Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những người đi “xuyên” tâm lũ…

Thứ Năm 29/10/2020 | 08:00 GMT+7

VHO-Nước lũ lên nhanh nhấn chìm nhiều nhà cửa, cuốn trôi nhiều tài sản, khắp nơi nhiều tiếng kêu cứu thất thanh. Bất chấp nước lũ, những người dân lẫn những người làm công tác cứu hộ cứu nạn đã bất chấp hiểm nguy lao mình trên dòng nước lũ để đi cứu người, bảo vệ tài sản cho dân.

Khi cơn lũ qua họ là những người cùng ăn, cùng ở, cùng vật lộn với bùn lầy để giúp dân khắc phục bão lụt…

Mệnh lệnh từ trái tim

Trong những ngày qua, các đợt mưa lũ dồn dập đã  gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản của các tỉnh miền Trung. Thông tin về những đợt lũ lụt, sạt lở lớn cướp đi sinh mạng của hàng chục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; hình ảnh những ngôi nhà nước ngập quá mái trong biển nước mênh mông thực sự khiến tất cả đều nhói lòng.

 Nước lũ ập về, nhiều ngà cửa, tài sản của dân bị cuốn trôi các chiến sĩ công an huyện Thạch Hà không kể ngày đêm lao vào nước lũ cứu dân

Nhà ngập, nhiều tài sản gom góp cả đời, thóc lúa, trâu bò… cũng đều trôi theo dòng nước lũ. Người dân miền Trung cho biết, đợt lũ này đã vượt mốc lịch sử năm 1983. Những mất mát thiệt hại của người dân vùng lũ miền Trung đến thời điểm này là chưa thể nào đo đếm được.

Giữa đêm tối bịt bùng mưa gió, tính mạng, tài sản bị đe dọa, chính là lúc người dân cần đến sự có mặt kịp thời của lực lượng cứu hộ, Công an, Quân đội. Trong những ngày qua, cứu dân đã trở thành mệnh lệnh cao nhất đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an đã nhiều ngày đêm trực chiến, bám địa bàn, ăn tạm mỳ tôm, bánh mỳ để tập trung làm nhiệm vụ.

Tại Hà Tĩnh, khi nhận được thông tin về các vùng ngập lũ nặng, các anh lập tức lên đường. Có những cán bộ làm nhiệm vụ cứu giúp dân trong mưa lũ, thậm chí ngay cả khi nhà mình đang bị ngập nước cũng không kịp về ứng cứu.

Đêm 19.10, thấy nước lũ dâng cao, các hộ gia đình trong xã Lâm Tân Hương, huyện Thạch Hà bắt đầu ngập sâu trong nước, chưa kịp dặn dò vợ một câu, thiếu tá Đinh Văn Hùng, cán bộ Công an huyện Thạch Hà đã vội dẫn đầu một nhóm cán bộ chiến sĩ lao xuống dòng nước đỏ ngầu, chèo thuyền, vận chuyển hàng hóa, giúp người dân lên vùng cao tránh lũ. Mãi đến 10h đêm anh mới chèo được thuyền về nhà cũng là lúc tài sản của gia đình đã bị lũ ngập trôi. Bỏ mặc đồ đạc của gia đình mình trong nước lũ, anh Hùng vội đưa vợ con đi lánh lũ rồi vội vã lao đi giữa đêm tối, tìm đến những tiếng kêu gào thất thanh như xé đất, xé trời.

Nhớ lại giây phút được Công an xã kịp thời đưa ra khỏi ngôi nhà ngập nước, ông Nguyễn Văn Nam (tại rốn lũ xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cùng vợ và các con rơi nước mắt: “Hàng chục năm nay ở đây nhưng chưa bao giờ xảy ra lũ lớn như thế này. Nước lũ ở đâu ập về nhanh quá khiến hàng trăm nhà dân ngập chìm, đâu đâu cũng cầu cứu, nhờ giúp đỡ thì bà con lần lượt được các chú Công an băng nước vào cứu. Chỗ ăn, chỗ ở những ngày chạy lụt cũng được các chú chuẩn bị chu đáo, không ai bị đói, rét cả. Bà con chúng tôi biết ơn rất nhiều!”.

Đến những bước chân không mỏi

Mưa lũ, không chỉ có lực lượng Bộ đội, Công an huyện xuyên đêm lao vào nước lũ cứu dân, đưa tài sản người dân đến nơi an toàn mà những người làm việc tại địa phương như dân quân xã, công an xã … cũng căng mình làm việc theo mệnh lệnh từ trái tim.

 Khi nước lũ rút, họ là những người “rút” sau cùng khi người dân giúp dân khắc phục xong lũ bùn

Với những người dân xã Thạch Long, huyện Thạch Hà phải rất lâu rồi họ mới chứng kiến trận lũ lớn như thế. Những ngày lịch sử, nhân dân xã Thạch Long oằn mình chống chọi với mưa lũ, dưới nền trời phủ màu xám ảm đạm, trong làn mưa xối xả không ngớt. Nước lũ dâng hơn hai ngày đêm mới dừng lại, 6/8 thôn hoàn toàn chìm trong biển nước, hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu. Người dân vẫn chưa thể quên được hình ảnh thượng úy Dương Văn Huy - Trưởng Công an xã Thạch Long cẩn thận cõng trên lưng từng cụ già đến nơi an toàn, hay những cán bộ Công an xã chính quy tại đây dầm mình hàng giờ trong dòng nước lạnh tiếp cận vùng ngập lụt nghiêm trọng để cứu trợ, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn. Công an xã Thạch Long còn phối hợp huy động 12 thuyền máy, 32 thuyền viên đi ứng cứu tại các xã ngập nặng như Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Thắng, Tượng Sơn. Trong đêm tối giữa biển lũ dữ, tình người vẫn tỏa lên ấm áp.

Thượng tá Nguyễn Hoài Việt, Trưởng Công an huyện Thạch Hà cho biết, đợt lũ lần này toàn huyện Thạch Hà có 17/22 xã bị ngập nặng. Tất cả gần như bị tê liệt nhưng với phương châm “Không để nguy hại đến tính mạng của người dân, không để dân thiếu đói do mưa lũ”. Những ngày nước dâng cao đỉnh ở nhiều thôn, xã, lực lượng Công an xã trên địa bàn huyện đã không quản ngại vất vả kề vai, sát cánh cùng nhân dân chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Công tác ứng cứu các hộ dân bị nước ngập sâu đến nơi trú ẩn an toàn và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ được triển khai một cách kịp thời.

“Nước lũ rút, cán bộ, chiến sĩ lại đi từng ngõ, đến từng nhà, từng ngôi trường ngập bùn… giúp nhân dân và các thầy cô giáo vệ sinh môi trường, khắc phục lũ lụt để ổn định cuộc sống…”, thượng tá Nguyễn Hoài Việt cho biết.

Sau cơn lũ dữ, tình người lại toả lên ấm áp, những người cán bộ chiến sĩ vì nhân dân quên mình lại cùng giúp nhân dân vượt qua khó khăn. Nhiều đồng chí biết gia đình mình bị thiệt hại nặng nề, nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tại huyện Cẩm Xuyên (nơi rốn lũ) chỉ trong 3 ngày ra quân giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ, Công an huyện Cẩm Xuyên đã dọn dẹp lại khang trang 9 trường học, 14 hội quán thôn, hơn 100 hộ dân là gia đình chính sách, người già, người neo đơn. Vệ sinh sạch sẽ 30 tuyến đường liên thôn, liên xã. Kết nối hơn 100 đoàn từ thiện, tiếp tế của Công an các đơn vị địa phương và các lực lượng khác vào tặng quà, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả do lũ. Thăm hỏi, động viên 51 gia đình cán bộ chiến sỹ bị thiệt hại nặng do lũ…

Và những câu chuyện lan toả tình người

Những ngày qua, về tại “tâm lũ” xã Cẩm Duệ người dân nơi đây không khỏi nhắc tới chuyện anh Lê Văn Thành (thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ) cùng 3 người khác trong thôn đã cứu sống hơn 300 người dân trong lúc nước lũ đổ về.

 Khi nước lũ về, “người hùng” Lê Văn Thành (thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ) bất chấp hiểm nguy chèo thuyền cứu hàng trăm người dân mắc kẹt nước lũ

Người dân Cẩm Duệ kể lại, vào khoảng 17h ngày 18.10, anh Lê Văn Thành đang đi đánh cá khu vực gần nhà, phát hiện nước lũ lên nhanh, anh tất tả chạy về cùng cả nhà với ý định kê cao đồ đạc, chuẩn bị thuyền cho vợ con phòng trường hợp nước lũ dâng cao.

Lúc này, nước lũ từ hồ Kẻ Gỗ cuồn cuộn đổ về, chỉ trong thời gian ngắn toàn bộ 12 thôn thuộc xã Cẩm Duệ chìm trong biển nước. Tiếng mọi người gọi nhau chạy lũ, tiếng kêu cứu, la hét, của người dân làm vùng quê trở nên hỗn loạn chưa từng có.

Khi vợ con đã cơ bản an toàn, anh Thành gọi thêm 3 người khác là anh Lê Văn Công (em trai anh Thành), anh Phạm Văn Đồng và em Đậu Văn Hoàng chèo thuyền vượt dòng nước chảy xiết đến tận nhà người dân để đưa họ thoát khỏi cơn lũ.

Cứu được gia đình này thì gia đình khác kêu cứu, cứ thế, sau hơn 2 ngày “quên ăn”, nhóm của anh Lê Văn Thành đã cùng nhau đưa được hơn 300 người dân ở các thôn: Ái Quốc, Phú Thượng và Trần Phú tới khu vực an toàn.

Nói về suy nghĩ của mình khi cơn lũ đi qua, anh Thành cho biết: “Anh em chúng tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ là cố gắng cứu được nhiều người nhất thoát khỏi dòng nước đang chảy xiết”.

Đối mặt với hiểm nguy, chịu nhiều mất mát, thậm chí có lúc lật thuyền, toàn bộ lưới đánh cá, ngư cụ là gia sản lớn của gia đình bị nước lũ cuốn trôi, thế nhưng, với tâm niệm “cứu được một người hơn xây 7 tòa tháp”, các anh lại cùng nhau ngược dòng nước xiết đưa người vượt lũ.

Qua cơn lũ dữ, với bà con xã Cẩm Duệ, anh Lê Văn Thành và 3 người cùng nhóm là những người hùng của cả vùng quê, đã cứu sống họ thoát khỏi tử thần…

Với hành động dũng cảm cứu hàng trăm người trong mưa lũ, UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã  tặng Giấy khen cho anh Lê Văn Thành nhằm biểu dương hành động dũng cảm cứu người của anh.

Hiện miền Trung vẫn đang phải oằn mình trong những đợt mưa lũ lớn và dự báo tình hình còn nhiều khó khăn phức tạp phía trước. Những cán bộ, chiến sĩ Công an, người dân lại tiếp tục căng mình trong mưa lũ để cứu dân và tài sản trong lúc nguy cấp.Đó là hình ảnh sáng đẹp, có sức hấp dẫn hơn ngàn vạn lời nói, góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh những người xuyên đêm trong lũ, hết mình cho cuộc sống nhân dân thân yêu.

THÂN BA; ảnh: AN TẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top