Ra mắt sách “Thúng chai ở Hội An”

VHO - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức ra mắt sách Thúng chai ở Hội An và giới thiệu quá trình biên soạn, in ấn sách.

Ra mắt sách “Thúng chai ở Hội An” - Anh 1

Ra mắt sách Thúng chai ở Hội An

Nằm trong kế hoạch tổ chức hoạt động nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11), 24 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới (4.12.1999-2023) và 6 năm nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7.12.2017-2023), Trung tâm QLBT DSVH Hội An đã tổ chức giới thiệu sách Thúng chai ở Hội An
Cuốn sách gồm 6 chương, gần 200 trang với nhiều nội dung liên quan về thúng chai, từ tổng quan như tên gọi, nguồn gốc, tri thức dân gian về kỹ thuật đan thúng và cách bảo quản, điều khiển, sử dụng thúng chai ở Hội An, những công cụ liên quan đến thúng chai, việc bảo tồn, phát huy thúng chai trong điều kiện hiện nay…,  Cùng với đó là mô tả phương tiện thúng chai từ hình ảnh trong tri thức dân gian đến đời thực là một công cụ sản xuất gần gũi của bà con làm nghề sông nước. Giới thiệu một số hình ảnh, tư liệu về thúng chai, phương ngữ chuyên dùng xoay quanh chiếc thúng chai; quá trình bảo tồn những tư liệu vật thể và phi vật thể liên quan đến thúng chai.

Ra mắt sách “Thúng chai ở Hội An” - Anh 2

Thị phạm động tác đi câu mực bằng phương tiện thúng chai

Nhân buổi ra mắt ấn phẩm, các đại biểu, các tác giả cũng đã trao đổi, giao lưu về giá trị lịch sử -văn hóa của thúng chai; những vấn đề liên quan đến quá trình biên soạn, in ấn. Qua đó, trao đổi bổ khuyết thông tin về giá trị lịch sử - văn hóa của thúng chai, góp phần giúp công chúng và cộng đồng thấy được tính kết nối, sáng tạo và phát triển của loại phương tiện này.
Thúng chai là một từ địa phương được dùng phổ biến ở Hội An nói riêng và từ miền Trung trở vào Nam nói chung để chỉ một loại phương tiện đi lại, đánh bắt thuỷ hải sản trên sông biển đa ưu điểm, đa công dụng. Hiện có nhiều ý kiến, lý giải về nguồn gốc, lịch sử ra đời của thúng chai, tuy nhiên có thể nói rằng thúng chai là một phương tiện, công cụ đi lại, đánh bắt sông biển lâu đời của Hội An, xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong, Việt Nam nói chung. Đó là phương tiện hình tròn như chiếc thúng, đan bằng tre, mây, trét bằng chai phà, dầu rái, phân trâu bò, ra đời để đáp ứng nhu cầu đi lại đường thuỷ trước hết ở ven sông rạch, bàu đầm sau đó là ở biển đảo cũng như nhu cầu đánh bắt thuỷ hải sản mang tính cá nhân, gia đình. Đây là một phương tiện, công cụ sông biển độc đáo, riêng có thể hiện sự thông minh, sáng tạo, kỹ năng đan khéo léo cũng như khả năng thích ứng nhanh với môi trường sông nước, biển đảo và truyền thống đi sông, đi biển của người Việt.

Ra mắt sách “Thúng chai ở Hội An” - Anh 3

Tham quan rừng dừa Bảy Mẫu trên phương tiện thúng chai

Thời gian gần đây, thúng chai đã có thêm một công dụng mới khi được sử dụng để phục vụ các hoạt động du lịch liên quan đến sông nước. Ở Cù Lao Chàm, An Bàng, Phước Trạch, Cẩm Thanh, Cẩm Châu của thành phố Hội An, thúng chai trở thành phương tiện để đưa du khách trải nghiệm các hoạt động đời sống sông nước cùng ngư dân địa phương. Biểu diễn lắc thúng chai tại Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh đã trở thành một sản phẩm đặc trưng của điểm đến này. Tại Cẩm Thanh, hiện có 50 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, có  1.393 thúng chai, trong đó có 1.280 thúng đang hoạt động phục vụ khách tham quan  di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu.

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc