Người trẻ mang “hơi thở cuộc sống” vào văn chương

VHO - Trong buổi trò chuyện về văn chương vừa qua tại Đường Sách TP.HCM, năm tác giả gồm Huỳnh Trọng Khang, Yang Phan, Nguyễn Đinh Khoa, Phát Dương và Võ Đăng Khoa đều khẳng định: Những cây bút trẻ luôn muốn mang “hơi thở cuộc sống” vào từng trang viết của mình.

Người trẻ mang “hơi thở cuộc sống” vào văn chương - Anh 1

 

 Những cây bút trẻ luôn muốn mang “hơi thở cuộc sống” vào từng trang viết của mình

 Bên cạnh đó, họ cũng chia sẻ về kinh nghiệm tìm cảm hứng từ cuộc sống và các tác phẩm văn học kinh điển, cách tiếp cận văn chương thế giới, cách quan sát chất liệu thực, cách tìm chủ đề người đọc quan tâm và trên hết là cách duy trì kỷ luật sáng tác…

Mối quan tâm của những cây bút trẻ

Cả năm tác giả đều là những người viết kiên trì, ngoại trừ Võ Đăng Khoa vừa có tác phẩm đầu tay trong năm 2023, bốn tác giả còn lại đều đã ra mắt một số tựa sách với sự đổi mới không ngừng về chủ đề và tiến bộ về kỹ thuật viết. Tác phẩm của họ thể hiện những mối quan tâm của giới trẻ đương đại như: Sự cô đơn, định nghĩa nhân tính, tương lai loài người, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu… Tại buổi trò chuyện, họ có chung nhận định rằng: Khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là robot, trí tuệ nhân tạo (AI) đang có tác động đến đời sống con người. Ở đó có cả ảnh hưởng tích cực, hỗ trợ con người, nhưng cũng có cả những tác động tiêu cực khiến chúng ta bị lệ thuộc vào công nghệ, xa rời cuộc sống thực đang diễn ra.

Trên thực tế, các tác phẩm của Yang Phan, Phát Dương, Đinh Khoa đều mang màu sắc scifi (khoa học viễn tưởng) để khắc họa thế giới tương lai, khi robot và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống con người. Nhưng họ không đi sâu vào những tiến bộ kỹ thuật, mà thay vào đó đặt ra câu hỏi về nhân tính: Nếu công nghệ phát triển đến mức “như con người” thì thế nào mới là con người?

Trong Biến thể của cô đơn của Yang Phan, bạn đọc sẽ thấy được những robot/ chương trình giả lập mang theo ký ức của người thân đã mất. Ta vẫn có thể “trò chuyện” với họ, thậm chí sống cùng nhà với họ, nhưng không thể thay thế cho một thực tế rằng con người thực sự đã mãi mãi mất đi. Đồng cảm hứng về chủ đề nhân tính, Nguyễn Đinh Khoa trong Dị bản đặt vấn đề: Trước bao nhiêu vấn nạn trong xã hội, liệu dùng công nghệ để cải tạo nên một giống người “hoàn hảo, yêu môi trường” có phải là lựa chọn tối ưu? Trong thế giới mà mọi điều đều có thể được thỏa mãn, sự kết nối giữa người và người có giá trị như thế nào? Để rồi bạn đọc sẽ đối diện với những thách thức, những hệ lụy của xã hội hiện đại như chiến tranh, môi trường, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo… qua giọng văn đầy cảm xúc của Dị bản.

Phát Dương qua Hai người trong một ngăn tủ thì nghĩ đến một hành tinh nhân tạo, khi con người khiến Trái đất không còn là nơi có thể dung thân. Cây bút trẻ đã tạo dựng nên thế giới giả tưởng hậu hiện đại để soi chiếu và chiêm nghiệm về thực tại và những ẩn ức của con người. Qua từng trang viết, bạn đọc sẽ thấy được sự vẫy vùng, tranh đấu để mỗi cá thể được làm “người” trong thế giới buộc họ phải biến thành những cỗ máy lãnh đạm và trống rỗng. Chính sự pha trộn thế giới giả tưởng với thế giới thực tại đã tạo nên một tinh cầu vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc, với những điều tưởng như là rất phi lý nhưng có lẽ đang dần trở nên bình thường.

Trọng Khang với Bể trăng côi Nơi không có tuyết là một trường hợp thú vị, khi anh chọn cách kể lại những câu chuyện kinh điển để bày tỏ ý mình. Với Bể trăng côi, anh kể về hành trình của hai thầy trò phải đến một nơi giữa thời đại dịch phong tỏa khắp chốn - song song đó là câu chuyện về thầy trò Đường Tăng. Những kiếp nạn song chiếu, những tỉnh ngộ, những thông điệp đậm tính thiền. Tiếp nối tinh thần đó, Nơi không có tuyết là tác phẩm đẹp đẽ lấy cảm hứng từ Hoàng tử bé, một tác phẩm đã để lại ảnh hưởng to lớn với hàng triệu người trên thế giới. Cuốn sách thuật về xứ tuyết giá lạnh, nhưng lại nồng ấm như cổ tích mẹ kể, đồng thời cũng là áng thơ tinh tế dành tặng cho những điều vốn nhỏ nhoi trong mắt người lớn.

Lạc đà bay của Võ Đăng Khoa lại là những lát cắt cuộc sống đương đại, qua sự quan sát tinh tế của tác giả. Những con người bình thường ta đi ngang qua, cuộc đời của họ như thế nào? Tiếng nói của họ ai sẽ lắng nghe? Cho dù là người sống chỉ cách nhau không xa, nhưng bạn đọc sẽ thấy có những câu chuyện thực, nhưng với mình lại rất khó tin. Làm sao ta kết nối với con người nếu thiếu đi lòng cảm thông? Tác phẩm đầu tay của Võ Đăng Khoa đã nhận được đánh giá cao của nhiều nhà văn, nhà báo, trong đó tác giả Nguyễn Ngọc Tư có nhận xét: “Trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể”…

Soi chiếu cuộc sống bằng góc nhìn mới

Tại buổi trò chuyện, các tác giả trẻ đều cho rằng, có hai điều khó vượt qua nhất, một là viết trọn vẹn tác phẩm đầu tay của mình rồi xuất bản, và hai là kiên trì theo đuổi con đường sáng tác, tìm kiếm, nuôi dưỡng cảm hứng. Trong khi đó, cả năm tác giả đều không phải là người viết được đào tạo từ trường lớp văn chương, đa số họ đang sống bằng những nghề khác nhau. Chính vì vậy, họ gặp thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có cơ hội quan sát cuộc sống từ nhiều góc độ. Đặc biệt, các tác giả đều ghi nhận khả năng vượt trội của công nghệ trong đời sống hiện nay. Nhưng thay vì bận tâm quá nhiều, họ chọn cách “sống chung” và lấy trí tuệ nhân tạo để làm chủ đề cho các tác phẩm của mình. Chính những câu chuyện đan xen giữa công nghệ và con người đã mở ra những điều đáng suy ngẫm dành cho bạn đọc.

Rõ ràng, chính những biến động của xã hội, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã gợi mở nhiều suy tư và cảm hứng đến các tác giả trẻ. Thay vì chùn bước trước tốc độ phát triển của khoa học, sự thay đổi của xã hội, thì họ lại thông qua bối cảnh tác phẩm của mình để đào sâu, phản ánh những khía cạnh của hiện thực, thậm chí là trong tương lai. Qua đó để thấy được, dù là góc nhìn mới nhưng vẫn chạm đến nhiều vấn đề sâu sắc và họ không chỉ dùng ngòi bút để viết ra những câu chuyện hằng ngày, mà hơn thế, họ tìm kiếm những giá trị lớn lao của thời cuộc, thế giới, con người… 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc