Ở một “lễ hội” người tham gia không đến cầu may mà để trao tặng

VHO - Ngày 20.2 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội) diễn ra khai mạc Lễ hội Xuân hồng lần thứ 17 năm 2024. Đây là sự kiện hiến máu lớn nhất sau Tết Nguyên đán do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội phối hợp tổ chức.

Khác với các năm trước, chương trình năm nay khởi động từ rất sớm (mùng 9 Tết) và diễn ra liên tục trong 8 ngày tại 3 địa điểm: Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (18 – 25.2), Trường THCS Trâu Quỳ - Gia Lâm (22 – 23.2) và Trung tâm Thương mại AEON Mall Hà Đông (24.2).

Ở một “lễ hội” người tham gia không đến cầu may mà để trao tặng - Anh 1

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phát biểu tại lễ khai mạc

Với thông điệp “Hiến máu đầu xuân – Nhân lên hạnh phúc”, trong ngày đầu tiên của Lễ hội Xuân hồng 2024, nhiều gia đình đến tham gia hiến máu, như một món quà đầu năm mới dành tặng cho người bệnh cần máu. Đặc biệt, trong ngày 18.2, hơn 50 người của các gia đình đến từ xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên đã hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng năm 2024.

Trong đó, đại gia đình ông Lê Trung Truyền (xã Xuân Quan) luôn dành tình cảm đặc biệt cho Lễ hội Xuân hồng. Minh chứng cho điều đó là dù trong năm mọi người đi hiến máu nhiều thời điểm thì cũng sắp xếp thời gian để tụ họp về hiến máu ngày đầu năm mới. Cùng hiến máu lần này, gồm có vợ chồng 2 con gái ông Truyền là chị Lê Thị Bích Diệp, Lê Thị Thiệp và con gái Lê Thu Thanh;  em gái ông Truyền là bà Lê Thị Ngân cùng con trai hiến tiểu cầu… “Đầu xuân mọi người thường đi chùa cầu may. Còn mình đi hiến máu ở Lễ hội Xuân hồng để mang may mắn cho mọi người”, chị Lê Thị Bích Diệp, con gái ông Lê Trung Truyền chia sẻ.

Ở một “lễ hội” người tham gia không đến cầu may mà để trao tặng - Anh 2

Vợ chồng chị Lê Thị Bích Diệp cùng hiến máu

Chị Diệp cũng như mọi người đều mong muốn góp một phần nhỏ bé để những người bệnh không thiếu máu truyền. Tương tự, vợ chồng chị Phan Thuý Bích và anh Lưu Việt Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) tay trong tay đi hiến máu là một trong những hình ảnh đẹp tại Lễ hội Xuân hồng năm nay.

Họ bắt đầu hiến máu từ năm 2013 nhờ sự phát động của Đoàn Thanh niên tại cơ quan của chị Bích. Từ đó đến nay, họ luôn đồng hành với nhau. Những lần “hẹn hò” như vậy, hai vợ chồng đưa các con đi cùng. Vì thế, người con đầu cũng tiếp bước nghĩa cử của cha mẹ khi đến tuổi hiến máu.

Còn Chị Trần Thị Huyền (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, nghe được lời kêu gọi hiến máu trên thời sự và các phương tiện truyền thông, ngay từ trước Tết, chị và ông xã đã thu xếp công việc để đi hiến máu. Thế nhưng vì không đủ điều kiện sức khoẻ nên phải chờ đến Lễ hội Xuân hồng, vợ chồng chị mới hoàn thành được dự định này. Nếu như nhiều năm về trước, nhiều người còn e ngại việc “cho đi” bởi sẽ mất đi may mắn thì càng những năm gần đây, trải qua 16 năm Lễ hội Xuân hồng mà quan niệm này được thay đổi, hiến máu đã trở thành thói quen, là nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến xuân về.

Ở một “lễ hội” người tham gia không đến cầu may mà để trao tặng - Anh 3

Các đại biểu cắt băng khánh thành điểm hiến máu cố định tại Trung tâm Máu Quốc gia sau nâng cấp, sửa chữa

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Khác với hàng ngàn lễ hội đầu xuân đang diễn ra trên khắp cả nước, đây là lễ hội duy nhất mà những người đến tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân mình, mà đến để trao tặng những giọt máu đào quý giá - một phần sự sống cho người bệnh. Điều đó đã làm nên sự đặc biệt, độc đáo, nét riêng có của Lễ hội Xuân hồng và tạo được sức sống lâu bền, để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm với những người tham dự”.

Cho đến trước giờ khai mạc chính thức, đã có trên 2.500 đơn vị máu được hiến tặng. Dự kiến cả kỳ Lễ hội Xuân hồng sẽ tiếp nhận tối thiểu 8.000 đơn vị máu. Những “người hiến máu đầu Xuân” để “nhân lên hạnh phúc” đã góp phần mang lại sự sống, niềm tin cho người bệnh và gia đình của họ.

“Chương trình mong muốn mỗi người dân đủ điều kiện sức khỏe sẵn sàng trao tặng một đơn vị máu quý giá nhân dịp đầu năm mới, là một món quà lì xì, mang lại may mắn, hạnh phúc cho người bệnh, cho cộng đồng và chính bản thân người hiến máu”, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhắn nhủ.

Trước đó, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 8 – 14.2 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), đã có 1.628 người đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu. Kết quả này cao hơn so với các năm trước đây. Cùng với ý thức và tinh thần thiện nguyện ngày càng cao của người dân, rất nhiều người đã chọn “khai xuân” bằng hành động ý nghĩa – hiến máu đầu năm.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc