Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017: Nhiều biến tướng, tiêu cực đã được "dọn dẹp"

VH- Trong tiết trời đổ lửa, hơn hai vạn du khách đến vòng chung kết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn từ đầu đến cuối vẫn không rời khán đài để cổ vũ cho những kháp đấu hấp dẫn, kịch tính. Diễn ra sáng 28.9 (9.8 âm lịch) tại SVĐ trung tâm quận Đồ Sơn , vòng chung kết không chỉ là những màn tranh tài mãn nhãn, quyết liệt mà còn được ghi nhận về những chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý và tổ chức.

Mãn nhãn và an toàn
Chứng kiến đủ 17 kháp đấu (gồm hai kháp bị tạm dừng ở vòng loại vì sự cố) với sự tham gia của 18 ông trâu, dễ cảm nhận được vì sao người Đồ Sơn lại yêu lễ hội này đến thế. Từ sáng sớm, những nẻo đường bao quanh SVĐ quận Đồ Sơn đã ngập người. Người dân và du khách nhớ lời hẹn “9.8 âm lịch chọi trâu thì về”. Năm nay, BTC phát hành 12.000 vé với mức giá 150.000 đồng/vé; cùng với 2.500 giấy mời phục vụ vòng chung kết.
Những khán đài chật cứng. Nắng, nóng. Không sao cả. Lẽ của tinh thần thượng võ và niềm yêu quý lễ hội truyền thống này đã giữ chân cùng sự hào hứng của du khách đến hết các kháp đấu. Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng BTC lễ hội chia sẻ, yếu tố truyền thống chính là sức mạnh tinh thần khiến cho lễ hội luôn là một phần tất yếu trong cuộc sống của người dân miền biển Đồ Sơn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017: Nhiều biến tướng, tiêu cực đã được

Kháp đấu chung kết diễn ra kịch tính


Khẳng định sẽ tổ chức một lễ hội an toàn và văn minh, đúng như cam kết trước lãnh đạo Bộ VHTTDL đã được thực hiện nghiêm túc. Để bảo đảm an toàn, sân thi đấu đã được thu gọn kích thước từ 45x90 m xuống còn 30x60 m; gia cố thêm hàng rào gỗ bảo vệ, đường thoát trâu cũng được dựng thêm khung sắt và lốp cao su, bảo đảm tách biệt với các khu vực khác.
Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) khẳng định, việc BTC lễ hội thu gọn kích thước sân thi đấu không chỉ đảm bảo an toàn cho người xem mà còn là giải pháp nhằm hạn chế những màn sát thương mạnh, tạo cảm giác dã man khi các cặp trâu lao vào nhau. Ông Nguyễn Công Trung lưu ý, UBND quận Đồ Sơn và BTC lễ hội cần tiếp tục điều chỉnh cách thức tổ chức, trong đó số một luôn là sự an toàn, văn minh, thể hiện nét đẹp và tinh thần thượng võ của di sản.
Chặt chẽ, sát sao khi điều hành các trận đấu, trọng tài liên tục nhắc nhở người xem và các chủ trâu thực hiện quy chế tổ chức lễ hội. Nét mới được bổ sung vào quy chế sau sự cố đáng tiếc ở vòng loại cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các chủ trâu.
Theo đó, chủ trâu sẽ bị cấm vĩnh viễn mọi hoạt động liên quan đến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nếu cố tình không mặc trang phục lễ hội; không vào vị trí an toàn trên sân theo quy định; có hành vi gây mất an ninh, trật tự trên sân. Ngoài ra, chủ trâu nếu có hành động, lời nói thiếu văn hóa, đe dọa người làm nhiệm vụ hoặc chủ trâu khác; tổ chức, tham gia các hành vi cá độ liên quan đến lễ hội; đưa thịt trâu không phải là trâu chọi tham gia lễ hội vào khu vực giết mổ tập trung… đều là những hành vi bị nghiêm cấm.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017: Nhiều biến tướng, tiêu cực đã được

 Nắng nóng nhưng khán giả vẫn ngồi kín các khán đài đến phút cuối


Bởi thế, cùng với sự mãn nhãn từ những kháp đấu dũng mãnh, uy lực và kịch tính, du khách đến lễ hội năm nay cũng hài lòng với một cách thức tổ chức khá chuyên nghiệp, bài bản. Ông Lê Xuân Sơn, một người dân Hải Phòng cho biết, dù công tác tại Hà Nội nhưng lâu nay, không một năm nào ông vắng mặt trên khán đài đặc biệt này. Ngoài tinh thần thượng võ, nhiều nghi lễ truyền thống cũng là những giá trị tinh thần vĩnh cửu, tồn tại trong tiềm thức của người dân miền biển.
Thịt trâu được “quây” ở khu vực riêng
BTC lễ hội chọi trâu cũng đẩy mạnh khâu tuyên truyền về các nghi lễ truyền thống. Theo đó, quy định các chủ trâu phải thực hiện đầy đủ những nghi lễ như lễ trình Thành Hoàng; lễ dâng hương tại đình; rước trâu tới đình làm lễ trình; lễ tế thần của chủ các trâu đoạt giải nhất, nhì, ba; lễ hiến sinh...
Ông Vũ Đình Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Đồ Sơn cho hay, năm nay, BTC đã bổ sung quy định: “Trâu tham gia lễ hội phải thuần theo sự chăm sóc, huấn luyện của chủ, không có biểu hiện bất thường, hung dữ, tấn công người”. Ông Đỗ Văn Viết, Trưởng phòng Du lịch, Văn hóa & Thông tin quận cho biết thêm, để thực hiện quy định này, BTC lễ hội đã kiểm tra gắt gao các trâu tham gia chung kết, kiên quyết loại bỏ những trâu có biểu hiện bất thường. Theo kết quả kiểm tra, 18 trâu đều đủ tiêu chuẩn tham gia lễ hội. Ngoài ra, BTC cũng đã bố trí lực lượng bắt trâu gồm 5 người; tổ chức tập huấn bài bản, chặt chẽ.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017: Nhiều biến tướng, tiêu cực đã được

 Trước đó, chiều 27.9, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL đã đi kiểm tra thực địa


Nhiều biện pháp thắt chặt an ninh, khắc phục biến tướng tiêu cực là nạn cá cược, cờ bạc trá hình cũng đã được Công an quận liên tục triển khai. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung đánh giá, giải quyết triệt để vấn nạn này là khó, tuy nhiên, địa phương cần tiếp tục đề xuất giải pháp mạnh để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động biến tướng này.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL nhấn mạnh việc tăng cường giải pháp quản lý việc giết mổ và bán thịt trâu chọi. Theo ông Phúc, lãnh đạo Bộ VHTTDL và dư luận đặc biệt quan tâm đến nội hàm ở di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này. Những tiêu cực như trà trộn thịt trâu từ nơi khác, bày bán tràn lan, không khoanh khu vực cố định, thịt trâu bán giá cao… trước đây đã tạo nên sự phản cảm. “Lợi dụng giá trị truyền thống lễ hội để trục lợi là tiêu cực mà Bộ VHTTDL luôn yêu cầu các địa phương sớm có giải pháp khắc phục. Ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, việc trà trộn trâu ở nơi khác để bán giá cao cho du khách chính là bán hàng giả, là biến tướng tiêu cực và phải loại bỏ”, Phó Chánh thanh tra nhấn mạnh.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017: Nhiều biến tướng, tiêu cực đã được

 Thịt trâu được bán tại khu vực riêng giá khá cao


BTC lễ hội cho biết, năm nay đã quy định rõ khu vực giết mổ, bán thịt trâu chọi; đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ trâu bán trên vỉa hè, trà trộn thịt trâu từ nơi khác đưa đến. Tổ công tác quản lý việc giết mổ và bán thịt trâu chọi cũng tiến hành kiểm tra thường xuyên từ 7h00 ngày 27.9 đến khi kết thúc lễ hội.
Khoảng 10h sáng, khu vực bán thịt trâu bắt đầu hoạt động. Giá bán cao, dao động từ 1- 1,5 đến 2 triệu đồng cho một kg thịt trâu tham gia vòng loại, tuy nhiên vẫn thu hút khá đông người dân và du khách mua. Kết thúc các vòng thi đấu là lúc khu vực bán thịt trâu hoạt động sôi nổi. “Đây là hoạt động truyền thống của lễ hội. Nhưng năm nay có đổi mới về công tác tổ chức, thắt chặt an ninh hơn. Quận đã chỉ đạo đánh số từng trâu tham gia chọi, đánh số từng bàn bán thịt trâu, thậm chí còn cho in túi có dán tem để xác định số lượng trâu tham gia thi đấu và được giết thịt, tránh trà trộn và đảm bảo yếu tố văn minh cho lễ hội…”, ông Vũ Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho hay.
Ghi nhận những chuyển biến tích cực, Phó Chánh Thanh tra Phạm Xuân Phúc khẳng định, BTC lễ hội đã cố gắng thực hiện các giải pháp đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Những năm tiếp theo, UBND quận và BTC lễ hội cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chặt chẽ, khoa học; trong đó chú trọng nội dung thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; thực hiện các hình thức phù hợp trong lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.


Phương Anh

Ý kiến bạn đọc