Kiểm tra, xử lý xâm phạm di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả

VHO- Sau khi Văn Hóa đăng bài “Di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả (Phù Cát, Bình Định) trước nguy cơ bị biến dạng nghiêm trọng vì nạn khai thác đất đá trái phép:“Rất khó xử lý”(?!), Bộ VHTTDL đã có công văn số 877/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bình Định về việc xử lý xâm phạm Đồi Cả thuộc di tích quốc gia Căn cứ Núi Bà.

Kiểm tra, xử lý xâm phạm di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả - Anh 1

 Khẩn trương kiểm tra việc Đồi Cả thuộc di tích quốc gia Căn cứ Núi Bà bị xâm phạm nghiêm trọng

Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 1666/UBND-VX về việc kiểm tra, xử lý việc xâm phạm Đồi Cả thuộc di tích quốc gia Căn cứ Núi Bà. Theo văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra ngay sự việc Đồi Cả thuộc di tích quốc gia Căn cứ Núi Bà bị xâm phạm nghiêm trọng mà Văn Hóa đã có bài phản ánh, và triển khai thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn chặn (nếu có).

Văn bản còn nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VHTT thực hiện việc bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa theo đề nghị của Bộ VHTTDL, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ VHTTDL và UBND tỉnh trước ngày 7.4. Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, Đồi Cả là một trong 22 điểm thuộc quần thể di tích Khu căn cứ Núi Bà, được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1994, với diện tích khoanh vùng bảo vệ 3.200 m2. Tình trạng múc, “cạp” đất, đá xảy ra tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả làm ảnh hưởng tới cảnh quan của di tích. “Xã đã “bật đèn xanh” thì doanh nghiệp mới múc đất, chẻ đá tại khu vực di tích. Để ngăn chặn “đất tặc”, “đá tặc” cũng như giữ gìn cảnh quan, đơn vị đề nghị huyện không cho các doanh nghiệp chạy xe vào múc đất, khai thác đá tại di tích nữa; đồng thời, trồng cây xanh thế vào những điểm đã bị khai thác đất, đá”, ông Tĩnh đề nghị.

Trước đó, Văn Hóa đã liên tiếp phản ánh di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả luôn nằm trong tình trạng “chảy máu”, và nhiều khả năng sẽ bị thay đổi cảnh quan, vậy mà chính quyền trả lời: “Rất khó xử lý”. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền lơ và cho phép, mới xảy tình trạng “đất tặc”, “đá tặc” ngang nhiên khai thác đất, đá trái phép tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả? Để ngăn chặn, các ngành chức năng tỉnh Bình Định cần vào cuộc phối hợp quyết liệt xử lý, bảo vệ di tích cũng như giá trị của di sản.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc