Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Việt Nam - Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

Thứ Tư 23/11/2022 | 14:07 GMT+7

VHO – Sáng 23.11, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) phối hợp tổ chức hội thảo "Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam". Đây là một hoạt động nhân Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11.2022 và Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (Quỹ AFCP).

Dự án Bảo tồn phục chế các án thờ hoàng gia tại Khu di sản thế giới - Triệu Tổ Miếu, Đại nội Huế

Sự hỗ trợ kịp thời đã góp phần bảo tồn các di sản văn hóa quý giá

Công tác bảo tồn di sản văn hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi bảo tàng, di tích. Hiện nay, công tác bảo tồn di sản văn hóa đang là nhu cầu cấp bách của xã hội trước sự tác động mạnh mẽ của tự nhiên và con người. Trong những năm vừa qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đầu tư cho công tác bảo tồn di tích, hiện vật bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực, kinh phí cùng với sự nhận thức chưa đầy đủ nên hoạt động của công tác bảo tồn di sản văn hóa còn là những khoảng trống trong hệ thống bảo tàng, di tích ở Việt Nam.

Hội thảo “Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức vào đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11) với mục đích nhận diện các thực hành hiệu quả trong bảo tồn di sản văn hóa mà các dự án AFCP (Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ) rất có ý nghĩa đối với giới bảo tàng, di tích ở Việt Nam nói chung, và với những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa nói riêng.

20 năm qua, đã có 16 dự án bảo vệ di sản từ sự hỗ trợ của Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ được thực hiện nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. 16 bảo tàng, di tích, cơ quan văn hóa đã được thụ hưởng sự hỗ trợ tài chính lên tới 1.246.775 USD từ Quỹ. Theo đó 5 di tích, 2 di sản văn hóa phi vật thể và hàng trăm hiện vật và tác phẩm nghệ thuật đã được bảo tồn và phát huy giá trị.

Đó là những minh chứng sinh động về tính hiệu quả và thiết thực của sự hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hóa. Theo đó, giúp Việt Nam nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ưu tiên bảo vệ khẩn cấp những tài sản văn hóa đang có nguy cơ mai một bằng hoạt động chuyên môn thiết thực.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia TS. Lê Thị Minh Lý cho biết, năm 2001 là thời điểm chúng tôi trình Quốc hội xem xét Luật Di sản văn hóa, và tháng 12 năm ấy Luật đã được thông qua. Chính vào thời điểm quan trọng ấy, Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ (AFCP) đã đến Việt Nam và hỗ trợ chúng tôi thực thi ngay Luật Di sản văn hóa với một dự án quan trọng về bảo quản, tu sửa một sưu tập gần 100 cổ vật, bảo vật quý giá ở chùa Dâu - một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng Việt Nam.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực quản lý và xây dựng chính sách bảo vệ di sản, TS. Lê Thị Minh Lý may mắn được tham gia quá trình hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong một số dự án về bảo tồn di sản văn hóa. TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, quá trình hợp tác là sự hỗ trợ chuyên môn vô cùng hữu ích không chỉ đối với di sản mà cả với những người làm nghề về di sản. 16 dự án là 16 trường hợp nghiên cứu cụ thể, là đa dạng loại hình di sản khác nhau, đa dạng các giải pháp liên ngành về bảo tồn và là 16 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.

Nhiều di sản được “cứu nguy”, được “trị liệu”

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, AFCP đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội tuyệt vời để di sản được “cứu nguy”, được “trị liệu” để chữa lành những vết thương do thời gian, do những rủi ro gây ra bởi khí hậu, thời tiết và cả chính con người. Những di sản của tổ tiên, cha ông đã trở nên có sắc thái tinh thần hơn, có hồn hơn và có sức sống hơn bởi kỹ thuật tu sửa từ các nghệ nhân tài hoa được mời đến từ cộng đồng. Họ thực hành tu bổ, bảo quản với sự tham vấn của hội đồng khoa học của các nhà chuyên môn.

Hội thảo "Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam" do Đại sứ quán Hoa Kỳ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức

Năm 2002, trong khi UNESCO và các quốc gia thành viên đang thảo luận khái niệm, những thuật ngữ cho dự thảo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thì dự án bảo tồn âm nhạc Then của người Tây ở Cao Bằng được Quỹ lựa chọn để hỗ trợ bảo tồn. Dự án này là một ví dụ rất cụ thể để nâng cao nhận thức của Việt Nam nói riêng và quốc tế chung về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể – một loại hình di sản sống, tạo nên bản sắc của cộng đồng. Dự án này đã góp phần giữ gìn đa dạng văn hóa và sự bình đẳng của các dân tộc thiểu số. Sau đó, với các chương trình mục tiêu và nhiều dự án khác của chính phủ Việt Nam dành cho nghiên cứu bảo vệ loại hình di sản này mà Then đã có một sức sống mạnh mẽ, lan tỏa trong đời sống đương đại. Năm 2019, Then của các dân tộc Tày Nùng ở Việt Nam đã được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Minh dẫn chứng, năm 2005, được sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bảo quản, tu sửa thành công hai tác phẩm sơn mài bị hư hại nghiêm trọng: Hội chùa của họa sĩ Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Quế, sáng tác năm 1939; Bắc Nam một nhà của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, sáng tác năm 1961.

"Sự hỗ trợ kịp thời đã góp phần bảo tồn hai tác phẩm quý giá này, và hai tác phẩm đang được giới thiệu, phát huy hiệu quả tại phòng trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam", TS Nguyễn Anh Minh nói.

Các tham luận và nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo đã nêu bật các thực hành tốt, nhận diện các thách thức và khó khăn mà các cơ quan đơn vi và cá nhân gặp phải trong quá trình thực hiện dự án bảo tồn; nhìn lại những nỗ lực chung của Việt Nam và Hoa Kỳ trong bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

Giám đốc chương trình Quỹ bảo tồn di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ Martin Perschler tự hào khi trong năm thứ 20, Quỹ vẫn trung thành với đúng sứ mệnh đề ra từ khi thành lập và tiếp tục thể hiện một khía cạnh khác của Hoa Kỳ - ghi nhận tầm quan trọng của di sản văn hóa trong quan hệ song phương và trong cuộc sống thường ngày.

"Chúng tôi mong đợi được hợp tác cùng Việt Nam trong tương lai trong việc bảo tồn văn hóa thông qua Quỹ Bảo tồn cũng như các chương trình, hoạt động khác. Chúng tôi đang thực hiện điều này trên tinh thần của quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam, xuất phát từ nền tảng của các mối quan hệ và kết nối độc đáo với nhau thông qua lợi ích chung trong bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam", ông Martin Perschler nói.

Năm 2005, được sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bảo quản, tu sửa thành công hai tác phẩm sơn mài bị hư hại nghiêm trọng

Bên cạnh đó, hội thảo mở rộng thảo luận về mối quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện trong nhiều năm giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hóa và khuyến khích khám phá các cơ hội hợp tác và đối tác trong tương lai. Đồng thời, các thảo luận đã đóng góp thêm suy nghĩ về công tác bảo tồn di sản văn hóa trong đời sống. Thông qua việc chia sẻ thông tin về Quỹ AFCP và các nguồn tài trợ văn hóa khác, hội thảo nhấn mạnh mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc huy động, xã hội hóa các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bổ sung trong bảo tồn và quản lý di sản văn hóa tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các trường hợp di sản nguy cấp và cần hành động khẩn cấp.

“Năm nay, Chính phủ Việt Nam vừa đánh giá 20 năm thực thi Luật Di sản văn hóa và bắt đầu qui trình nghiên cứu chỉnh sửa, cập nhật bộ luật này. Một loại hình di sản đang được xem xét để bổ sung vào nội dung của Luật di sản văn hóa đó là di sản tư liệu. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án “Bảo tồn các mộc bản triều Nguyễn thế kỷ thứ XIX” mà quỹ AFCP vừa hỗ trợ cho Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 tại Đà Lạt năm 2020 sẽ là ví dụ rất tốt để xem xét và luật hóa loại hình di sản tư liệu này trong thời gian tới. Có thể nói rằng Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ luôn thấu hiểu và gắn bó chặt chẽ với các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa của Việt Nam”, TS. Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

THANH NGỌC; ảnh: NGỌC HUYỀN

Print
Tags: Di sản

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top