Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ

VHO- Tối 17.6, tại quảng trường Ngọ Môn Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ” nhân kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Đây là 2 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận.

Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ - Anh 1

Màn trống hội mở đầu chương trình nghệ thuật

Dự chương trình lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và đại diện UNESCO cùng các tổ chức quốc tế… Phía Bộ VHTTDL, tham dự có thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.

Cách đây 30 năm, ngày 11.12.1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản thế giới của UNESCO. Đây là di sản thứ 410 trong Danh mục và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Sau đó, ngày 7.11.2003, Nhã nhạc- Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.

Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - Di sản tư liệu); và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).

Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ - Anh 2

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Từ quan điểm chỉ đạo của Trung ương về văn hóa và sau lời kêu gọi của Tổng Giám đốc UNESCO năm 1981, là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản Huế. Đã có hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu tôn tạo, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên Huế bước ra khỏi sự lãng quên để trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh.

30 năm qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn chưa được khắc phục. Không ít các công trình tiêu biểu chưa được phục hồi; các tiềm năng, thế mạnh của di tích Huế chưa được phát huy hiệu quả, lợi thế so sánh của vùng đất Cố đô. Các giá trị văn hoá phi vật thể tuy được ưu tiên đầu tư nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu. Việc giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ - Anh 3

Bà Miki Nozawa, quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao công tác bảo tồn của Di sản Huế

Bà Miki Nozawa, quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, khẳng định rằng: Quần thể Di tích Cố đô Huế là một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực.

“30 năm trước, UNESCO và cộng đồng quốc tế nhận thức sự cấp bách của việc hỗ trợ Việt Nam gìn giữ và bảo vệ các di sản quý báu của mình. Phần lớn các di tích của Cố đô Huế ở trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Khi đó, Việt Nam chỉ vừa mới bước vào thời kỳ đầu hội nhập quốc tế và còn nhiều khó khăn. Và 30 năm sau, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu Di sản thế giới này, với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn”- bà Miki Nozawa nói.

Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ - Anh 4

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Phát biểu tại chương trình kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh: Văn hoá Huế là văn hóa đặc sắc trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam. Sự đan xen, hòa quyện giữa nhiều sắc thái văn hóa đậm đà với vẻ đẹp mộng mơ của Sông Hương, núi Ngự Bình, phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ khác đã làm nên đặc trưng, phong vị riêng, không nơi nào có được của văn hóa Huế. Trải qua thời gian, những đặc trưng, phong vị đó được kết tinh sâu lắng trong hệ thống giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, từ kiến trúc, âm nhạc, tín ngưỡng, lễ nghi, đến ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống… toả sáng, trở thành niềm tự hào của văn hóa Việt Nam và được thế giới tôn vinh, công nhận.

Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ - Anh 5

Biểu diễn Nhã nhạc, di sản văn hóa  phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Với việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới và 10 năm sau đó, là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định với thế giới rằng: Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá. 

Di sản Huế hoà quyện trong sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế đã thể hiện rõ tầm vóc, giá trị, trở thành động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, Di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng đã biểu dương những nỗ lực và thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, những người đã và đang thực hiện xuất sắc trọng trách trực tiếp bảo vệ, giữ gìn và phát huy những tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.

Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ - Anh 6

Tiết mục múa Phụng vũ, điệu múa trong cung đình xưa

"Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, chúng ta cần tiếp tục cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế. Quán triệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế. Bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan toả các giá trị biểu trưng của di sản vùng đất Cố đô Huế. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế"- ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ - Anh 7

Hoạt cảnh xây dựng kinh đô 

Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Di sản Cố đô- Trao truyền và hội tụ” nhân kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, cũng đã thu hút gần 5.000 nhân dân và du khách tham gia.

Chương trình nghệ thuật với 3 chương: Di sản- Ký ức và trao truyền; Hội tụ sắc màu Festival; Còn mãi với thời gian. Mở đầu là tiết mục hợp tấu hoạt cảnh xây dựng kinh đô, cùng với các tiết mục nghệ thuật truyền thống cung đình: múa Phụng vũ, múa Lục triệt hoa mã đăng, trình diễn tiểu nhạc Long ngâm... Ngoài ra, các loại hình Di sản phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh cũng đã “góp mặt” như: dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Cồng chiêng Tây Nguyên..., cùng với những tiết mục trình diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc...

Dịp này, Chính phủ cũng tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế danh hiệu Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đại diện Chính phủ trao cờ thi đua cho ông Hoàng Việt Trung- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có quyết định tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích và cống hiến cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Bài và ảnh: SƠN THÙY

 

Ý kiến bạn đọc