thời gian qua, Di tích K20 đã đón nhiều lượt khách đến tham quan, trở thành địa chỉ học tập, giáo dục truyền thống yêu nước của hàng ngàn học sinh, người dân địa phương.

Ông Huỳnh Trưng giới thiệu về đường hầm lịch sử đã nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ

Nhà ông Huỳnh Trưng (87 tuổi) vẫn còn hầm bí mật được xây dựng ngay dưới bàn thờ trong nhà, hiện nay hầm đã được trùng tu, sửa sang lại rộng rãi hơn để du khách có thể trải nghiệm cảm giác khi chui hầm đi thông ra ngoài sát mé bờ sông. Mở cửa cho chúng tôi xuống căn hầm, ông Trưng cho biết căn hầm này có thể chứa được vài chục người, ngày xưa là nơi tập trung của bộ đội thương binh trong suốt thời gian từ 1968 - 1975. Hiện nay, rất nhiều đoàn khách nước ngoài đã biết và đến tham quan tìm hiểu nơi này.

Chưa phát huy được giá trị 

Là chứng tích lịch sử quan trọng, và tương lai sẽ thành điểm đến của du lịch về nguồn, tuy nhiên, để di K20 thành nơi thu hút du khách, phát huy ý nghĩa lịch sử thì vẫn còn là điều khó khăn. Hiện nay, trong vùng di tích có khoảng trên 30 hộ dân cư trú, nhà dân hầu hết là nhà cấp 4, gần đây một số nhà dân đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới dưới dạng kiên cố bằng bê tông cốt thép nên đã ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa, mỹ quan của khu di tích. Nói chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống gần đó cho biết: “Trước đây cũng dự kiến giải tỏa những hộ dân quanh đây, tuy nhiên bây giờ thì vẫn để cho người dân ở lại. Tuy nhiên việc xây cất những công trình mới quanh khu di tích khiến cảnh quan di tích bị trộn lẫn, phá vỡ. Thành phố đã nâng nền cho các hộ dân, đất đai thuộc sổ đỏ của họ, họ xây dựng đúng quy định nên cũng không có lý do gì để nhắc nhở. Hiện nay đất ở đây có giá trị nhiều nên người dân quay lại sinh sống, chia cho con cái và xây dựng nhiều công trình mới. Về việc phục dựng, những người già ở đây cũng đã họp 3 lần nhưng chưa đi đến thống nhất” - bà Hoa nói.

Trầm ngâm bên chiếc hầm lịch sử, ông Trưng cũng tiếc nuối: “Các lũy tre bao bọc xung quanh làng trước đây không còn nữa, địa đạo xóm Đồng đã bị xóa dấu vết hoàn toàn. Nhiều hầm bí mật tại các nhà dân cũng đã bị biến dạng không còn giữ lại nguyên trạng như xưa”.

Khách đến tham quan Nhà trưng bày truyền thống K20 

Nhằm bảo tồn nguyên trạng các di tích này để phục vụ cho du khách tham quan, BQL Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã đề xuất khôi phục lại địa đạo Xóm Đồng và một số hầm bí mật tại nhà dân, trồng lại lũy tre bao quanh làng, tạo cảnh quan cây xanh bóng mát. Đồng thời nghiên cứu khai thác hiệu quả bến cầu tàu du lịch, xây dựng mô hình du lịch trong dân… tạo ra những sản phẩm hấp dẫn mới. Ông Lê Ngọc Nhất - Phó Ban quản lý Khu di tích K20 cho biết, BQL đã tham mưu với quận trình TP phê duyệt về đề án tôn tạo cảnh quan, khôi phục Địa đạo và làm thêm 5 hầm. “Tại vùng di tích, hiện trạng đã bị phá vỡ nhiều, nên hướng đón khách về nguồn cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu khách theo du lịch đường sông và cập bến ở đó thì mới mong phát triển du lịch. BQL đã đề nghị thành phố sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở trong dân theo quy chuẩn của Luật Di sản văn hóa nhằm đảm bảo tính hài hòa cảnh quan trong khu di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, tạo cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho người dân tại Khu di tích trong việc sửa chữa, nâng cấp khi nhà ở của dân bị hư hỏng, xuống cấp. Đề nghị thu hồi các công trình xây dựng mới khu vực trước nhà Truyền thống K20, các hộ dân trên tuyến đường vào hầm nhà ông Huỳnh Trưng để khôi phục cảnh quan khu vực xóm đồng như xưa” - ông Nhất chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch Q. Ngũ Hành Sơn, việc khôi phục, đầu tư, tôn tạo để phát triển du lịch tại Khu Căn cứ cách mạng K20 không chỉ là mở rộng dịch vụ du lịch mà còn là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn một khu di tích mà nhân dân và thành phố nói chung đã dày công xây dựng và lưu giữ. 

NGỌC HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top