Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 1: Du lịch văn hóa, sinh thái là điểm nhấn

VHO - Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là trung tâm du lịch và văn hóa - sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch. Trong đó, cần chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học rừng, đề xuất phát triển hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện.

Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 1: Du lịch văn hóa, sinh thái là điểm nhấn - Anh 1

Khánh Vĩnh sẽ trở thành trung tâm du lịch -văn hóa 

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Khánh Vĩnh là huyện miền núi của Khánh Hòa, cách TP Nha Trang khoảng 35km về hướng tây. Phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa và tỉnh Đắk Lắk, phía Nam giáp huyện Khánh Sơn và tỉnh Ninh Thuận, phía Tây là tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp huyện Diên Khánh. Khánh Vĩnh nằm giữa 2 trung tâm du lịch lớn là Nha Trang và Đà Lạt nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Địa phương có thế mạnh về rừng - thác - suối, khí hậu khá ôn hòa, mát mẻ, các loài động, thực vật đa dạng, phong phú, phù hợp với loại hình du lịch cảnh quan, thiên nhiên; nhiều địa danh lịch sử, truyền thống cách mạng… Từ đó đã hình thành các địa điểm du lịch tuyệt đẹp như: Thác Bầu - Suối Mấu; Suối  đá Hòn Giao; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Lách; Thác Edu (thác Yangly); Đèo Hòn Giao...

Ngoài ra, Khánh Vĩnh có tới 28 đồng bào DTTS (chiếm 73,8% dân số), chủ yếu là Raglai và T’rin tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và đặc sắc. Đáng chú ý nhất Khánh Vĩnh có sự đa dạng về lễ hội như: Lễ cưới của đồng bào T’rin; lễ ăn mừng lúa bắp mới; lễ mừng nhà mới; lễ bỏ mả của dân tộc Raglai, Ê đê; hội tung còn của dân tộc Tày; lễ đền ơn đáp nghĩa của đồng bào Raglai…

Đồng bào các DTTS huyện Khánh Vĩnh còn có những tiết mục hát Arai (đồng bào Ê Đê), hát Ma diêng, múa cong tua, đánh mã la (đồng bào Raglai), hát Xú ri (đồng bào T’rin), hát then (đồng bào Tày) và hòa tấu, độc tấu các nhạc cụ cồng chiêng, đinh năm, đinh chót… Những nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống đó là những “báu vât” vô giá, có thể hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách trong nước, quốc tế.

Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 1: Du lịch văn hóa, sinh thái là điểm nhấn - Anh 2

Biểu diễn phục vụ du khách

Hiện nay, UBND huyện đã xây dựng và triển khai Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025.  

Đề án tập trung khảo sát, sưu tầm tư liệu văn hóa truyền thống các dân tộc; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống; bồi dưỡng chuyên môn, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho công chức xã, nghệ nhân; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian; hỗ trợ đầu tư điểm du lịch tiêu biểu...

Du lịch văn hóa, sinh thái là điểm nhấn

Bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Thời gian qua, địa phương đang tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái là điểm nhấn dựa trên các thế mạnh của huyện; xây dựng các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, bền vững; tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại, tăng cường liên kết du lịch với bên ngoài...

Huyện đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành du lịch gồm: Giải pháp về quản lý, quy hoạch; đồng bộ chính sách và thu hút đầu tư; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phát triển khu, điểm vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại; phát triển nhân lực du lịch; tăng cường quảng bá, tuyên truyền về du lịch, dịch vụ; bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng Khánh Vĩnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, huyện Khánh Vĩnh được quy hoạch với tổng diện tích hơn 116.600 ha và xác định trở thành vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, vùng phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, vùng sinh thái... theo hướng cân bằng và bền vững.

Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 1: Du lịch văn hóa, sinh thái là điểm nhấn - Anh 3

Đông đảo du khách thích thú các nhạc cụ đồng bào Raglai

Hệ thống đô thị của huyện phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng, chú trọng hình thành các đô thị có mật độ cây xanh sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và hệ thống rừng đặc trưng. Quy hoạch hướng đến đưa huyện Khánh Vĩnh là trung tâm du lịch và văn hóa - sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch.

Trong đó, cần bảo tồn đa dạng sinh học rừng; đề xuất phát triển hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện. Dự báo đến năm 2030, dân số huyện Khánh Vĩnh đạt khoảng 65.940 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 18,2%. Đến năm 2050, dân số đạt khoảng 94.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 22,3%. Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 200 - 300 ha và đến năm 2050 khoảng 350 - 525 ha.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc