Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vở rối thử nghiệm "Mơ Rồng”:  Chịu chơi đừng thành​​​​​​​ “chơi chịu”

Thứ Hai 23/09/2019 | 10:43 GMT+7

VHO- Nhà hát Múa rối Thăng Long là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cách tân cho nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Và, lần này nhìn vào mức độ đầu tư có phần đáng nể từ kinh phí dàn dựng cho tới huy động nhân lực tham gia cho thấy sự đầu tư cho Mơ Rồng có phần trội hơn nhiều chương trình nghệ thuật khác.

Cảnh trong vở rối “Mơ Rồng”

 Liệu cuộc “chơi sang” có phần xa xỉ này có thực sự mang lại hiệu quả cho những người làm nghệ thuật múa rối Việt Nam?

Mơ Rồng kể lại giấc mơ của một nghệ sĩ tạo hình các nhân vật rối trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài, mệt quá đã ngủ thiếp đi giữa những nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình. Đó là câu chuyện của Tễu và Rồng bay trên hành trình vòng quanh trái đất với những đồng cảm, chia sẻ và tìm cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nhân loại hôm nay: biến đổi khí hậu; bắt cóc trẻ em; rác thải công nghệ; bệnh tật đói nghèo; xung đột quyền lực; tranh chấp đại dương.

Tác giả kiêm đạo diễn Lê Quý Dương cho biết khi dàn dựng Mơ Rồng anh và các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long chấp nhận đương đầu với dư luận khi phá vỡ không gian quen thuộc của nghệ thuật múa rối nước truyền thống để tạo nên một tác phẩm rối nước mang màu sắc đương đại. Xem Mơ Rồng, không gian múa rối nước không chỉ là bể nước cũng như kiến trúc quen thuộc của nhà thuỷ đình cũng được thay đổi. Thử nghiệm táo bạo nhất là sự kết hợp giữa kỹ thuật biểu diễn của diễn viên rối nước thành những diễn viên trên cạn. Đồng nghĩa với việc các con rối thiết kế và tạo hình đáp ứng cho cả việc điều khiển ở dưới nước và cả ở trên sân khấu rối cạn. Đây là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi phải tập luyện, đầu tư kỹ lưỡng để các nghệ sĩ hóa thân. Những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại.

Mơ rồng khác với âm nhạc truyền thống dân gian quen thuộc thì đạo diễn đã đưa dòng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sỹ nổi tiếng người Úc Darin Verhagen với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Dùng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu, tạo dựng không gian và khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que. NSƯT Lê Trí Kiên, Phó đạo diễn vở Mơ Rồng cho rằng, việc kết hợp rối nước truyền thống của Việt Nam với âm nhạc hiện đại của Úc đã tạo cho Mơ Rồng có một bản phối rất tinh tế, vừa cổ điển nhưng vừa hiện đại nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây. 60 phút không có thoại, chỉ có âm nhạc và hình thể, điều này đã xóa đi những rào cản về ngôn ngữ và rào cản dân tộc với thế giới.

Là một đạo diễn có nghề của sân khấu rối, NSND Nguyễn Thuỳ Trang nhận định, “hình thức đưa rối nước lên sân khấu rối cạn đã có nhiều đơn vị nghệ thuật đã làm. Mơ Rồng gây ấn tượng mạnh bởi hình thức dàn dựng khi kết hợp giữa rối nước và nghệ thuật sắp đặt, đồng thời đưa một mô típ khá hiện đại xuống sân khấu rối nước. Cá nhân rất ấn tượng bởi lớp mặt nạ được dùng làm hình tượng trong toàn bộ câu chuyện. Tuy nhiên, “tôi thấy hơi tiếc khi đạo diễn chưa khai thác triệt để những mảng miếng, ưu thế nổi trội của nghệ thuật rối nước truyền thống”. Giới chuyên múa rối đánh giá cao ý tưởng sáng tạo phát triển không gian biểu diễn múa rối nước của Mơ Rồng nhưng vở diễn vẫn bộc lộ những hạn chế như tính xâu chuỗi diễn biến trong câu chuyện chưa mạch lạc, cách xử lý chưa khéo khi đưa con rối nước lên sân khấu cạn biểu diễn dẫn đến hiệu quả, kỹ thuật điều khiển con rối có phần nghèo nàn lặp đi lặp lại.

Vì là tác phẩm thử nghiệm nên những yếu tố mới chắc chắn sẽ phải tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để có sự hoàn thiện hơn. Chính vì vậy Mơ Rồng được đánh dấu bởi nỗ lực và mong muốn vượt lên chính mình, để trải nghiệm những khả năng và khai mở những con đường không bị phụ thuộc và hạn chế theo lối cũ. Đầu tư tiền tỉ cho một vở rối nước đã chứng tỏ việc bạo tay của Ban giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long dành cho một tác phẩm sân khấu mang tính thử nghiệm. Mà ở đó ranh giới giữa thành công và thất bại khó có thể phân định. 

THUÝ HIỀN

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top