Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Hạnh phúc nhất là khi học trò bất ngờ gọi “Cô ơi”…!

Thứ Hai 19/11/2018 | 09:17 GMT+7

VHO- Hạnh phúc của những thầy cô giáo ấy thật khiêm nhường. Khiêm nhường đến mức đôi khi hơi khó hiểu, bởi họ chỉ mong sao mấy đứa học trò mà mình chăm bẵm, dạy dỗ từng ly từng tý đến một ngày tự tay xúc cơm ăn, nói rõ tiếng “cô ơi” hay viết nên những con chữ rõ ràng…

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trò chuyện với các thầy cô dạy trẻ khuyết tật Ảnh: H.H

Buổi tối tôn vinh bốn mươi tám thầy cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương hội LH Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, đã qua cách đây mấy ngày nhưng những dư âm với biết bao cảm xúc vẫn đọng lại trong khóe mắt của chúng tôi.

Nhìn ánh mắt vô tư, nụ cười hồn nhiên của các cháu, ai nấy lại cố gắng

Hơn mười năm gắn bó với ngôi trường chuyên biệt Tương Lai (TP Huế) là cũng ngần ấy thời gian cô Phạm Thị Thảo gắn bó với các trẻ ở mọi dạng tật như down, chậm phát triển trí tuệ, bại não, tự kỷ… Cô tâm sự, “dạy một đứa trẻ bình thường cũng đã nhiều khó khăn, nhưng với trẻ bị khuyết tật càng vất vả hơn bội phần. Nhiều bữa cơm trưa của các cô không được trọn vẹn vì những hành vi đầy bất ngờ của học sinh. Nói thật lòng, cha mẹ các em mong muốn con mình tiến bộ một thì giáo viên chúng mình lại mong mỏi lên tận mười”.

Chợt hỏi về niềm vui trong nghề, cô Thảo cho biết dạy các em bị khuyết tật thì dường như không có ngày nghỉ lễ, ngày 20.11… nhưng bù lại là những niềm vui đôi khi rất nhẹ nhàng, bất ngờ và hạnh phúc. Đó là những lúc cười òa lên sung sướng khi các cháu tự xúc cơm ăn, nhẹ lòng thay khi học sinh mình dìu dắt tự viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết. Rồi mình mãn nguyện khi cháu bi bô gọi “Cô ơi” ở một đứa trẻ đã 10 tuổi.

Chỉ giản dị vậy thôi mà khiến các cô gắn bó với trẻ bao nhiêu năm trời bất kể những lời châm chọc, ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh. “Đã hơn một lần chúng tôi phải nghe những điều mà thật sự chẳng hề muốn nghe. Buồn đó, nghĩ ngợi cũng còn đó nhưng nhìn vào ánh mắt vô tư, tiếng cười hồn nhiên của các cháu và lòng tin mà phụ huynh đã gửi gắm thì tất cả đều bỏ lại sau lưng. Chúng tôi chỉ biết một điều là cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa mà thôi”, cô Thảo không giấu nỗi suy tư.

Còn với cô Nguyễn Thị Diệu Hằng, Trường Tiểu học Tân Lập 2 (Nha Trang, Khánh Hòa) lại là một câu chuyện khác. Một học sinh khuyết tật trong một tập thể lớp bình thường, nhưng đó cũng là học sinh mà sau này và có thể là mãi mãi cô sẽ không bao giờ quên, đó là em Đàm Quốc Thắng…

Sau một tuần quan sát, cô Hằng phát hiện Thắng tỏ ra ngỡ ngàng với những hoạt động sinh hoạt trong một tập thể hơn 40 học sinh và nhất là đối với những yêu cầu khẩu lệnh bằng lời, em hầu như không nắm bắt được, chỉ thực hiện được qua quan sát và bắt chước các bạn. Cô Hằng nhớ nhất bài giảng môn Toán xếp các số theo thứ tự từ bé đến lớn và từ lớn đến bé. Cô đã tìm mọi cách để giảng cho em hiểu nhưng đều thất bại. Cuối cùng cô chụm các ngón tay lại như nụ hoa, rồi hoa nở lớn hơn một chút, rồi lớn hơn chút nữa và cuối cùng năm ngón tay xòe to ra là lớn nhất. Chỉ như vậy thôi, em đã hiểu và làm được bài.

 Buổi học của cô Phạm Thị Thảo với học sinh khuyết tật của mình Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với môn tiếng Việt, Thắng không hề có khái niệm về âm, vần và tiếng. Những âm mà em phát ra chỉ đơn giản và những tiếng chưa tròn trĩnh và rõ ràng. Bài học đầu tiên, Thắng ban đầu có vẻ sợ sệt, chỉ nhìn cô, ánh mắt như muốn “Cô ơi, khó lắm”, “Cô ơi cô đừng ép con”… Nhưng cô muốn cho Thắng hiểu rằng, cô không ép, cô chỉ muốn em đọc được nên lại tiếp tục kiên nhẫn. Thắng đọc theo khẩu hình miệng, tay cô chỉ, sử dụng cả ngôn ngữ cử chỉ để giúp em. Một lần không được thì hai lần và hơn thế nữa.

“Cuối cùng Thắng đã bật ra được tiếng, âm phát ra đã tròn trịa hơn “oa”, “hoa” và chỉ được hình ảnh bông hoa. Hôm đó, tôi tặng Thắng một bông hoa nhựa như một bông hoa điểm 10 dành tặng học trò khiếm khuyết về thể chất nhưng không khiếm khuyết về tinh thần. Thành công đầu tiên trong quá trình dạy học đó đã giúp cho tôi hình dung ra những việc cần làm trong những tháng ngày sau đó để giúp một học sinh khuyết tật hòa nhập”, cô Hằng nhớ lại.

Mong các thầy, cô giáo giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết

Rồi những ngày tháng qua đi, Thắng không chỉ tiến bộ về môn Toán, tiếng Việt mà Thắng còn tiến bộ trong việc rèn luyện kỹ năng sống, các môn hoạt động giáo dục như môn Thểdục, Mỹ thuật… Đến hôm nay, Thắng đã là một học sinh lớp 3, em được đánh giá có những tiến bộ vượt bậc, quan trọng hơn cả là em đã phần nào chiến thắng được chính bản thân mình như niềm mong mỏi của phụ huynh khi đặt tên em Quốc Thắng. Thắng đã hòa nhập và cô Hằng hy vọng rằng em sẽ hòa nhập ngày một tốt hơn.

Cũng giống như cô Hằng, cô Thảo, hàng nghìn thầy cô giáo đang dạy 2,5 triệu trẻ khuyết tật trên cả nước luôn dành tình yêu thương, sự hy sinh cho các em. Để ghi nhận và tôn vinh những tấm gương các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Trung ương hội LH Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT đã tuyên dương 48 thầy cô tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Các tấm gương thầy cô giáo được tôn vinh hôm ấy có không ít thầy cô cũng là người khuyết tật. Thầy giáo khiếm thính Võ Duy Quang, trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ: “Tất cả học sinh của tôi đều là những người khiếm thính (không nghe, không nói) giống như tôi. Chúng tôi chia sẻ cuộc sống và cảm thấy rất hạnh phúc khi dạy cho các em”.

Tại buổi gặp mặt với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trước buổi tối diễn ra lễ tôn vinh, các thầy cô đã chia sẻ những những niềm vui, thành tích cũng như những thiệt thòi, thiếu chương trình giảng dạy trong giáo dục học sinh khuyết tật… Động viên các thầy cô, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ: “Dạy trẻ nên người hoàn toàn không dễ dàng. Dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật còn khó hơn gấp bội, đòi hỏi những năng lực, phẩm chất tốt đẹp nhất của người thầy cùng sự yêu thương, tâm huyết với trẻ”. Khẳng định sự hy sinh cao cả của 48 giáo viên được vinh danh cũng như các thầy cô dạy trẻ khuyết tật khác trên cả nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong các thầy, cô giáo giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, lan tỏa phẩm chất cao quý của nghề giáo đến các đồng nghiệp, tiếp tục nâng đỡ thêm nhiều thế hệ học trò trở thành người có ích cho xã hội. 

 Dạy trẻ nên người hoàn toàn không dễ dàng. Dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật còn khó hơn gấp bội, đòi hỏi những năng lực, phẩm chất tốt đẹp nhất của người thầy cùng sự yêu thương, tâm huyết với trẻ…

(Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh)

 

 HỒNG HÀ

 

Print

Video

Xem nhiều nhất

Không nội dung

A problem occurred while loading content.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top