Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý lễ hội: Vẫn còn yếu tố bạo lực, tranh cướp...

Thứ Sáu 20/12/2019 | 12:00 GMT+7

VHO- “Năm 2019, hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như hiện tượng trục lợi, một số lễ hội còn chứa đựng các yếu tố bạo lực, tranh cướp...”.

“Năm 2019, hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như hiện tượng trục lợi, một số lễ hội còn chứa đựng các yếu tố bạo lực, tranh cướp...”. 
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội; đánh giá kết quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức ngày 18.12 tại Phú Thọ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã cho biết như vậy. 
Chấn chỉnh kịp thời 
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, nhìn lại một năm thực hiện Nghị định 110, bức tranh lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân; những khó khăn, vướng mắc cơ bản được khắc phục. Nhưng công tác quản lý và tổ chức vẫn bộc lộ những hạn chế như hiện tượng trục lợi, các yếu tố bạo lực, tranh cướp, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa cao, vệ sinh môi trường còn hạn chế... “Đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 110 và công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019 nhằm chỉ rõ những mặt được, chưa được, yếu kém cần khắc phục, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ thực tế của các địa phương...”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị. 

Toàn cảnh hội nghị 

Bộ VHTTDL cho biết, trong năm 2019, việc thực hiện Nghị định 110 đã đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nhiều hạn chế từ mùa lễ hội năm 2018 đã được điều chỉnh như các hành vi phản cảm, bạo lực đã giảm; không còn phổ biến hiện tượng đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ; công tác thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được tăng cường... Đặc biệt, đối với một số lễ hội “điểm nóng” còn duy trì các tập tục, yếu tố phản cảm như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực như hội Phết Hiền Quan, hội chọi trâu huyện Phù Ninh (Phú Thọ); hội chọi trâu huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc); tục cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc)..., Bộ VHTTDL đã kịp thời có văn bản gửi UBND các tỉnh yêu cầu chỉ đạo, chấn chỉnh và có giải pháp khắp phục. 
Nhiều ý kiến tại Hội nghị khẳng định sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội sau một năm thực hiện Nghị định 110. Đại diện địa phương có “điểm nóng” về lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phan Văn Ngọc chia sẻ, sau một năm triển khai Nghị định, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện đã chuyển biến tích cực. Các lễ hội trước khi tổ chức đều có văn bản, hồ sơ đăng ký hoặc thông báo đến chính quyền được phân cấp theo quy định; thành lập BTC lễ hội, ban hành kế hoạch cụ thể... “Địa phương cam kết không xảy ra hiện tượng lợi dụng lễ hội để trục lợi; không thực hiện nghi lễ bạo lực, phản cảm, trái truyền thống. Hầu hết các lễ hội đang được quản lý, tổ chức đúng quy định. Tuy nhiên, huyện vẫn đang phải tập trung chỉ đạo, tìm giải pháp đối với công tác tổ chức đối với một số lễ hội trong năm 2020 như Lễ hội Cầu trâu xã Hương Nha, xã Xuân Quang và đặc biệt là hội Phết, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông”, ông Ngọc nói. 

Mùa lễ hội Xuân 2019, hội Phết Hiền Quan là một trong những lễ hội thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận khi cam kết của BTC về phương án bảo vệ an ninh trật tự, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy... đã không thành hiện thực. UBND huyện Tam Nông đã ban hành văn bản yêu cầu UBND xã Hiền Quan, BTC lễ hội Phết xã Hiền Quan dừng hoạt động hội đánh phết vào ngày thứ hai diễn ra lễ hội, tức 13 tháng Giêng cũng như hoạt động đánh phết vào các năm tiếp theo, trước khi có đề án tổ chức phù hợp. 
Tuy nhiên, tại Hội nghị này, lãnh đạo huyện Tam Nông lại trần tình, đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn đang bàn thảo với cộng đồng để tìm giải pháp cho mùa lễ hội tới. “Nhưng phải thú thực là rất khó!”, chính quyền địa phương thừa nhận. 
Khắc phục phản cảm, cách nào? 
Cũng theo ông Phan Văn Ngọc, đối với việc tổ chức hội Phết Hiền Quan, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hiền Quan xây dựng kế hoạch, đề án đổi mới phần đánh phết. Nhưng từ năm 2016-2019, nội dung này vẫn liên tục bị “vỡ trận” mặc dù đã có nhiều phương án được đưa ra. Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau gây phản cảm, mất an ninh trật tự, vi phạm quy định tại Nghị định 110 vẫn diễn ra. “Mùa lễ hội 2020, chúng tôi vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng để khắc phục được những phản cảm, hạn chế này”, ông Ngọc cho biết. 
Những nan giải ở lễ hội Hiền Quan có thể nói là một trong những bài toán phức tạp nhất đang đặt ra đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội hiện nay. Nhìn nhận khách quan, mùa lễ hội 2019 cũng đã cho thấy nhiều chuyển biến rõ nét với các điển hình như: lễ hội Chùa Hương đã đảm bảo an ninh, an toàn; lễ hội Gióng đã kiểm soát tốt việc phát lộc giò hoa tre, trầu cau, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy; lễ hội Đền Trần (Nam Định) giảm đáng kể tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn, tung tiền vào kiệu ấn... 

 

 Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, mùa lễ hội tới phải kiên quyết không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp và các hiện tượng thiếu văn minh trong lễ hội. Trong ảnh: Hội Phết Hiền Quan vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để ngăn chặn bạo lực Ảnh: TRẦN HUẤN 

Cục Văn hóa cơ sở cho biết, nhiều lễ hội chỉ một vài năm trước là “điểm nóng” trên truyền thông nay đã êm ả nhờ thay đổi phương án tổ chức. Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn nhờ bỏ đi nội dung tranh phết, chỉ trình diễn nghi lễ; lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, ngăn chặn và có biện pháp xử lý các hiện tượng tiêu cực; lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc) xây dựng đề án đổi mới, đảm bảo nghi lễ truyền thống; hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tạm dừng lễ hội năm 2019 để xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức... 
BTC các lễ hội đông người cũng đã chú trọng tuyên truyền nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, hạn chế thắp hương, đốt đồ mã, giữ gìn sự trang nghiêm của di tích, lễ hội; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được bố trí khoa học, hợp lý, xa khu vực di tích; không để các hiện tượng mê tín dị đoan, “chặt chém” du khách diễn ra tại lễ hội... 
Những hạn chế cần khắc phục cũng được Bộ VHTTDL thẳng thắn nêu rõ: Vẫn còn xảy ra hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội như hội Phết Hiền Quan, lễ hội Đúc Bụt... Công tác quy hoạch khu vực dịch vụ bán hàng hóa ở một số lễ hội chưa sắp xếp khoa học, ảnh hưởng đến cảnh quan và sự tôn nghiêm của di tích; việc đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số nơi chưa được xử lý kịp thời; còn hiện tượng thắp hương trong nội tự, đốt vàng mã nhiều... 
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong năm 2020, giải pháp quan trọng đầu tiên là tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản quản lý, đặc biệt là Nghị định 110. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền đối với chủ thể văn hóa và công chúng về bảo vệ, phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội; đẩy mạnh vai trò truyền thông của báo chí trong việc giới thiệu nguồn gốc, nhận diện giá trị của lễ hội, di tích, định hướng những hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội... 

  Mùa lễ hội tới, kiên quyết không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, các hiện tượng thiếu văn minh trong lễ hội. Đặc biệt, cần xây dựng các giải pháp khắc phục hiện tượng lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm trục lợi, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội... 

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

 MINH NGỌC 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top