Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đề nghị giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực

Thứ Sáu 20/09/2019 | 16:13 GMT+7

VHO-Chiều 20.9, trước khi bế mạc phiên họp lần thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Đó là xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày Tờ trình của Chính phủ

Đặc biệt việc sửa đổi Luật cũng xuất phát từ yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập - xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.

“Trong những năm gần đây, khách du lịch tàu biển vào Việt Nam ngày càng tăng, số lượng lớn (mỗi đoàn thường trên 1.500 người). Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quốc phòng, hải quân Việt Nam tăng cường hợp tác với hải quân các nước, nhiều tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động giao lưu, tọa đàm… Do đó, cần bổ sung quy định về việc cấp thị thực theo danh sách cho các trường hợp này”, Thứ trưởng Nam nói.

Cũng theo Tờ trình do Thứ trưởng Nam trình bày thì tại các Diễn đàn Doanh nghiệp, Diễn đàn Du lịch, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày đã gây khó khăn cho khách du lịch nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trên.

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh về thời điểm trình, thông qua dự án Luật, dù có 2 loại ý kiến nhưng thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An Ninh thấy rằng, Luật có nhiều nội dung tác động trực tiếp đến việc thực hiện chính sách đối ngoại, hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thương mại và bảo đảm an ninh trật tự. Việc sửa đổi, bổ sung Luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, gia nhập trong thời gian qua là rất cần thiết. Ngoài ra, dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Cho nên, việc trình Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 47 tại kỳ họp thứ 8 sẽ tạo được sự thống nhất, đồng bộ về quy định pháp luật và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh.

“Việc chủ động xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trên thể hiện sự nổ lực, cố gắng và quyết tâm cao của Chính phủ và cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý người nước ngoài, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2019) theo quy trình một kỳ họp”, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị.

Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật vào chiều 20.9

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, về bổ sung quy định đơn phương miễn thị thực (khoản 8 Điều 1), Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, hiện nay Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 6 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực, mà ngược lại cần thiết phải mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực. Mở rộng diện các nước được miễn thị thực cũng là một trong những nội dung đã được Chính phủ quan tâm, đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan nghiên cứu, đề xuất tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15.5.2018 của Chính phủ. Hơn nữa, khi Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh thì công dân Việt Nam cũng sẽ được các nước tạo điều kiện thuận lợi hơn khi họ xuất cảnh ra nước ngoài.

Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước, mà đề nghị giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực tại khoản 1 Điều 13 của Luật.

Góp ý với dự án sửa đổi, bổ sung dự án Luật, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dù thời gian rất gấp gáp. Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật cần phải đảm bảo được tính khả thi, chặt chẽ, rà soát các điều kiện miễn thị thực để vẫn đảm bảo được việc đầu tư, thu hút khách du lịch nhưng tránh bị lợi dụng cho những mục đích khác...

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top