“Quả ngọt” từ công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Nghĩa Hành

VHO - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, dự án thuộc chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó tạo điều kiện để người nghèo cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Quả ngọt” từ công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Nghĩa Hành - Anh 1

Tặng quà từ mô hình “Chung sức giúp đỡ, chăm sóc hộ nghèo, người già neo đơn” của Mặt trận xã Hành Đức

Học Bác chăm lo cho người nghèo

Thời gian qua, triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ xã Hành Đức xác định việc chăm lo cho người nghèo, đối tượng yếu thế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã cụ thể hóa bằng những phần việc thiết thực, qua đó góp phần lan tỏa nhiều việc làm ý nghĩa cho cuộc sống. Năm 2018, Mặt trận xã xây dựng mô hình “Chung sức giúp đỡ, chăm sóc hộ nghèo, người già neo đơn”. Đến nay, mô hình đã lan tỏa sâu rộng không chỉ ở địa phương mà được sự ủng hộ của con em xã nhà sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hành Đức Phạm Cung cho biết, từ nguồn kinh phí đóng góp qua mô hình, Mặt trận xã xét chọn, kịp thời hỗ trợ, tặng quà, kinh phí học tập, chữa bệnh, phương tiện đi học, máy tính cho hộ nghèo, hộ khó khăn, học sinh nghèo, người già neo đơn, suất cơm nghĩa tình cho bệnh nhân nghèo… với số tiền trên 500 triệu đồng. Hỗ trợ xây mới, sửa chữa 15 ngôi nhà, kinh phí trên 500 triệu đồng. Phối hợp thực hiện chương trình Kết nối những tấm lòng cho 4 trường hợp trao số tiền gần 120 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phấn (68 tuổi) thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức là hộ nghèo neo đơn. Bà Phấn được địa phương quan tâm, chăm sóc thường xuyên. Bà bày tỏ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống rất khó khăn. Trước đây, sống trong căn nhà tạm bợ, bị xuống cấp. Được Mặt trận cấp trên hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới ngôi nhà vững chãi, còn đến tặng quà và động viên trong cuộc sống. Tôi cảm thấy biết ơn và ấm lòng”.

Với tính nhân văn của mô hình, mô hình đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen về có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 05, ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị, giai đoạn 2017 – 2019.

“Quả ngọt” từ công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Nghĩa Hành - Anh 2

Mô hình chổi đót của gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn mang lại hiệu quả kinh tế

Điểm sáng giảm nghèo

Làng nghề chổi đót ở thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận có 150 hộ, mỗi tháng cung cấp ra thị trường cả nước trên 225 nghìn cây chổi đót, Giải quyết việc làm thường xuyên trên 200 lao động, mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/ tháng/lao động.  Trong số này có 26 hộ sản phẩm chổi đót được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn (53 tuổi) đã có 3 đời làm chổi đót, riêng bản thân bà gắn bó với nghề 30 năm. Bà Nhạn cho hay, năm 2021 bà vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, lúc này đối với gia đình số tiền này rất lớn. Nhờ trợ lực đúng lúc gia đình bà mạnh dạn chuyển sang làm mô hình kinh tế tổng hợp. Mua đót khô về trữ, mua thêm trâu, bò, heo giống để nuôi theo hình thức gối đầu mang lại hiệu qủa kinh tế cao như ngày hôm nay. Thời điểm này mô hình của bà Nhạn bán cho đại lý 1.500 cây chổi đót/tháng, 15 con heo lai sinh sản đẻ bán giống, 6 con trâu, bò/lứa.

“Bản thân cũng như những hộ trong làng nghề đều nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã cây chổi để nâng sản phẩm chổi đót Hành Thuận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Nghề làm chổi đót tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi người làm chổi phải cần cù, khéo léo, cẩn thận để cho ra sản phẩm đạt chuẩn. Với bà con ở đây, từ người già cho đến trẻ nhỏ, những ai sinh ra từ làng quê này đều biết làm chổi đót”, bà Nhạn nói.

Xã Hành Thuận là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Địa phương chú trọng, ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, làng nghề để mang lại thu nhập cao cho người dân. Đồng thời, xét chọn những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có quỹ đất, có sức lao động để hỗ trợ vốn sản xuất, vốn giải quyết việc làm. Ông Nguyễn Hữu Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận cho biết, địa phương tập trung thực hiện tốt các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, 2023 về hỗ trợ gà giống nuôi theo hình thức thả vườn cho 20 hộ, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm bền vững, nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo.

Tổng giá trị sản xuất năm 2023 của xã đạt gần 517 tỷ, đạt 100,17% so với kế hoạch, tăng so với cùng kỳ 9,67%. Có 1.938 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, tỷ lệ 95,42%. Số hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 41 hộ, chiếm tỷ lệ 1,83%; hộ cận nghèo 72 hộ, chiếm tỷ lệ 3,22%.

“Quả ngọt” từ công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Nghĩa Hành - Anh 3

 Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Ảnh Đoàn Vương Quốc

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn, tại huyện Nghĩa Hành 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 95%. 92,8% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 90,5% nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khoảng 92% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông…

“Quả ngọt” từ công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Nghĩa Hành - Anh 4

 Chăm lo, tặng quà cho người nghèo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, 2023 huyện đã thực hiện đạt kết quả dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm còn 834 hộ, chiếm tỷ lệ 3,20%. Hộ cận nghèo giảm còn 1.483 hộ, chiếm tỷ lệ 5,68%. Tổng dư nợ nguồn vốn vay ưu đãi tại Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành đến cuối năm 2023 đạt 378 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 15,2%.

Năm 2023, các cấp MTTQ Việt Nam ở huyện huy động, trích gần 1 tỷ đồng hỗ trợ xây mới 3 nhà, sửa chữa 5 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ sản xuất 22 trường hợp; hỗ trợ chữa bệnh 53 trường hợp; hỗ trợ học sinh nghèo 165 hỗ trợ học bổng; hỗ trợ khó khăn đột xuất 53 trường hợp; tặng gần 1.800 suất quà dịp lễ, tết. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp nhận và phân bổ xây mới 34 nhà đại đoàn kết với số tiền trên 1,7 tỷ đồng; tổ chức vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội với tiền trên 3,6 tỷ đồng để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, giúp khám chữa bệnh, tặng quà tết cho người nghèo....

“Qủa ngọt” mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghĩa Hành đạt được là động lực tiếp tục thực hiện những mục tiêu mới trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Gắn thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc