Bảo tồn, phổ biến tác phẩm văn học tiêu biểu các dân tộc thiểu số

VHO- Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 1391/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp bảo tồn, phổ biến tác phẩm văn học tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.

Bảo tồn, phổ biến tác phẩm văn học tiêu biểu các dân tộc thiểu số - Anh 1

Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi  do Bộ VHTTDL phát động năm 2020

Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp bảo tồn, phổ biến tác phẩm văn học tiêu biểu của các dân tộc thiểu số từ ngày 12 đến 14.5, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Với sự tham gia của 30 học viên là văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số.

Đây là hoạt động, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động văn học nghệ thuật, tạo đà cho sự phát triển văn học nghệ thuật, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tham mưu, tổng hợp về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân tộc thiểu số, Đồng thời, đánh giá, nhận diện thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật hiện nay và có đề xuất các giải phát phát triển trong tình hình mới.

Qua đó, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, phát huy khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ, bồi dưỡng kỹ năng, trang bị kiến thức cơ bản cho văn nghệ sĩ, nâng cao năng lực sáng tác chủ đề về các dân tộc thiểu số, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật;

Các học viên sẽ được các báo cáo viên là chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trực tiếp trao đổi 4 nội dung chuyên đề: Vai trò của văn học nghệ thuật trong sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới; Kỹ năng viết và vấn đề tự do sáng tạo văn học nghệ thuật hiện nay; Phương pháp bảo tồn và phổ biến văn học nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phê bình văn học nghệ thuật và tuyên truyền trong hệ thống xuất bản, báo chí.

Đây cũng là dịp để các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số có điều kiện nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với công tác văn nghệ phục vụ đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, luôn nâng cao trình nhận thức chính trị, vững vàng kiên định về tư tưởng, thật sự sống với cuộc sống của nhân dân các dân tộc, hiểu sâu sắc tâm tư tình cảm cũng như các thuận lợi và thách thức đang đặt ra cho vùng đồng bào các dân tộc, để có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống vùng đồng bào các dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, phát hiện bồi dưỡng tài năng, nhất là người dân tộc thiểu số sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có sức lan truyền sâu rộng trong đời sống của đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

NAM HƯNG

Ý kiến bạn đọc