Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đã đến lúc chuyển đổi mô hình kinh doanh

Thứ Hai 31/08/2020 | 11:15 GMT+7

VHO- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch lại rơi vào khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp du lịch tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Khách sạn, công ty du lịch đóng cửa vì không có khách

Khi dòng tiền đã bị chặn đứng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp lữ hành gần như không thể lấy lại tiền cọc, tiền thanh toán vé máy bay và dịch vụ khác nên lượng tiền mặt càng khan hiếm. Doanh nghiệp càng lớn, nhân lực càng nhiều, số lượng chi nhánh, văn phòng càng lớn thì áp lực chi phí sẽ càng cao.

Đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến

Bản chất của doanh nghiệp lữ hành là đơn vị đầu mối kết nối các dịch vụ, vốn lưu động của các doanh nghiệp lữ hành rất thấp, trong khi đó, giá vốn bán hàng khá cao (thường chiếm xấp xỉ 90% doanh thu thuần), tỉ suất lợi nhuận chỉ vài phần trăm. Theo khảo sát của Công ty cổ phần chứng khoán SSI, tỉ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu mảng lữ hành hằng năm của 3 công ty lớn là Vietravel, Fiditour và BenThanh Tourist chỉ đạt từ 0,8-1%. Do đó, việc đảm bảo ổn định nhân sự từ 3-6 tháng và duy trì dòng vốn cho đến khi bộ máy hoạt động trở lại là một thử thách.

Đại dịch Covid-19 sẽ buộc nhiều đơn vị phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh. Du lịch chỉ có thể phục hồi khi dịch được kiểm soát nhưng ngay từ bây giờ, các công ty đã có sự chuẩn bị, triển khai kế hoạch phòng rủi ro, tìm kiếm cơ hội tồn tại. Theo nghiên cứu của Oxford Economics, có đến 82% cư dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương chọn đặt tour truyền thống vào năm 2015 nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2019. Cũng theo nghiên cứu trên, thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam sẽ tăng từ 2,2 tỉ USD năm 2015 lên 9 tỉ USD vào năm 2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đang nỗ lực áp dụng công nghệ mới và ứng dụng di động như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), ứng dụng tương tác và phần mềm ứng dụng du lịch thông minh bằng công nghệ 360... Đầu tư vào công nghệ và kinh doanh trực tuyến tăng mạnh hơn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm đến mức thấp nhất.

Công ty Lữ hành Saigontourist là một trong những công ty lữ hành hàng đầu Việt Nam đến nay 80% hoạt động xúc tiến, tiếp thị đã chuyển sang tiếp thị số. Nhân sự mảng kinh doanh trực tuyến được tăng gấp đôi, hoạt động bán hàng trên fanpage tăng trưởng mạnh. Doanh thu trực tuyến của Công ty năm 2019 lên tới hàng trăm tỉ đồng. Đầu tư hàng loạt chương trình mới, Công ty Lữ hành Fiditour mới chỉ thu được 15-20% tổng doanh thu từ mảng kinh doanh trực tuyến và đang tính toán để nâng mức đầu tư lớn hơn khoảng 10 lần so với hiện nay để đưa doanh thu từ mảng trực tuyến chiếm tỉ trọng 40% vào năm 2023. Thế nhưng không phải doanh nghiệp lữ hành nào cũng có kỹ năng và trường vốn để tham gia mảng kinh doanh trực tuyến và nâng cao sức cạnh tranh. Đầu tư cho kinh doanh trực tuyến của một công ty có quy mô vừa phải cũng lên tới hàng triệu USD.

Công suất buồng phòng chỉ còn khoảng 10%

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến ngành Du lịch chưa thể thực hiện tiếp kế hoạch phục hồi. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành vốn đầu tư ban đầu không nhiều và còn có thể cho nhân viên nghỉ việc, tạm đóng cửa nhưng doanh nghiệp kinh doanh khách sạn còn khó khăn hơn vì ít nhiều đều phải đi vay để đầu tư, kinh doanh, duy trì cơ sở vật chất… Khi khách hủy tour, hủy dịch vụ doanh nghiệp sẽ mất dòng tiền, không có vốn xoay vòng. Chỉ riêng tiền trả lương cho số nhân viên ít ỏi còn lại đã khó khăn, hằng tháng vẫn phải lo trả lãi, trả gốc vay cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc của CBRE (công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ) dự báo: “Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế “phòng thủ”. Tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn”.

Thị trường đầu tư cũng đang bắt đầu có sự dịch chuyển. Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, theo quan sát thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4-5 sao, mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn (từ 3 sao trở xuống). Chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ở các trung tâm du lịch lớn, phân khúc khách sạn 1-2 sao gần như không còn khách du lịch theo đoàn, khách du lịch thuần túy, lượng khách thuê chủ yếu theo giờ và khách lẻ. Công suất buồng phòng các khách sạn 3-5 sao cũng chỉ còn khoảng 10%. Giá phòng lao dốc thảm hại.

Nhu cầu du lịch sau dịch bệnh chắc sẽ giảm sút do một bộ phận không nhỏ dân chúng trên thế giới đã nghèo đi đáng kể. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo về một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng, kéo dài trên toàn cầu sau dịch bệnh. Vì thế, điều cần nhất lúc này là có một kế hoạch phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính quyền, các ngành và các doanh nghiệp để hồi phục du lịch ngay khi điều kiện cho phép. Trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chương trình du lịch phù hợp với xu thế, tình hình mới. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch điều phối, dẫn dắt, định hướng để có thể kết nối các thành phần (doanh nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn, điểm tham quan, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm…) tạo ra các gói kích cầu hấp dẫn, an toàn. Triển khai tiếp chiến dịch quảng bá Việt Nam - điểm đến an toàn. Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, Hàng không, đơn giản hoá thủ tục để các gói hỗ trợ, gói tín dụng đến được tay người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trước tiên là cứu người lao động mất việc và cứu để doanh nghiệp không phá sản. 

 NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top