Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhiều dòng âm nhạc dân gian Khmer đang bị mai một trầm trọng

Thứ Hai 23/09/2019 | 10:42 GMT+7

VHO- Đó là trăn trở của nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, âm nhạc tại tọa đàm khoa học “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ trong bối cảnh hiện nay”, do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.

 Biểu diễn nhạc A rắc của các nghệ nhân đến từ tỉnh Kiên Giang

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dòng nhạc độc đáo này.

Khi sự trao truyền bị đứt đoạn

PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho rằng, dòng âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ đang đứng trước nguy cơ biến tướng, mai một. Do vậy, xác định cái gì là giá trị và cần phải thống nhất trên quan điểm và phương hướng gì cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dòng nhạc này đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Những tri thức, kỹ năng hoạt động âm nhạc thuộc về trải nghiệm cá nhân và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương thức truyền khẩu, truyền ngón. Nếu sự trao truyền bị đứt đoạn, không người kế tục, cá nhân nắm giữ tri thức, kỹ năng qua đời, hoặc kỹ năng truyền dạy không hiệu quả, trình độ tiếp thu của lực lượng kế thừa không đạt yêu cầu,… thì nguy cơ mai một, biến tướng là điều tất nhiên.

Theo soạn giả Thạch Mu Ni, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ có khoảng 12 dòng nhạc đan xen lẫn nhau, cùng tồn tại, phát triển lâu đời. Trong đó, các dòng nhạc còn tồn tại và phát triển có nhạc lễ, nhạc tang, nhạc cưới, nhạc Ma hô ri, nhạc Dù kê và múa hát cộng đồng. Trong khi các dòng nhạc À day, Dì kê, hát ru, Chà pây chòm riêng, Rô băm và nhạc A rắc đang bị mai một, thậm chí nhiều ca khúc không còn ai nhớ nữa. Theo ông, nguyên nhân mai một là do người dân ít có nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ; không được ký âm lưu giữ do số lượng nhạc sĩ người Khmer có kỹ năng ký âm rất ít; không có đơn vị chịu trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, phát triển.

Đưa vào dạy tại các điểm chùa

TS.NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, Nhạc viện TP.HCM nói rằng, để bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc này, cần thiết phải tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn có lồng ghép loại hình âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ hướng đến giới trẻ để tạo lực lượng kế thừa biết thưởng thức âm nhạc dân tộc. “Các trường cần đẩy mạnh việc đào tạo loại hình âm nhạc truyền thống, đặc biệt là âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ, trên cơ sở phát huy thế mạnh và đề xuất cơ chế đặc thù trong việc đào tạo và tuyển sinh ngành học đặc biệt này”, TS.NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng cho hay.

Theo soạn giả Thạch Mu Ni, ngành giáo dục và đào tạo cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đưa âm nhạc dân gian thành môn học trong các lớp ngữ văn Khmer được tổ chức vào dịp hè hằng năm tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer để tạo ý thức, nhận thức và sự thấm nhuần trong tình cảm của thế hệ trẻ về âm nhạc truyền thống dân tộc. “Kinh nghiệm cho thấy khi học chữ tại các điểm chùa, các sư thầy vừa dạy văn hóa kết hợp dạy hát dân ca, ca dao, tục ngữ, đồng dao, ngâm thơ,… sẽ hình thành trong học sinh sự cảm thụ sâu sắc nghệ thuật truyền thống. Qua khảo sát tại Trà Vinh cho thấy, các lớp học tại điểm chùa trong 2 tháng hè luôn thu hút đông đảo học sinh đồng bào Khmer đến học. Riêng Trà Vinh hiện có đến 143 điểm chùa, là điều kiện rất khả thi nếu triển khai cách làm này”, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Thạch Mu Ni mong muốn.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng, so với các cộng đồng dân tộc khác, điểm chùa là thiết chế văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer mà không có một cộng đồng nào có được, do vậy việc dạy văn hóa kết hợp với âm nhạc dân gian truyền thống tại đây được xem là hình thức vừa độc đáo và hiệu quả. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top