Kể chuyện di sản theo cách đương đại: Khơi gợi nét đẹp nghệ thuật Việt

VHO - Các sản phẩm, dịch vụ gắn với di sản văn hóa đang ngày càng hấp dẫn những người trẻ có các hoạt động, dự án sáng tạo nhằm thu hút công chúng và dần thể hiện vai trò tích cực trong ngành công nghiệp văn hóa.

Kể chuyện di sản theo cách đương đại: Khơi gợi nét đẹp nghệ thuật Việt - Anh 1

Di sản văn hóa đã trở thành cảm hứng cho sáng tạo đương đại Ảnh: ITN

Tìm hiểu, gìn giữ và quảng bá nghệ thuật truyền thống

Dịp đầu xuân Giáp Thìn này, Trung tâm xúc tiến, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) tổ chức các buổi diễn giới thiệu nghệ thuật Xẩm, nằm trong chương trình Xẩm show: Tonkin Stories. “Vẫn là câu chuyện một thời Bắc Kỳ vui nhất Hà thành quen thuộc, show khai xuân Tonkin Stories đưa người xem đến ký ức về quá trình hành nghề từ nông thôn đến thành thị của người hát xẩm. Một lát cắt nhỏ trong khoảng chưa đầy nửa thế kỷ, nhưng chứa đựng bước ngoặt lớn, tạo nên một thời kỳ phát triển đỉnh cao của một loại hình xướng tích gần gũi đại chúng”, Giám đốc điều hành VICH Nguyễn Thị Lệ Quyên chia sẻ.

Tonkin Stories giúp công chúng thưởng Xẩm và học cách thưởng Xẩm với những làn điệu thú vị, tiêu biểu và đặc trưng nhất, trong bối cảnh giao thời, giao thoa nền văn hóa Đông - Tây, cũ - mới của Bắc Kỳ Việt Nam thời Pháp thuộc những năm 1930. Đặc biệt, chương trình đón xuân lấy bối cảnh Tết Nguyên đán, mà ở đó, Xẩm như một món ăn tinh thần không thể thiếu trên phố phường đông đúc. Hát Xẩm không chỉ bắt nhịp xu hướng, phản ánh chân thực những đổi thay của xã hội thời bấy giờ, mà còn tiếp tục lan tỏa những bài ca cổ truyền, những thông điệp và câu chuyện nhân văn, ý nghĩa.

Ngoài nghệ thuật Xẩm, Trung tâm xúc tiến, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam cũng có nhiều chương trình nghệ thuật sử dụng chất liệu di sản, hướng đến nhiều đối tượng khán giả thụ hưởng tại Hà Nội như Chèo, Tuồng… Trong mỗi chương trình, ngoài nội dung đi theo yếu tố bối cảnh, những người thực hiện còn cố gắng tạo đa trải nghiệm cho khán giả, như nhìn, chạm, kết nối ẩm thực, mùi hương để “đánh thức” giác quan với các nguyên liệu liên quan đến nội dung khai thác, tạo cảm nhận chung về loại hình nghệ thuật và buổi diễn…

Các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội, hát ru, hò, lý… cũng đã được các thành viên của nhóm Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish tìm hiểu, gìn giữ và quảng bá. Đây là dự án của những người trẻ với các hoạt động nhằm khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả đương đại thông qua chuyện kể, workshop, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng. Với cách tiếp cận đa diện các lĩnh vực như giáo dục, nghệ thuật thị giác, âm nhạc, lịch sử, văn hóa, thể thao, ẩm thực, biểu diễn..., các hoạt động của Hiếu Văn Ngư luôn chạm đến trái tim người tham dự. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như Hát bội 101, Phong hoa ca vịnh, các chương trình giáo dục theo lối kể chuyện nhập vai…

Kể chuyện di sản theo cách đương đại: Khơi gợi nét đẹp nghệ thuật Việt - Anh 2

Tạo sức hút từ di sản

Không chỉ với các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều giá trị văn hóa di sản của cha ông, trong đó có nghề thủ công, đã trở thành cảm hứng cho các nghệ sĩ đưa tới các sản phẩm phục vụ công chúng đương đại.

Thời gian qua, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (thôn 5, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) trở thành điểm đến thú vị của nhiều du khách bởi lối kiến trúc độc đáo cùng những giá trị văn hóa đặc sắc. Trên diện tích 3.300 mét vuông, nổi bật là tòa nhà có kiến trúc độc đáo được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống, giao thoa, nhào nặn với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do. Với 7 trụ xoay, kích thước và kiểu dáng không giống nhau tạo nên sự khác biệt rất riêng như chính sản phẩm của nghề thủ công truyền thống …

Công trình được thiết kế với hai chức năng chính là trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng và các sản phẩm tinh hoa của Làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác của cả nước. Bên cạnh đó còn có các khu chức năng dành cho hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch như phòng lưu trú, nhà hàng; nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; khu trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm như vuốt nặn, đổ rót, vẽ...

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, tòa nhà Bảo tàng gốm được xây dựng để công chúng hình dung người Bát Tràng làm gốm trên bàn xoay ra sao. Bên cạnh đó, mượn câu chuyện bàn xoay truyền thống đã có hàng ngàn năm, những người thực hiện có thể kể câu chuyện về di sản theo cách đương đại, tạo sức hút với công chúng hiện nay.

“Năm vừa qua, Trung tâm đón hơn 200.000 du khách tham quan. Mỗi du khách đều là nhân tố truyền thông, chuyên gia maketing vì mọi người đến tham quan đều đưa hình ảnh của tòa nhà độc đáo lên trang cá nhân, qua đó có thể tiếp cận nhiều người hơn”, ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ về thành công của một trong những cách thể hiện mới, đánh thức di sản.

Bên cạnh nghề gốm, Việt Nam còn có rất nhiều di sản hàng ngàn năm, vấn đề là làm sao để có cách kể mới, tạo cảm hứng cho du khách. Trong xu hướng khởi nghiệp hiện nay, nhiều bạn trẻ tham gia và có xu hướng quay về làm mới giá trị truyền thống. Theo ông Nguyễn Trung Thành: “Trong nền tảng số rất phát triển, rút ngắn khoảng cách trong và ngoài nước, chỉ có thứ chúng ta không bị lẫn là văn hóa Việt, và giá trị đặc trưng được lưu giữ nhiều nhất là từ các làng nghề, với khoảng 5.000 làng nghề trên toàn quốc. Nói đến làng nghề là nghĩ đến nghệ nhân, sản phẩm, dịch vụ, có thể hướng tới mô hình kinh doanh mới dựa trên cảm hứng văn hóa truyền thống”…

Có thể thấy, thời gian qua đã có khá nhiều dự án từ văn hóa đã kết hợp sự sáng tạo hiện đại với giữ gìn di sản thuộc nhiều loại hình để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, thu hút cả người tiêu dùng nội địa lẫn quốc tế. Điều này không chỉ giúp duy trì và phát triển di sản văn hóa mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh bền vững với các sản phẩm mang đậm bản sắc.

TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc