Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Văn chương và hội họa cùng thăng hoa

Thứ Tư 09/09/2020 | 10:46 GMT+7

VHO- Gần đây, thị trường xuất bản đón nhận những ấn bản văn học kinh điển được làm mới bằng việc vẽ tranh minh họa, phả hơi thở đương đại vào những tác phẩm vang bóng một thời. Đây là xu hướng mới và nhận được sự quan tâm, khen ngợi từ độc giả.

 Minh họa tiểu thuyết “Số đỏ” của họa sĩ Thành Phong Ảnh: INTERNET

 Những ấn bản đẹp với phần minh họa, thiết kế bìa đặc sắc, do các họa sĩ có tên tuổi thực hiện, giống như “đôi cánh” nâng giá trị của tác phẩm, khiến độc giả, đặc biệt là người trẻ, hào hứng đón nhận.

Xu hướng vẽ tranh minh họa mới cho tác phẩm kinh điển

Mới đây, tiểu thuyết Số đỏ của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được Đông A tái bản với một diện mạo mới cả về hình thức lẫn nội dung. Ấn bản mới nhất của Số đỏ bắt mắt như một cuốn tiểu thuyết đồ họa với 45 bức tranh minh họa của họa sĩ Thành Phong. Sách được lấy theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII năm 1938, gọi là “hoạt kê tiểu thuyết” (tiểu thuyết khôi hài). Đây là bản Số đỏ duy nhất được in khi nhà văn Vũ Trọng Phụng còn sống, dù tiểu thuyết được đăng báo dài kỳ từ năm 1936.

Khi suy ngẫm về tác phẩm để vẽ minh họa, họa sĩ Thành Phong nhận định “miêu tả chân dung xã hội” chính là giá trị lớn nhất của Số đỏ. Bức chân dung đó vẫn rất chính xác khi đối chiếu với xã hội đương đại: Kẻ thượng lưu nông cạn, giàu xổi thích chơi trội; kẻ hạ lưu biết lợi dụng cơ hội; sự kệch cỡm, dị hợm của những “me tây”, sư hổ mang và các phong trào “bình dân”... Suốt 84 năm qua, Số đỏ chưa bao giờ mất giá trị thời sự khi đả kích thói đạo đức giả, tha hóa và những kẻ bất chấp tất cả để leo lên nấc thang danh vọng. Vì thế, tranh minh họa trong Số đỏ của họa sĩ Thành Phong với nét độc đáo, trẻ trung, hiện đại đã lột tả thành công sự trào phúng, châm biếm đặc trưng trong tác phẩm.

Một lần nữa, xuất hiện trên văn đàn sau 13 năm ra mắt, cuốn sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp do chính tác giả trực tiếp lựa chọn với 42 tác phẩm tiêu biểu vừa được NXB Văn học và Đông A giới thiệu đến bạn đọc. Cuốn sách được sắp xếp theo thời gian sáng tác, từ Những ngọn gió Hua Tát cho đến Quan Âm chỉ lộ. Ngoài những truyện ngắn tiêu biểu trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Thiệp, ấn bản này giá trị ở những bức tranh minh họa của 18 họa sĩ đương đại thành danh như: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn… với phong cách, suy tư và cảm nhận khác biệt, thú vị.

Cũng xu hướng vẽ tranh minh họa mới cho tác phẩm kinh điển, năm 2017, NXB Văn học và Đông A kết hợp ra mắt hai tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) với phần minh họa của 15 họa sĩ tên tuổi như Thành Chương, Đặng Tiến, Đinh Quân, Hồng Việt Dũng... và Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) với phần minh họa của họa sĩ Nguyễn Công Hoan.

Trong cuộc tọa đàm gần đây nhất với chủ đề “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam”, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nhấn mạnh, minh họa cho văn chương rất quan trọng, bởi ở đó, những tác phẩm minh họa là kết quả của quá trình sáng tạo thực sự, góp phần làm sáng rõ tác phẩm.

Từng đoạt giải Sách Quốc gia năm 2019 với tác phẩm Xóm Bờ Giậu, họa sĩ Kim Duẩn cũng cho rằng, hội họa nói chung và tranh minh họa nói riêng đã góp phần rất lớn trong việc kích thích trí tưởng tượng của độc giả về các bối cảnh văn hóa, lịch sử xuất hiện trong tác phẩm. Vì thế, tùy từng tác phẩm văn chương, họa sĩ có thể chọn cách vẽ lại đúng như mô tả của nhà văn hay thêm những sáng tạo của bản thân vào bức tranh. Dù minh họa các tác phẩm dành cho người lớn hay truyện thiếu nhi, họa sĩ cũng phải đọc kỹ tác phẩm và phân bổ số lượng tranh minh họa sao cho hợp lý. Đặc biệt, họa sĩ còn phải lựa chọn các đoạn hoặc tình tiết đặc trưng, đắt giá trong tác phẩm để minh họa.

Tạo nên những giá trị cao hơn cho sách

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cho rằng: “Việc làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam bằng cách kèm nhiều tranh minh họa đặc sắc của các họa sĩ đương đại đã trở thành hiện tượng trong làng sách. Độc giả ngày nay có xu hướng thưởng thức tác phẩm văn học khác trước kia, họ thích sự gần gũi và dễ tiếp cận. Vì vậy, tranh minh họa của các họa sĩ đương thời vẽ theo phong cách hiện đại là cầu nối để kéo không gian trong các tác phẩm ra đời nhiều năm trước đến người đọc hôm nay, nhất là các bạn trẻ”. Cũng theo ông, tranh minh họa như “gia vị” cho tác phẩm, làm gia tăng xúc cảm thẩm mỹ của người đọc, từ đó, tác phẩm sẽ sống trong lòng độc giả lâu hơn.

Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ cho biết, qua tương tác của độc giả và số lượng tiêu thụ, có thể thấy hình thức xuất bản sách có tranh minh họa không chỉ thu hút những người trẻ đến với những tác phẩm văn học kinh điển, giá trị, mà còn đáp ứng và thỏa mãn thú “chơi” sách bản đẹp, bản đặc biệt của một bộ phận người yêu sách. Qua đó mở ra hướng triển vọng cho ngành xuất bản sách in. “Đây là cuộc gặp gỡ giữa văn chương và hội họa để cùng thăng hoa. Sự kết hợp giữa văn học và hội họa, cộng với những chăm chút về trình bày, in ấn đã và đang tạo nên những giá trị cao hơn cho sách, không chỉ để đọc, mà còn để ngắm nhìn, sưu tầm, trưng bày…”, ông Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.

Việc minh họa đẹp sẽ thu hút độc giả chú ý đến tác phẩm văn học, khi giá trị thẩm mỹ được chú trọng, người đọc sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về việc tiếp cận tác phẩm. 

 TRUNG HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top