Anh em chỉ nhau cách làm sao để không canh cánh nỗi lo “thổi nồng độ cồn”?

VHO - Những ngày Tết vui sum họp gia đình không thể thiếu những chén rượu chúc mừng, nhưng sau đó là nỗi lo bị thổi nồng độ cồn nếu lái xe.

Những buổi liên hoan tất niên, tổng kết và sum họp gia đình trong những ngày Tết thì không thể thiếu rượu, bia. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm cuộc vui kém trọn vẹn nếu sau khi uống rượu bia có thể bị CSGT thổi phạt hoặc gây tan nạn giao thông. Vì vậy, nhiều đấng nam giới sau bữa tiệc rượu lên mạng xã hội xin tư vấn, tham khảo thời gian nào là “an toàn”?

Anh em chỉ nhau cách làm sao để không canh cánh nỗi lo “thổi nồng độ cồn”? - Anh 1

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông

“Tầm 10 chén rượu thì mai 10h đi, bị thổi có lên không các cụ?”, một tài khoản có tên Hoa Cỏ Lau hỏi trên mạng xã hội Facebook. Ngay sau đó, tài khoản này đã nhận về hàng trăm bình luận chia sẻ kinh nghiệm, cùng với lời khuyên “uống vừa thôi”.

Có người khẳng định “chắc dính” vì cho rằng 1 chén rượu hoặc 1 lon bia cần 3 – 4 tiếng để đào thảo. Nếu uống 10 chén cần 30 – 40 tiếng mới đào thải hết, và tuỳ từng cơ địa của người bình thường. Tuy nhiên lại có tài khoản tỏ ra nghi hoặc: “Công thức tính có đúng không? Nếu sai một ly “đi” cả chục triệu”.

Tài khoản mang tên “Cáo Văn Hoang” cũng đồng tình: “Lên là chắc. Em uống có 2 chén mà từ 18h hôm trước đến 10h sáng sôm sau vẫn 0,3”. Người khác lại tư vấn: “ Một là không lái xe. Hai là chuẩn bị trước 40 triệu đồng nộp phạt”.

Một “anh em” khác lại khuyên chủ bài viết nên uống nhiều nước, liên tục khoảng 2 – 3l  lọc hay nước ion kiềm… Trong số những bình luận “hiến kế”, còn có nhiều người tỏ ra đồng tình với quy định phạt nồng độ cồn ở mức độ nghiêm khắc này.

Vậy làm thế nào để thải loại rượu trong người một cách nhanh nhất? TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết sau khi uống rượu khoảng 1 – 1,5 tiếng thì nồng độ cồn trong máu sẽ đạt cao nhất thì sau đó sẽ giảm thải dần dần. Tuy nhiên, giảm thải nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thức ăn trong ruột, thể trạng của từng người.

“Quan trọng nhất là lượng ethanol uống vào. Thứ hai là tuỳ thuộc lượng vận động, tăng thông khí của người uống. Những người mà uống quá nhiều kèm theo tình trạng sức khỏe yếu thì nồng nộ cồn trong máu có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, nồng độ cồn giảm qua nước tiểu, qua hơi thở chỉ được vài phần trăm, giảm nhanh nhất là bằng cách tăng thông khí như nói chuyện to, hát karoke… Nhưng cách này đôi khi khi lại làm ảnh hưởng đến người khác vì gây ồn ào, mất trật tự và cũng có nguy cơ mất an toàn...

Bên cạnh đó, tốc độ chuyển hoá còn do chức năng gan của mỗi người. Điều cần thiết là ăn uống đủ nước đặc biệt các loại nước có nhiều chất khoáng, muối, vitamin làm bù đắp lại những phần thiếu hụt do ethanol gây ra.

Ngoài ra, một số người cũng đặt câu hỏi uống các loại thuốc hoặc sirô ho có thể gây ra nồng độ cồn, bác sĩ Nguyên cho rằng, việc kiểm soát nay đã được các nước và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kiểm soát về tỉ lệ nên không thể có nồng độ cồn sau khi uống các loại này.

Tuy nhiên có một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh trong cơ thể. Đó là những người có bệnh sẵn như các khoang, hốc của cơ thể có cấu trúc bệnh lý như ruột bị ngắn, bị phẫu thuật ruột, loạn khuẩn ruột, bị bệnh lý đường mật…

Hay các trường hợp bệnh lý đặc biệt, ví dụ như xơ gan, đái tháo đường sẽ có một số loại vi khuẩn, một số nấm lên men chất glucide vào khoang hốc sinh ra ethanol và ethanol sẽ hấp thu vào trong máu.

Điều này tạo ra lượng cồn trong máu dù không uống rượu bia, nhưng  đây là những trường hợp rất hiếm. “Nếu người bệnh bị CSGT thổi phạt và giải thích thì sẽ được đưa tới bệnh viện và bác sĩ chúng tôi sẽ có cách để kiểm tra biết ngay thực sự có bị bệnh như thế hay không”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc