Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sau 3 ngày công chiếu Ròm có doanh thu hơn 30 tỉ đồng: Đánh thức điện ảnh Việt hậu Covid-19?

Thứ Tư 30/09/2020 | 11:06 GMT+7

VHO- Theo đại diện đơn vị phát hành CJ CGV, phim Ròm có màn ra mắt đầy ấn tượng đạt doanh thu hơn 30 tỉ đồng sau ba ngày công chiếu với lượng vé bán ra là 400.000. Không những vậy, lượng vé đặt trước sau hai ngày mở bán là 45.000 cũng là một kỷ lục đầy ngoạn mục. Với thành công trên sự mong đợi, liệu Ròm có làm nên “cú hích” cho điện ảnh Việt hậu Covid-19?

Diễn xuất của hai nhân vật chính Anh Tú Wilson (vai Phúc) và Anh Khoa (vai Ròm) được đánh giá cao

 Ngoài CGV, ở các cụm rạp Galaxy, Lotte, BHD, Ròm cũng đang dẫn đầu về số lượng suất chiếu. Tại Galaxy, phim đạt trung bình 10-15 suất/ngày ở mỗi rạp, trong khi các phim khác chỉ lẹt đẹt từ 1-3 suất.

Cơ hội cho phim Việt chinh phục khán giả

Trên Box Office Vietnam - trang tổng hợp, phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Ròm hiện đang đứng ở vị trí đầu bảng, bỏ xa hàng loại phim khác cả về doanh thu, số vé bán được và lượng suất chiếu, điều này cho thấy khán giả đang dành sự quan tâm đặc biệt cho tác phẩm điện ảnh nội địa này. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV, thành công của Ròm có thể khích lệ các tác phẩm Việt khác ra rạp vào mùa cuối năm, thời điểm không bị nhiều “bom tấn” nước ngoài cạnh tranh.

Tại tọa đàm “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19” do Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL phối hợp cùng các đơn vị phát hành phim tổ chức mới đây, giới điện ảnh cho rằng, khi các bom tấn nước ngoài lần lượt dời lịch chiếu đến cuối năm hoặc sang năm sau, thì đây là cơ hội để phim Việt chinh phục khán giả trong nước bằng chính chất lượng của mình. Có thể thấy bài học điển hình từ hai thị trường điện ảnh lớn của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc đã khôi phục điện ảnh một cách mạnh mẽ ngay sau dịch Covid-19. Điều đáng nói ở đây, những bộ phim “giải cứu” phòng vé đều là phim nội địa chứ không phải phim hàng ngoại. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng phim Việt sẽ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc “hồi sinh” thị trường.

Dự báo về điện ảnh Việt hậu Covid, ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định rằng, khi có nội dung hay thì khán giả sẽ quay lại rạp. “Với tốc độ phát triển như hiện nay, điện ảnh Việt có thể đạt 120 triệu lượt xem trong năm 2024, trong đó 50% thị phần đến từ phim Việt Nam”, ông Hải cho biết. Khi ra rạp xem Ròm, khán giả cũng được xem trailer mới của Tiệc trăng máu, Song Song,... những tác phẩm hứa hẹn “bùng nổ” phòng vé. Hiện tại, một số nhà rạp đang mong chờ các tác phẩm điện ảnh này ra mắt để khôi phục thói quen tới rạp xem phim của khán giả. Liệu thành công của Ròm có đủ truyền cảm hứng cho các phim Việt sớm công chiếu?

 Một cảnh đặc tả sinh hoạt của những người lao động nghèo tại khu ổ chuột trong “Ròm”

Xem Ròm, còn đó những “chơi vơi”

Trở lại câu chuyện của Ròm, thành công về mặt doanh thu của bộ phim thì không có gì phải tranh cãi. Thắng lợi lớn này chính là sự vận dụng thành công các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Ròm là bộ phim Việt đầu tiên và duy nhất ra rạp vào thời điểm “vàng”, khi thị trường đang “khát” phim ảnh sau thời gian “ngủ đông” quá dài. Tại thời điểm hiện tại, rõ ràng Ròm không có đối thủ. Còn cách đây vài tháng, Ròm đã được cộng đồng yêu điện ảnh ủng hộ vì đoạt giải ở hạng mục New Currents ở Liên hoan phim Quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019. Việc lùi lịch chiếu từ 31.7 sang 25.9 bất ngờ mang lại tác động tích cực cho Ròm. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá khá bài bản từ nhà sản xuất đã tạo hiệu ứng tốt, tạo thiện cảm với công chúng khi đưa hình ảnh Ròm và Phúc trở nên ngày càng gần gũi hơn trong mắt khán giả.

Song, đánh giá một cách khách quan về nội dung, Ròm của Trần Thanh Huy cũng để lại cảm giác chơi vơi cùng đôi phần tiếc nuối cho người xem, đặc biệt những tín đồ của “style cái kết có hậu” thì lại càng hụt hẫng. Ròm kể câu chuyện về cuộc sống của những người dân lao động nơi một khu chung cư cũ tại Sài Gòn đang chờ giải tỏa. Họ đều chơi số đề với hy vọng đổi đời. Ròm là cậu bé làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày, chuyên đi “tư vấn” những con số may mắn. Tuy nhiên, Ròm phải cạnh tranh sống còn với Phúc, một tay cò đề giang hồ sống cùng khu để giành giật từng “khách hàng”... Ròm tái hiện bức tranh một thế giới khá tăm tối nhưng cũng rất thực, miêu tả khung cảnh ngột ngạt của một khu ổ chuột với cách dàn dựng hiệu quả, bối cảnh phim đã khắc họa rõ nét cuộc đời của một bộ phận dân nghèo thành thị...

Thế nhưng, xem phim, người ta có cảm giác hụt hẫng, chơi vơi bởi ở đây những giá trị như tình yêu, tình bạn, lòng thương xót, tính nhân văn,... không có cơ hội bày tỏ. Mà xuyên suốt trong bộ phim chỉ là những bi kịch tiếp nối, những cuộc rượt đuổi, tranh giành, thanh toán và lừa lọc lẫn nhau giữa những con người cùng giai tầng xã hội, đã quá hiểu nhau khi sống trong cùng một khu ổ chuột, thì lẽ ra họ cần biết nương tựa nhau để sống. Nhưng không, trong Ròm mỗi cá thể là một chiến tuyến và sức mạnh của cơ bắp, của đồng tiền đã áp đảo những thứ còn lại. Vì thế mà nhân vật Ròm vẫn mãi bơ vơ, ngơ ngác giữa những cuộc rượt đổi, dù tận sâu trong tâm hồn cậu bé là một trái tim nhân hậu, đầy tình yêu thương... Về tổng thể, Ròm chưa kể được một câu chuyện trọn vẹn hay mang đến cho khán giả góc nhìn mới về những cuộc đời lam lũ, vẫn cứ lẩn quẩn quay cuồng giữa những lát cắt nhỏ triền miên bi kịch. Một số cảnh phim tỏ ra khiên cưỡng cả về logic trong tình tiết cũng như diễn biến tâm lý, một số trường đoạn chưa mạch lạc, nhân vật hành động thiếu động cơ và thiếu sức thuyết phục.

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top