Chuyên gia khuyến cáo nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngày Tết và lễ hội

VHO - Vào mùa Tết Nguyên đán cũng như lễ hội xuân, nhu cầu tiêu dùng, tích trữ thực phẩm tăng lên gấp nhiều lần so với trong năm. Cùng với đó là nỗi lo mất an toàn thực phẩm cũng tăng lên.

Với quan niệm “Tết phải no đủ" và càng gần Tết thì giá thực phẩm càng tăng nên từ sau 23 tháng Chạp Âm lịch, bà Nguyễn Hông T. (64 tuổi, Hà Nội) đã rục rịch mua sắm thực phẩm đón Tết. Đầu tiên là bà ngâm măng, mua móng giò, sau đó là các loại thịt làm giò xào, sau đó là giò lụa giò tai, thịt bò, thịt gà, tôm, mực... chất đầy tủ lạnh.

Chuyên gia khuyến cáo nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngày Tết và lễ hội - Anh 1

Tích trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, thiếu lưu thông không khí làm tăng nguy cơ sinh ra ổ vi khuẩn 

Bà T. cho biết, lúc nào tủ lạnh cũng đủ mọi thứ nếu họ hàng, các cháu đến chơi lúc nào cũng sẵn sàng để mời khách. “Nếu tủ lạnh đầy quá, không còn chỗ, tôi phải cho, tôi phải luân phiên đảo thịt từ ngăn đá xuống ngăn mát và ngược lại, nếu không thức ăn sẽ hỏng hết vì quá taỉ”, bà T. nói.

Không chỉ chứa chất trong tủ đá mà mâm cơm mang ra rồi cất vào tủ lạnh cũng là tình cảnh chung của nhiều nhà. Chị Trần Thị V. (35 tuổi) chia sẻ, bữa cơm Tết to nhất là bữa tất niên, ai ai cũng ăn thật no. Khi sang ngày mùng 1 cả nhà đi chúc Tết nên mâm cơm cúng ngày Mùng 1 xong lại cất vào tủ lạnh, sau đó thì hâm đi hâm lại, ăn lay lắt mãi mới hết. Mà bỏ đi thì “phải tội”.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm, nguyên tắc đầu tiên là thực phẩm nên ăn chín. Nấu xong không để quá 4 giờ mới ăn. Đặc biệt là đừng làm nhiều quá, để ăn không hết lưu cữu ngày này sang ngày khác. “Lúc đó, chúng ta bảo quản để lạnh thế nào, nó vẫn cứ bị ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn”, ông Nguyễn Hùng Long nói.

Nguyên tắc thứ 2 là, đối với thực phẩm mua sẵn, cần chúng ta lưu ý về nhãn mác đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất.

Hiện nay  mua thực phẩm online cũng đang trở thành xu thế. Song về thương mại điện tử có điều bất cập trong quản lý là kinh doanh hàng online không phải đăng ký kinh doanh mà họ sẽ tự chịu trách nhiệm về những sản phẩm đó. Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, mặc dù chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh nhưng sản phẩm của họ để bán thì vẫn là hoạt động kinh doanh. Do đó cơ quan quản lý có trách nhiệm về kiểm soát, kiểm tra việc tuân thủ theo các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Nếu cơ sở không tuân thủ sẽ bị xử lý, cấm bán…

“Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nói là vai trò của người tiêu dùng cực kỳ quan trọng bởi vì không ai thay thế họ được. Không nên cứ chờ một cơ quan hoặc ai đó kiểm soát đấy cho mình trong khi mình không quan tâm gì, thì không bao giờ có thể đảm bảo an toàn cho chính mình. Người tiêu dùng có thể kiểm soát an toàn thực phẩm bằng cách kiểm tra sự tin cậy của cơ sở sản xuất như tìm hiểu các thông tin rất cụ thể về cơ sở đó…”, ông Ngô Hùng Long nhấn mạnh.

Liên quan đến việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, TS.BS Ngô Chí Cương - Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec khẳng định: Thức ăn dù đã nấu chín nhưng để lâu ngày trong tủ lạnh vẫn có thể biến chất và nhiễm khuẩn. Việc bảo quản đồ ăn sống - chín lẫn lộn và tủ lạnh quá chật chội không có không khí lưu thông dễ dàng khiến nơi đây trở thành ổ vi khuẩn làm thức ăn nhanh thiu, hỏng. Nạp những thực phẩm này, người dân có thể bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, nặng nề hơn dẫn đến sốc nhiễm khuẩn không hồi phục và tử vong.

Bên cạnh những ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng mua sắm thực phẩm dư thừa quá mức tiêu dùng trong ngày Tết gây nên sự lãng phí lớn. Để có thể giải quyết “bài toán” mua sắm thực phẩm hợp lý ngày Tết, vừa đảm bảo vấn đề sức khoẻ, vừa tạo lập thói quen tiêu dùng thông minh, tối ưu tài chính của bản thân và gia đình.

Để làm được điều này, chuyên gia khuyến cáo chị em nội trợ cần lưu ý những điều sau:

Bỏ tâm lý tích trữ thực phẩm: bởi vì hiện nay, các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối đều sở hữu nguồn hàng phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu xuyên suốt dịp Tết của người dân. Nên chị em nên mua sắm thực phẩm theo đúng nhu cầu sử dụng trong gia đình, tránh dự trữ quá nhiều khiến thức ăn ôi thiu và phải bỏ đi gây lãng phí.

Bảo quản thực phẩm đúng cách: Những đồ khô như măng, nấm hương, mộc nhĩ… chị em cần bảo quản kín trong túi bóng hoặc hộp đựng, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh dính nước gây ẩm mốc hoặc lên men.

Đối với thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt bò, tôm… ngay sau khi mua nếu chưa dùng đến nên được cấp đông càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Chị em nên chia nhỏ thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho mỗi lần sử dụng, tránh mất công rã đông dư thừa.

Bên cạnh đó là thận trọng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng bởi  lợi dụng tâm lý “ham rẻ”, nhiều đối tượng xấu bày ra đủ chiêu trò lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng để kiếm lợi nhuận. Chị em nên lựa chọn mua sắm ở các địa chỉ uy tín, có nhiều đánh giá tốt, đảm bảo được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra cẩn thận độ tươi ngon của sản phẩm trước khi quyết định chi hầu bao.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc