Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phát huy giá trị tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Làm gì để khách đến với mình?

Thứ Hai 05/10/2020 | 11:53 GMT+7

VHO- “Sau gần 55 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chứng minh được dòng chảy nghệ thuật hiện hữu trong lịch sử hình thành và phát triển của nền mỹ thuật Việt. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản mỹ thuật thời gian qua vẫn bộc lộ hạn chế, chưa thực sự đáp ứng, thỏa mãn yêu cầu của công chúng…”, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng đã chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu giải pháp phát huy giá trị của các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong hai năm 2020-2021.

Cần có chiến lược hút khách

Chủ nhiệm đề tài, Giám đốc Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh, phát huy giá trị hiện vật luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi bảo tàng. Trải qua nhiều thập kỷ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi giải pháp đưa các sưu tập hiện vật đến với công chúng hiệu quả nhất. Việc mở rộng và công bố các nội dung, trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng đã tạo tiền đề cho sự “khai mở một khuynh hướng trưng bày mới”, tiếp tục nghiên cứu khai thác thêm các không gian trưng bày nhằm hướng đến phục vụ công chúng. Đặc biệt, những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thêm những không gian trưng bày, trải nghiệm mới, như: Không gian trưng bày những tác phẩm mỹ thuật đương đại; Không gian trưng bày sưu tập tranh Cổ động Việt Nam; Không gian trải nghiệm dành cho học sinh... Website của Bảo tàng cũng đã được hình thành.

Hàng trăm cuộc trưng bày chuyên đề và lưu động trong và ngoài nước đã được tổ chức. Từ năm 2009-2019, Bảo tàng đã xây dựng và thực hiện 35 cuộc triển lãm chuyên đề với các hiện vật chọn lọc từ Bộ sưu tập; Phối hợp với các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế trưng bày 38 triển lãm giới thiệu về văn hóa nghệ thuật các nước; 245 cuộc triển lãm trong nước; 28 triển lãm lưu động trong nước và 8 triển lãm lưu động quốc tế ở Lào, Nhật Bản, Pháp, Nga, Singapore, Hàn Quốc… “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã minh chứng được dòng chảy nghệ thuật hiện hữu trong lịch sử hình thành và phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam”, Giám đốc Bảo tàng khẳng định.

Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa mỹ thuật thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng, thỏa mãn yêu cầu của công chúng. Theo ông Nguyễn Anh Minh, Bảo tàng chưa phát triển được nhiều sản phẩm du lịch; chưa có những sản phẩm nghiên cứu chuyên sâu, đặc thù; đồ lưu niệm và quảng bá hình ảnh Bảo tàng chưa đa dạng, phong phú; việc tạo dựng thương hiệu chưa được như kỳ vọng; các hình thức triển lãm còn đơn điệu, chưa có sự áp dụng của kỹ thuật tiên tiến… Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang đối diện với những yêu cầu phải nghiên cứu đổi mới hệ thống trưng bày, phát huy giá trị các tác phẩm, đáp ứng tốt chức năng và nhiệm vụ của một thiết chế văn hóa mang tính đặc thù.

PGS. TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) nhận định, thế mạnh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là ở chỗ thực hiện chức năng giáo dục khoa học thông qua ngôn ngữ đặc thù là các tác phẩm nghệ thuật, biểu hiện cụ thể bằng các hình tượng mang tính Chân - Thiện - Mỹ. Để các giá trị phi vật thể tích hợp trong “vỏ vật chất” của tác phẩm nghệ thuật được tồn tại lâu đời, qua nhiều thế hệ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phải có phương tiện kỹ thuật hiện đại, phù hợp nhằm bảo quản và trưng bày hiệu quả các tác phẩm nghệ thuật.

Cũng theo PGS. TS Đặng Văn Bài, nhiều tác phẩm tại Bảo tàng, đặc biệt là tranh của các danh họa đều mang “giá trị kép”: Vô giá về nghệ thuật tạo hình nhưng cũng mang giá trị không nhỏ về mặt kinh tế. Khối lượng đồ sộ hơn 18 ngàn hiện vật mỹ thuật chính là khối tài sản khổng lồ. Bởi thế, ngoài giá trị tinh thần, cần tiếp cận các bộ sưu tập hiện vật từ góc nhìn “kinh tế học di sản” để nâng cao trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, trưng bày, phát huy và trao truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau. “Không nên thụ động ngồi chờ khách tham quan, ngược lại phải nỗ lực thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa Bảo tàng và công chúng trong điều kiện một đô thị đang phát triển như Hà Nội. Đó là chiến lược thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng”, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài lưu ý.

Phải hiểu công chúng mong đợi những gì

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mỹ thuật ứng dụng (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) Nguyễn Hoàng Hưng nêu lên thực trạng hệ thống Bảo tàng cả nước vẫn trong tình trạng thưa vắng khách. Câu hỏi đặt ra cho các Bảo tàng là làm thế nào để khách đến với mình? Để giải mã câu hỏi này cần nghiên cứu, tìm hiểu vì sao người dân ít quan tâm và đến với Bảo tàng. Vì sao đối với nhiều người dân, Bảo tàng dường như là thứ hoài cổ? Có thực tế này, một phần vì Bảo tàng chưa hiểu công chúng muốn gì, mong đợi gì. Làm sao để có được những trưng bày chuyên nghiệp, đồng bộ, khoa học, thẩm mỹ cao, thu hút và hấp dẫn người xem… sẽ là con đường đưa Bảo tàng đến với công chúng rộng rãi hơn.

Mong muốn tìm giải pháp trưng bày nhằm tôn vinh các tác phẩm Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến dường như đã chạm đến một vấn đề bao quát trong công tác phát huy các giá trị tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tác giả đề cập đến xây dựng kịch bản trưng bày theo tổ hợp hoặc không gian trưng bày nghệ thuật các phần cổ đại, hiện đại.

Họa sĩ Cao Trọng Thiềm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nêu ý tưởng: “Có nhiều đề xuất Bảo tàng Mỹ thuật cần có một địa điểm mới để xây dựng khu trưng bày tác phẩm đương đại, tiến tới một Bảo tàng hiện đại từ kiến trúc, quang cảnh bên ngoài đến trang thiết bị và nội dung bên trong, trưng bày tác phẩm nghệ thuật tạo hình Việt Nam thế kỷ XXI. Đây phải là một Bảo tàng ngang tầm với các Bảo tàng nghệ thuật hiện đại trên thế giới; một Bảo tàng nối dài sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện tại chỉ trưng bày chuyên sâu mỹ thuật cổ đại đến thế kỷ XX”.

Đề cập tới xu hướng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong trưng bày, TS Hồ Nam (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) nhấn mạnh, hàng trăm năm nay, trưng bày các Bảo tàng Mỹ thuật được tiến hành tuần tự, logic một cách hàn lâm theo nội dung. Như vậy, di sản nghệ thuật chỉ có thể đến với một số tầng lớp có kiến thức và thực sự quan tâm. Trong khi đó, nghệ thuật cần phải đến được với mọi đối tượng công chúng. TS Hồ Nam lưu ý, các ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại sẽ góp phần đưa các thành tựu di sản mỹ thuật tiếp cận gần hơn với công chúng.

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những ứng dụng thông minh như quét mã QR code, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR là những xu hướng đang được nhiều Bảo tàng trong và ngoài nước áp dụng. Đây là xu thế của thời đại công nghệ số mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam cũng đang hướng đến. “Những ý kiến tại Hội thảo sẽ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu để vận dụng một cách hiệu quả nhất vào công tác phát huy giá trị hiện vật, tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng”, TS. Nguyễn Anh Minh cho biết. 

 HÀ PHƯƠNG

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top