Quảng Nam kết nối sản phẩm OCOP vào thị trường du lịch

VHO- Với con số đón hàng triệu lượt khách quốc tế và nội địa mỗi năm, thị trường du lịch của Quảng Nam là không gian rất lớn để sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Quảng Nam tiếp cận, kết nối đưa sản phẩm này đến du khách.

Quảng Nam kết nối sản phẩm OCOP vào thị trường du lịch - Anh 1

Hội chợ sâm Ngọc Linh diễn ra định kỳ hằng tháng

Tính đến tháng 11.2022, Quảng Nam đã có 282 sản phẩm của 221 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 51 sản phẩm 4 sao. Có 2 sản phẩm được xếp hạng, gắn kết mật thiết ở lĩnh vực du lịch là cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (TP Hội An) và dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Thanh (TP Tam Kỳ). Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam cũng như những doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất cũng đã chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối để đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách thông qua hoạt động du lịch, tổ chức các hội thảo kết nối, đa dạng sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch Quảng Nam từ sản phẩm OCOP…

Tháng 12.2022, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam và Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển sản phẩm OCOP. Tháng 5.2023, các đơn vị là doanh nghiệp, HTX, chủ thể nông sản đến từ 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tham gia Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại Đà Nẵng nhằm kết hợp giữa xúc tiến thương mại với du lịch và đầu tư. Qua đó, quảng bá, kết nối đối tác, khách hàng thuận lợi, hiệu quả.

Đặc biệt, các địa phương cũng đã xác định các sản phẩm OCOP thế mạnh, tiêu biểu và đã có những kế hoạch quảng bá thông qua việc tham gia các hội chợ, gian hàng trưng bày tại các lễ hội, sự kiện du lịch, tổ chức các lễ hội văn hóa - du lịch. Chẳng hạn như huyện Nam Trà My với lễ hội Sâm Ngọc Linh hằng năm, hội chợ sâm Ngọc Linh diễn ra định kỳ hằng tháng thu hút rất đông du khách về tham dự, kết hợp với quảng bá, trưng bày, các cuộc thi gắn với các sản phẩm đạt chất lượng OCOP dược liệu đang được người dân phát triển trên địa bàn huyện.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chủ trương thúc đẩy chương trình OCOP là định hướng đúng đắn, nhưng để có chỗ đứng trong thị trường du lịch thì điều quan trọng nhất là sản phẩm OCOP phải viết được câu chuyện văn hóa vào sản phẩm, phải đi đúng theo thông điệp “mỗi xã một sản phẩm”, cả làng cùng hướng vào một hệ giá trị, đưa văn hóa làng vào sản phẩm để có thể chạm đến cảm xúc của du khách. Sản phẩm OCOP cần chuyển từ lượng sang chất, chất ở đây là giá trị văn hóa, giá trị nền tảng bản địa mà địa phương đang có. Nhiều doanh nghiệp có thể rất muốn đưa sản phẩm OCOP vào khách sạn nhưng thực sự là đến giờ không có sự kết nối nào và chưa có điểm nhìn chung giữa các chủ thể. Nếu sản phẩm OCOP phát triển đủ chiều sâu thì một số doanh nghiệp du lịch có thể đứng ra bảo trợ.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nhìn nhận, so với tiềm năng thị trường và yêu cầu phát triển thì có thể nhận thấy sự liên kết giữa các sản phẩm OCOP với thị trường du lịch còn thiếu hiệu quả. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tích cực làm kênh trung gian để sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường du lịch nhưng các chủ thể sản xuất cũng cần nhìn lại những điều chưa ổn để điều chỉnh cho phù hợp với thị trường du lịch. 

 THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc