Bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế

VHO - Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh và một số đơn vị tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) và các chuyên gia về giới hạn nồng độ cồn trong cơ thể khi tham gia giao thông, trong đó có cồn tự nhiên mà không sử dụng rượu, bia.

Bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế - Anh 1

 Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu một nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia Ảnh: T.HẰNG

 Tham vấn chuyên gia

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đang tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới, cơ sở khám chữa bệnh và các nhà chuyên môn về nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể người, còn gọi là cồn nội sinh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng giao Vụ Pháp chế phối hợp với một số đơn vị thuộc bộ nghiên cứu các nội dung liên quan quy định nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông. Việc tham vấn được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thời gian qua, một số ý kiến lo ngại về quy định hiện hành về nồng độ cồn với người lái xe là 0, trong khi có một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây, thuốc, thức ăn lên men, sản phẩm chứa cồn... “Vì vậy, Bộ Y tế đang hỏi ý kiến về tình huống này. Khi có ý kiến của WHO và các chuyên gia về cồn nội sinh, Bộ Y tế sẽ có những kiến nghị sửa đổi phù hợp”, một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có nhiều phương pháp khác nhau để xét nghiệm nồng độ cồn trong cơ thể, có thể qua hơi thở hoặc qua máu, trong đó xét nghiệm máu là phương pháp phát hiện nồng độ cồn chính xác nhất.

Ngưỡng phát hiện nồng độ cồn qua hơi thở bằng máy đo cao hơn nhiều so với phương pháp xét nghiệm máu. Do đó, ở một số người dù kết quả đo nồng độ cồn qua hơi thở bằng 0 nhưng vẫn có thể phát hiện nồng độ cồn trong máu. “Vì vậy tôi ủng hộ việc lấy ngưỡng xử phạt nồng độ cồn bằng 0 đối với tài xế khi lái xe. Khi lực lượng chức năng phát hiện được nồng độ cồn qua hơi thở bằng máy tiêu chuẩn ở một tài xế thì nồng độ cồn trong máu của người đó đã khá cao”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Trước đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với người lái ô tô, với người lái xe máy là không quá 0,05 mg/100 ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở; nghĩa là nếu vượt quá ngưỡng này mới bị xử phạt.

Đến năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu quy định: Người tham gia giao thông bị nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Từ đó đến nay, trường hợp tài xế điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều được xử phạt nghiêm. Mới đây, việc cấm uống rượu bia khi lái xe một lần nữa được đưa vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo).

Không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể

Một chuyên gia Bộ Y tế cho hay, tại mục 60 trong Quyết định số 320 ngày 23.1.2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu. Trong đó nêu rõ, trị số thường: dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml); Ethanol từ 10,9 - 21,7 mmol/lít: biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; nồng độ 21,7 mmol/lít: biểu hiện ức chế thần kinh trung ương; nồng độ 86,8 mmol/lít: có thể gây nguy hại cho tính mạng. “Đây là sự phân loại về chuyên môn y tế các mức, ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe. Điều này không có nghĩa là cho phép trong máu có nồng độ cồn dưới 0,5 mg/1ml (dưới 10,9 mmol/lít) được coi là cồn tự nhiên trong cơ thể. Hiện các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể”, vị chuyên gia nói.

Tại một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc đưa ngưỡng nồng độ cồn về 0 để làm căn cứ xử phạt về mặt cảm quan đã nhận thấy có sự chuyển biến về sự thay đổi nhận thức cũng như hành vi của người uống rượu khi tham gia giao thông. Về số liệu tai nạn giao thông do uống rượu bia sau khi lái xe Bộ Y tế và Bộ Công an đang thống kê số liệu. Hai bên cũng đang có thảo luận về ngưỡng xử phạt nồng độ cồn đối với tài xế lái xe sau khi uống rượu bia.

Theo số liệu của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và một số cơ sở khám chữa bệnh, kỳ nghỉ Tết vừa qua, số lượng người bị ngộ độc rượu, bị cấp cứu vì tai nạn giao thông đã giảm gần 50%, điều này cho thấy hiệu quả của quy định cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông. Về cồn nội sinh trong cơ thể, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin, đó là những trường hợp có bệnh sẵn như các khoang, hốc của cơ thể có cấu trúc bệnh lý như ruột bị ngắn, bị phẫu thuật ruột, loạn khuẩn ruột, bị bệnh lý đường mật… Hay các trường hợp bệnh lý đặc biệt, ví dụ như xơ gan, đái tháo đường sẽ có một số loại vi khuẩn, một số nấm lên men chất glucide vào khoang hốc sinh ra ethanol và ethanol sẽ hấp thu vào trong máu. Điều này tạo ra lượng cồn trong máu dù không uống rượu bia, nhưng đây là những trường hợp rất hiếm. “Nếu người bệnh bị CSGT thổi phạt và giải thích thì sẽ được đưa tới bệnh viện và bác sĩ chúng tôi sẽ có cách để kiểm tra và biết ngay thực sự có bị bệnh như thế hay không”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

Vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội có ý kiến trái chiều về quy định ngưỡng xử phạt nồng độ cồn bằng 0 đối với tài xế lái xe tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đồng tình vì cho rằng nội dung này tương đồng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Theo các chuyên gia, uống rượu, bia thường ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất của con người. Nếu điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia ảnh hưởng khả năng phán đoán, xử lý tình huống thực tế, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người khác. Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn..

 Về cồn nội sinh trong cơ thể, đó là những trường hợp có bệnh sẵn hay các trường hợp bệnh lý đặc biệt…, nhưng đây là những trường hợp rất hiếm… Ngưỡng phát hiện nồng độ cồn qua hơi thở bằng máy đo cao hơn nhiều so với phương pháp xét nghiệm máu. Do đó, ở một số người dù kết quả đo nồng độ cồn qua hơi thở bằng 0 nhưng vẫn có thể phát hiện nồng độ cồn trong máu. Vì vậy tôi ủng hộ việc lấy ngưỡng xử phạt nồng độ cồn bằng 0 đối với tài xế khi lái xe.

(TS.BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai)

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc