Nâng cao vai trò của công nhân lao động trong bảo vệ môi trường

VHO - Mỗi người lao động là nhân tố quan trọng trong việc biến rác thành vàng, để đạt được các mục tiêu trong bảo vệ môi trường thì công nhân, người lao động là yếu tố then chốt.

Ngày 29.3, Tổng LĐLĐ Việt Nam, báo Lao động đã tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường năm 2023 với sự tham gia của đại diện Công đoàn các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động. 

Nâng cao vai trò của công nhân lao động trong bảo vệ môi trường - Anh 1

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng biên tập báo Lao Động phát biểu tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết, tại Hội nghị COP 26, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.

Do vậy, diễn đàn được tổ chức với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường; đồng thời nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các Công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.

“Mỗi người lao động là nhân tố quan trọng trong việc biến rác thành vàng, để đạt được các mục tiêu trong bảo vệ môi trường thì công nhân, người lao động là yếu tố then chốt. Diễn đàn cũng là cơ hội để các bên đóng góp và tôn vinh các sáng kiến nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường.”, ông Nguyễn Đức Thành cho hay.

Nâng cao vai trò của công nhân lao động trong bảo vệ môi trường - Anh 2

Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Urenco Hà Nội chia sẻ những khó khăn khi thu gom rác

Một trong những nội dung được đề cập nhiều nhất tại diễn đàn là vấn đề rác thải  nhựa. Ông Dương Trung Thành , Chủ tịch Công đoàn Bộ TN-MT cho rằng, với tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội thì vấn đề ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, việc sử dụng vô trách nhiệm cũng như việc xả rác các sản phẩm nhựa đã biến hành tinh này thành “hành tinh nhựa”. Nó không chỉ làm ô nhiễm hệ sinh thái trên cạn mà còn làm ô nhiễm đại dương của chúng ta.

Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100.000 động vật biển bị chết vì rác thải nhựa mỗi năm. Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và được dự báo tới 1.124 triệu tấn nhựa vào năm 2050. Rác thải nhựa đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động dân sinh.

Việt Nam cũng đang chịu nhiều tác động về vấn đề rác thải nhựa. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành nhiều văn bản nhằm mục tiêu hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, tăng cường quản lý chất thải nhựa…

Liên quan đến việc thu gom rác thải nhựa, bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, một phần do nhận thức của người dân nên đa số rác thải chưa được phân loại trước khi thu gom; lực lượng thu gom đa số là hoạt động tự phát, phân tán; rác thải nhựa cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu kho…

Nâng cao vai trò của công nhân lao động trong bảo vệ môi trường - Anh 3

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều công nhân, lao động tại các doanh nghiệp

“Hiện Urenco thực hiện chương trình thu gom rác tái chế đối với công nhân. Chương trình đang thí điểm tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. Kết quả bước đầu đã hình thành ngành tái chế thành 1 ngành trọng điểm. Do đó, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phân loại rác và cần phải có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững”, bà Hoàng Thị Bích Hạnh cho hay.

Để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân, người lao động về bảo vệ môi trường, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai các kế hoạch tuyên truyền, phát động phong trào thi đua để hoạt động được thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, các giải pháp thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường được triển khai tại các công đoàn cơ sở nên ý thức, hành vi của người lao động đã dần được thay đổi, tạo nên những chuyển biến tích cực, hình thành thói quen tốt không chỉ tại nơi sản xuất mà còn được áp dụng tại nơi cư trú, trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết người lao động đã biết nhận diện loại rác thải nguy hại trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như giẻ lau dầu máy, bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, mực in thải, bao bì dính và có chứa các thành phần nguy hại, chất thải từ quá trình hồ vải có dung môi hữu cơ... để phân loại, thu gom và xử lý theo quy định. Nhiều người lao động đã có ý thức giảm đồ nhựa dùng một lần (nước đóng chai) bằng cách sử dụng bình nước cá nhân khi làm việc, thay thế các vật dụng thân thiện môi trường trong sinh hoạt (sử dụng hộp giấy thay túi nilon), tham gia các chương trình gom pin, đổi pin đã qua sử dụng do các tổ chức tại địa phương, nơi cư trú phát động...

QUỲNH HOA

 

Ý kiến bạn đọc