Hạ bức màn “18 đạo sắc phong” tại di tích Phủ Vân Cát

VHO- Chúng tôi đã tiến hành thiêu hủy các giấy tờ được gọi là sắc phong chứ nó không phải là sắc phong. Đã làm xong rồi”, ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái (Vụ Bản, Nam Định) trả lời như vậy qua điện thoại khi được hỏi “có đúng chính quyền xã phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức thiêu hủy cái gọi là “18 đạo sắc phong” tại di tích Phủ Vân Cát, thuộc khu di tích quốc gia Phủ Dầy”.

Hạ bức màn “18 đạo sắc phong” tại di tích Phủ Vân Cát - Anh 1

 Liên tiếp trong hơn 1 năm qua Văn Hóa có loạt tin bài phản ánh về vụ việc này

Theo nguồn tin của Văn Hóa, việc tiến hành thiêu hủy “sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát” đã được UBND xã Kim Thái phối hợp với phòng, ban huyện Vụ Bản với sự chứng kiến của cán bộ Bảo tàng tỉnh Nam Định, diễn ra hôm 29.6. Như vậy, câu chuyện “Vén bức màn “18 đạo sắc phong” tại di tích Phủ Vân Cát” đã hạ màn sau hơn 1 năm Văn Hóa đeo đuổi với hàng loạt tin bài phản ánh độc quyền.

Vì sao câu chuyện trên lại kéo dài thời gian như thế trong khi mọi việc đã rõ ràng, minh bạch, hơn nữa, xung quanh việc thiêu hủy này chính thủ nhang Phủ Vân Cát đề nghị từ lâu? Câu trả lời xin nhường cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sở tại.

Đầu tháng 3.2022, Văn Hóa đăng tải bài Vén bức màn “18 đạo sắc phong” tại di tích Phủ Vân Cát, trong đó đã nhấn mạnh ý kiến của TS Chu Xuân Giao, “với tư cách chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương cần xử lý nghiêm đối với các sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát theo Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan”. TS Chu Xuân Giao là thành viên Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, theo quyết định của Bảo tàng tỉnh Nam Định. Trước thời điểm vào khảo sát, nghiên cứu (tháng 1.2022), 18 cái gọi là “đạo sắc phong” đó được thủ nhang di tích Phủ Vân Cát cho rằng đấy là “tài sản văn hóa quốc gia” cần được bảo vệ. Còn Phòng VHTT huyện Vụ Bản chưa tiến hành xem xét, thẩm định đã “tố” cơ quan chức năng tỉnh Nam Định: “18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích” của Phủ Dầy.

Hạ bức màn “18 đạo sắc phong” tại di tích Phủ Vân Cát - Anh 2

 Chính quyền tổ chức thiêu hủy sắc phong ngụy tạo được lưu giữ tại Phủ Vân Cát

Cần nhắc lại ở đây để bạn đọc biết, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản ký văn bản số 06/ VHTT-DT gửi Sở VHTTDL, Bảo tàng Nam Định và UBND huyện này, trong đó xác quyết: “18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích” Phủ Dầy. Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định lúc đó khá băn khoăn, “vì sao cán bộ tiến hành kiểm kê hiện vật làm hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL xem xét, xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2020 lại bỏ sót những hiện vật này?”. Trong quyết định thành lập Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, ông Thư đã mời TS Chu Xuân Giao, một trong những chuyên gia về Hán, Nôm và sắc phong tham gia.

Là người nhận trách nhiệm của Tổ công tác khảo sát nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong, TS Chu Xuân Giao cho biết, ngày 22.1.2022, dưới sự giám sát của các bên gồm đại diện UBND huyện Vụ Bản, UBND xã Kim Thái, các thành viên Tổ công tác, nhà đền, thủ nhang Phủ Vân Cát đã hạ hộp đựng sắc phong từ trong hậu cung xuống, đưa ra phòng khách. Trong khoảng hai giờ đồng hồ, Tổ công tác đã tiến hành khảo sát tỉ mỉ, đo đạc kích thước từng tờ tư liệu, sau đó chụp ảnh kỹ thuật số theo số thứ tự từ 1 đến 19... Trên cơ sở đó, TS Giao nhấn mạnh, 18 tờ tư liệu trong hòm đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát hiện nay (đang được phía nhà đền Phủ Vân Cát xem là “18 đạo sắc phong”) đều là sản phẩm nhái và nói thêm: “Là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tôi có suy nghĩ rằng, các sản phẩm ngụy tạo này cần được xử lý nghiêm minh và dứt điểm, nếu không sẽ để lại di hại khôn lường trong tương lai, làm lẫn lộn thật giả, sai lệch giá trị lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích”.

Mãi đến cuối tháng 8.2022, qua một nguồn tin, Văn Hóa biết rằng đã có diễn biến mới về 18 đạo “sắc phong” ngụy tạo ở Phủ Vân Cát. UBND huyện Vụ Bản có văn bản Báo cáo số 197/BC-UBND về việc phối hợp với Sở VHTTDL kiểm tra, xử lý nội dung việc báo chí phản ánh tại Phủ Vân Cát. Báo cáo của huyện Vụ Bản cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản của UBND tỉnh, UBND huyện đã giao Phòng VHTT, UBND xã Kim Thái phối hợp với Sở VHTTDL để triển khai thực hiện. Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, người ký văn bản Báo cáo trên cho biết, trong các ngày 28.6 và 30.6.2022, UBND huyện đã ban hành hai văn bản về việc thu hồi 18 tờ tư liệu Hán Nôm dạng sắc phong tại di tích Phủ Vân Cát, giao UBND xã Kim Thái và Phòng VHTT huyện thực hiện một số nhiệm vụ, như tiếp tục thông báo cho ông Trần Văn Cường, thủ nhang Phủ Vân Cát về kết quả khảo sát, nghiên cứu các hiện vật, đồ thờ tại Phủ Vân Cát; tuyên truyền vận động ông Trần Văn Cường tự nguyện giao nộp 18 tờ tư liệu dạng sắc phong đang lưu giữ tại Phủ Vân Cát về Bảo tàng Nam Định; phối hợp với Bảo tàng Nam Định tổ chức thu hồi 18 tờ tư liệu dạng sắc phong đang lưu giữ tại Phủ Vân Cát để quản lý theo quy định của pháp luật.

Hạ bức màn “18 đạo sắc phong” tại di tích Phủ Vân Cát - Anh 3

 Tại biên bản làm việc, thủ nhang Phủ Vân Cát đề nghị sớm tổ chức thiêu hủy 17 tư liệu dạng sắc phong

“Qua báo cáo của Phòng VHTT và UBND xã Kim Thái, thủ nhang Phủ Vân Cát đề đạt nguyện vọng xin được tự thiêu hủy 18 tờ tư liệu Hán - Nôm dạng sắc phong đang lưu giữ tại Phủ Vân Cát có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. UBND huyện kính đề nghị UBND tỉnh, Sở VHTTDL thu hồi, thiêu hủy có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương”, Báo cáo của huyện Vụ Bản đề nghị. Sở VHTTDL Nam Định cũng đã có Báo cáo số 720/BC-SVHTTDL gửi UBND tỉnh Nam Định về “Sự việc báo chí phản ánh 18 đạo “Sắc phong” tại Phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản”, trong đó cho biết: “Việc thu hồi đưa ra khỏi di tích 18 tờ tư liệu nhái sắc phong tại Phủ Vân Cát là đúng với quy định tại Nghị định 98/2010/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Sở VHTTDL tiếp tục phối hợp với UBND huyện Vụ Bản theo dõi, xử lý nội dung trên theo quy định và báo cáo UBND tỉnh”, văn bản của Sở VHTTDL cho biết.

Cũng liên quan đến sự việc nghiêm trọng này, Tỉnh ủy Nam Định đã có văn bản gửi Ban cán sự đảng UBND tỉnh Nam Định. Văn bản cho biết, ngày 10.6.2022, Sở TT&TT có văn bản tổng hợp thông tin báo chí Trung ương viết về Nam Định, trong đó có bài viết trên Báo Văn Hóa, ngày 1.6 “Sự im lặng với sắc phong ngụy tạo”, phản ánh: Đã sau gần 3 tháng kể từ khi Văn Hóa, cơ quan báo chí đầu tiên lên tiếng vén bức màn “18 đạo sắc phong”, qua đó nói rõ tại di tích Phủ Vân Cát thuộc Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Phủ Dầy hiện đang tồn tại cái gọi là sắc phong nhưng là đồ giả, nhưng đến nay cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái nào để làm rõ trắng, đen và xử lý theo quy định pháp luật. Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan và địa phương kiểm tra nội dung sự việc nêu trên, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy...

Dẫn lại những nét chính qua loạt tin bài phản ánh của Văn Hóa về vụ việc này để thấy rằng, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã rất thận trọng khi đưa ra kết luận về cái gọi là “18 đạo sắc phong” ở Phủ Vân Cát, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý; chính quyền địa phương vào cuộc tuyên truyền vận động; thủ nhang tự giác đồng ý thiêu hủy... và hạ màn. Nhưng câu chuyện này vẫn còn đó câu hỏi cần được trả lời, là những người có liên quan làm ra đồ nguỵ tạo sắc phong, gây sai lệch lịch sử thì sẽ bị xem xét, xử lý ra sao? 

VŨ DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc