Học sinh tìm hiểu về phong tục Tết

VHO- Tết sẻ chia, Tết trải nghiệm với những phong tục, tập quán cổ truyền từ lâu đã được nhiều trường học tổ chức cho học sinh mỗi dịp Tết đến Xuân về, qua đó nhằm giáo dục, bồi dưỡng kiến thức văn hóa dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh cho các em…

Học sinh tìm hiểu về phong tục Tết - Anh 1

  TS Nguyễn Nhã thực hiện nghi thức tưởng niệm GS Trần Văn Khê trong khuôn viên trường

Mới đây, gần 1.500 học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM đã được trải nghiệm tìm hiểu về Tết truyền thống Việt tại sân trường trong giờ sinh hoạt dưới cờ qua chương trình Ngày hội giữ gìn văn hóa, do Nhà trường phối hợp cùng nhóm nghiên cứu Hồ Nhựt Quang tổ chức. Chương trình có sự tham dự của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã; TS, NSƯT Hải Phượng cùng nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ…

Tại chương trình, các học sinh được nghe phần trình bày của Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Nhựt Quang về ý nghĩa ban thờ gia tiên, các bức hoành phi, câu đối, trưng mâm ngũ quả, bánh tét, rượu, trà, các loại cây cảnh trang trí ngày Tết, cầu chúc những điều tốt lành… trong phong tục Tết Việt ở Nam bộ. Cùng với hoạt động này, các em được xem chương trình sân khấu hóa qua hai vở diễn Tết Thầy Cây nêu ngày Tết, tái hiện lại sự tích dựng cây nêu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Trước đó, Nhà trường cũng tổ chức chương trình nghệ thuật Tình ca mùa xuân 2021 chủ đề “Sắc xanh”. Cùng với sân chơi âm nhạc, Tình ca mùa xuân 2021 cũng trao học bổng đến học sinh nghèo trên địa bàn.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du: “Những phong tục tập quán xưa đến nay đang dần mai một, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, đây là một điều rất đáng buồn. Chương trình tìm hiểu về phong tục, tập quán Tết nhằm khơi lại không khí háo hức thủa xưa mỗi khi Tết đến Xuân về, giáo dục kiến thức văn hóa truyền thống cho học sinh; quan trọng hơn, giúp các em hình dung thực tế về những công việc quan trọng trong ngày Tết, biết chia sẻ và có trách nhiệm với gia đình của mình. Các hoạt động cũng mong muốn tạo thêm sân chơi để các em được giao lưu, trải nghiệm, thể hiện năng khiếu và có những giờ phút thư giãn lành mạnh sau các tiết học nghiêm túc”.

Ông Huỳnh Thanh Phú cũng chia sẻ thêm, việc tổ chức các chương trình văn hóa - nghệ thuật cũng nhằm đáp ứng xu hướng thưởng thức âm nhạc của giới trẻ, giáo dục tinh thần chia sẻ với những gương vượt khó vươn lên, từ đó giáo dục nhân cách, kỹ năng toàn diện cho học sinh... “Theo dự kiến, vào ngày 5.2, Nhà trường sẽ tổ chức Hội chợ Xuân yêu thương, Lễ hội gói bánh tét. Tuy nhiên, trong tình hình bệnh dịch đang lây lan trong cộng đồng như hiện nay, Nhà trường đã cho hủy các hoạt động này để đảm bảo an toàn. Mặc dù vậy, trong các hoạt động giáo dục trên lớp, các thầy cô giáo đều lồng ghép vào đó những câu chuyện ý nghĩa trong ngày Tết, để qua đó các em hiểu hơn giá trị văn hóa truyền thống về Tết xưa - Tết nay của dân tộc”, ông Phú cho hay.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc