Thanh Hoá thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VHO - Với 10 dự án, gồm 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Sau hơn 2 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thanh Hoá thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 1

Một góc bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát) - nơi đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỉ lệ lớn nhất, cùng với đó là 6 dân tộc thiểu số: Dân tộc Mường (401.967 người), dân tộc Thái (258.506 người), dân tộc Mông (19.166 người), dân tộc Thổ (12.675 người), dân tộc Dao (6.551 người), dân tộc Khơ Mú (1.024 người) sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía tây của tỉnh. Việc cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi không chỉ giúp ổn định, nâng cao đời sống bà con DTTS mà còn góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. 

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, một trong những Chương trình MTQG dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được tỉnh Thanh Hóa quyết liệt thực hiện, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, nhiều dự án, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS cũng đã được tích hợp vào Chương trình. Nguồn vốn được giao trong năm 2022 và 2023, đối với vốn đầu tư, toàn tỉnh đã giải ngân được 117 tỉ 762 triệu đồng, (bằng 32,2% tổng vốn đã phân bổ chi tiết); Vốn sự nghiệp đã giải ngân được 20 tỉ 011 triệu đồng, bằng 6,6% vốn đã phân bổ chi tiết... nhờ đó, tại các địa phương được thụ hưởng chính sách, nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai, trong đó, có những dự án đã hoàn thành, góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào DTTS. Cũng trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh được giao là 3 tỉ 179 triệu đồng để triển khai các chính sách cho Người uy tín như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, cung cấp thông tin cho Người có uy tín; cấp báo cho Người có uy tín theo định kỳ; tổ chức cho Người có uy tín tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách đang được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực như: "Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc"; Đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025"; Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững...

Thanh Hoá thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 2

Bản Mạ (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có 246 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống.  Những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chính sách từ Chương trình MTQG, bản Mạ giờ trở thành bản du lịch cộng đồng "hút" khách du lịch thập phương góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương

Tại huyện Lang Chánh, nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 bước đầu đã có những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 28,88 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 25,27% năm 2022, giảm còn 19,49%; tỉ lệ hộ cận nghèo giảm còn 28,55% (năm 2021 là 34,71%)

Nhờ chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, Người có uy tín được động viên rất phấn khởi, tin tưởng chính quyền, nỗ lực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảngchính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, cùng giúp nhau phát triển. Điển hình như Người có uy tín Hà Đình Bon, ở khu phố Xuân Minh, thị trấn Thường Xuân. Ông Bon không chỉ gương mẫu “nói đi đôi với làm”, mà ông còn luôn gần gũi, gắn bó với Nhân dân và có nhiều đóng góp vì sự phát triển của địa phương. 

Trong xây dựng nông thôn mới, ông Bon đã tích cực vận động người thân, bà con Nhân dân hiến đất, vật liệu để mở rộng đường. Bản thân gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 1.500m2 đất để mở rộng tuyến đường từ 4 mét lên 7 mét. Đồng thời, ông còn thường xuyên đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng để từ đó có những kiến nghị, đề xuất kịp thời lên cấp trên. Với những cách làm thiết thực đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Ông Mai Xuân Bình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhờ thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách dân tộc, chương trình MTQG...đến nay, diện mạo của các bản làng, vùng DTTS và miền núi ngày càng đổi thay; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên đáng kể. Năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa là 7,37%, vượt 4,37% kế hoạch năm; thu nhập bình quân của người dân tăng 5% so với năm 2020; 100% xã miền núi đã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 99,91% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 91,4% trạm y tế được xây dựng kiên cố; 86% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,6%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,45%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%; tỉ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,56%.

Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư 3 điểm du lịch; bảo tồn 3 làng, bản văn hóa truyền thống; tu bổ, tôn tạo 2 di tích; đầu tư xây dựng 78 thiết chế văn hóa, thể thao của các địa phương miền núi, với tổng vốn thực hiện là 40.247 triệu đồng. Đến nay, có 10 công trình đã hoàn thành, 76 công trình đang triển khai thực hiện; số vốn giải ngân 3.116 triệu đồng...

Theo ông Bình, trong quá trình triển khai các chính sách, trong đó có Chương trình MTQG 1719 vẫn còn một số khó khăn, nhất là một số dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình 1719 được phân bổ vốn nhưng chưa triển khai thực hiện, như Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất nước sinh hoạt; Tiểu dự án 1, Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình 1719 còn chậm; tỉ lệ giải ngân tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra; nhất là tỉ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp.

Để Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát huy hiệu quả, theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua Ban đã tham mưu cho tỉnh có đề xuất với Chính phủ, cho phép tỉnh sử dụng số kinh phí năm 2023 còn lại của Tiểu dự án 1, Dự án 3 về: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, là 53.391 triệu đồng để bố trí vốn hỗ trợ cho các đối tượng đã thực hiện bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng trên địa bàn vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2021 và 2022 còn thiếu chưa được phân bổ.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm có văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với nội dung hỗ trợ đất ở thuộc Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” và Tiểu dự án 1, Dự án 9 “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”. Ngoài ra, Ban sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở, nhằm đánh giá hiệu quả, phát hiện khó khăn và có giải pháp tháo gỡ kịp thời; phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ban, ngành để việc tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chương trình được hiệu quả.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc