Thanh Hóa: Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số

VHO - Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với trên 1 triệu người sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 600 nghìn người. Các DTTS của Thanh Hóa chủ yếu là: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Những năm qua, Thanh Hóa đã dành một nguồn lực không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số - Anh 1

Trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” năm 2023

Theo thống kê, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, cùng với đó là 6 dân tộc thiểu số: dân tộc Mường (401.967 người), dân tộc Thái (258.506 người), dân tộc Mông (19.166 người), dân tộc Thổ (12.675 người), dân tộc Dao (6.551 người), dân tộc Khơ Mú (1.024 người) sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Mỗi dân tộc đều mang những nét đặc trưng riêng về văn hóa tạo nên giá trị và bản sắc văn hoá xứ Thanh, rất cần được bảo tồn và phát huy.

Dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng sự bùng nổ của khoa học-công nghệ, sự giao lưu văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức to lớn. Các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc đang có nguy cơ mai một, biến mất, hoặc biến dạng, trong đó có tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống. Căn cứ tình hình thực tiễn, việc triển khai xây dựng Đề án "Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” là thực sự cần thiết nhằm hiện thực hóa quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa dự kiến chi gần 62,2 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh trên 46,4 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 11,6 tỷ đồng và kinh phí xã hội hoá gần 4,2 tỷ đồng để thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số". Nguồn kinh phí trên sẽ được sử dụng vào các nhiệm vụ: Sưu tầm, biên soạn, hoàn thiện và số hóa tiếng nói, chữ viết của 3 dân tộc: Thái, Mông, Dao (chữ Nôm Dao); sưu tầm tiếng Mường, từng bước nghiên cứu bộ chữ Mường Thanh Hóa; sưu tầm tiếng nói dân tộc Thổ, Khơ Mú; số hóa các tài liệu tiêu biểu về văn học dân gian, âm nhạc, nghệ thuật dân gian, những tri thức bản địa tiêu biểu của 06 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số - Anh 2

Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá trưng bày tại Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” năm 2023

Sưu tầm, biên soạn, xuất bản sách và số hóa dữ liệu tiêu biểu về trang phục truyền thống của 6 dân tộc: Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú (nguyên liệu, công cụ, cách thức tạo ra các sản phẩm, nghệ thuật tạo hình, trang sức và các phụ kiện liên quan đến trang phục). Sưu tầm, số hóa hệ thống nghề thủ công hiện có của 6 dân tộc thiểu số (về nguyên liệu, kỹ thuật, quy trình sản xuất, cách thức sử dụng…). Sưu tầm, số hóa, quảng bá, tạo sản phẩm du lịch về một số nghề truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số.

Nguồn kinh phí này cũng để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nghệ nhân có khả năng truyền dạy tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống trong cộng đồng 06 dân tộc thiểu số. Tổ chức biên soạn và xuất bản 3 bộ tài liệu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, Mông, Dao; có cơ chế chính sách cho các nghệ nhân người dân tộc thiểu số sáng tạo các tác phẩm về đề tài dân tộc miền núi.

Tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc miền núi; đặt hàng các tác giả người dân tộc thiểu số có khả năng sáng tạo tham gia sáng tác các tác phẩm về đề tài dân tộc, miền núi. Tổ chức 3 lớp tập huấn/năm cho các nghệ nhân người dân tộc thiểu số về phương pháp truyền dạy tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống. Tổ chức 6 lớp/năm truyền dạy cho cộng đồng các dân tộc Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú học tiếng nói, chữ viết của dân tộc; 6 lớp/năm truyền dạy tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; 6 lớp/năm truyền dạy nghề truyền thống trong cộng đồng và giới thiệu, hướng nghiệp về nghề thủ công truyền thống của các dân tộc cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại trường Dân tộc nội trú.

Tổ chức truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ chiến sĩ, công chức, viên chức công tác trong vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng 3 mô hình truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, Dao, Mông; 3 mô hình truyền dạy tiếng Mường, Thổ, Khơ Mú trong cộng đồng tại 11 huyện miền núi; 6 mô hình dạy tiếng nói, chữ viết cho cán bộ công chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 06 mô hình dạy tiếng dân tộc cho học sinh trường dân tộc nội trú tỉnh và các huyện Ngọc Lặc, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Mường Lát, Như Xuân.

Xây dựng 6 mô hình mặc trang phục truyền thống vào các ngày trong tuần và trong các hoạt động chung, ngoại khóa… tại trường Dân tộc nội trú tỉnh và huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân, Quan Sơn, Mường Lát. Xây dựng 3 mô hình giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch từ trang phục truyền thống dân tộc Thái, Mường, Dao tại các khu, điểm du lịch: Pù Luông, thác Ma Hao, khu du lịch sinh thái Bến En.

Tổ chức 2 chương trình quảng bá, giới thiệu nét đẹp trong trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng 11 mô hình truyền dạy nghề truyền thống trong gia đình, dòng tộc; 8 mô hình phát triển nghề truyền thống trong cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. 3 cuộc liên hoan, hội diễn, biểu diễn các loại hình trang phục truyền thống của 6 dân tộc tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam do Bộ VHTTDL tổ chức. 6 cuộc Liên hoan trang phục truyền thống 6 dân tộc cấp huyện và 1 cuộc trong ngày Hội văn hoá các dân tộc cấp tỉnh. 1 hội thi thiết kế và mặc trang phục truyền thống tại huyện Mường Lát; 1 Hội thi thuyết trình giới thiệu nét đẹp trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ngọc Lặc; 2 triển lãm trưng bày, giới thiệu về trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố Thanh Hóa và huyện Ngọc Lặc. Xây dựng 6 mô hình chuẩn về thêu dệt và sản xuất y phục truyền thống của 6 dân tộc ở 06 huyện. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền các mô hình bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc