Trung Quốc:

Bùng nổ “góc mai mối” để tăng dân số

THÁI AN

VHO - Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc suy giảm trong hơn 60 năm qua. Chính quyền nhiều địa phương ủng hộ các hoạt động mai mối bùng nổ ở quốc gia này.

 Bùng nổ “góc mai mối” để tăng dân số - ảnh 1

Hàng triệu người tham gia chương trình “Bà Vương nói chuyện mai mối” Ảnh: WEIBO

 Dân số Trung Quốc sụt giảm năm thứ hai liên tiếp khi tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, tiềm ẩn thách thức lớn về nhân khẩu học. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cuối năm 2023, Trung Quốc có 1,409 tỉ người, giảm khoảng hai triệu người so với mốc cuối năm 2022. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm qua cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mốc 6,77 năm 2022. Trung Quốc năm ngoái có 9,02 triệu trẻ sơ sinh ra đời, giảm so với 9,56 triệu trẻ năm 2022.

Giảm dân số sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, Trung Quốc đang tiến hành nhiều biện pháp để kích thích tăng trưởng dân số và một trong số đó là phát triển những hoạt động mai mối. Các hoạt động mai mối ở Trung Quốc ngày nay không chỉ là các khu chợ dành riêng cho việc này mà còn là các đại hội, các app mai mối. Ở một số địa phương ở quốc gia tỉ dân này, người ta còn lập ra các hiệp hội mai mối và xem xét việc cấp giấy chứng nhận hành nghề cho những người làm mối.

Nổi bật trong những hoạt động mai mối này là chương trình truyền hình “Bà Vương nói chuyện mai mối” được tổ chức tại Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Dù mới được tổ chức từ đầu tháng 3 nhưng đến nay, sự kiện này đã thu hút được 6 tỉ lượt xem trực tuyến và hàng nghìn người tham gia trực tiếp ở mỗi sự kiện. Tại đại hội này, một phụ nữ lớn tuổi mặc trang phục truyền thống trong vai bà Vương sẽ mời những nam nữ độc thân tham gia và kết đôi với nhau.

Triệu Mai, một trong các “bà Vương” tiết lộ có khoảng 40-50 cặp đôi kết hôn mỗi năm sau khi “tìm thấy nhau” tại chương trình mai mối tập thể này. Đây quả thực là con số ấn tượng nếu so với những trung tâm mai mối chuyên nghiệp tại Trung Quốc.

Nhu cầu về một “góc mai mối” ở các thành phố của người dân cũng ngày càng tăng cao. Theo báo cáo của The Paper, năm ngoái nhiều cư dân mạng từ các khu vực như Bắc Kinh, Urumchi ở Tân Cương, Diên An ở Thiểm Tây, Cao Bình ở Sơn Tây... đã kêu gọi nhà chức trách thành lập các góc mai mối ở các công viên địa phương.

Trong bối cảnh lo ngại về tỷ lệ kết hôn và sinh sản giảm, những yêu cầu tạo ra nhiều góc mai mối trên khắp đất nước đã nhận được sự ủng hộ chính thức. Trong một văn bản về việc mở góc mai mối từ thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy, chính quyền địa phương cho biết việc đăng ký kết hôn ở địa phương liên tục giảm trong những năm gần đây đã tạo ra xung đột trong các gia đình. Việc bố mẹ bắt ép con cái phải hẹn hò và kết hôn cũng là một nguyên nhân khiến mối quan hệ của họ căng thẳng hơn, vì vậy việc thành lập một khu vực để giới trẻ giao lưu kết bạn là rất cần thiết.

“Góc mai mối” ở Trung Quốc được trang bị chỗ ngồi để tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện. Những nơi như vậy thường có trong công viên hoặc các địa điểm tương tự ở các thành phố lớn. Tại đây, các bậc phụ huynh treo áp phích chứa thông tin cá nhân của con mình, bao gồm thu nhập và thông tin liên hệ để giúp con tìm được bạn đời phù hợp. Những “góc mai mối” xuất hiện lần đầu tiên ở Bắc Kinh vào năm 2004 và sau đó lan tới Thượng Hải, Trùng Khánh, Quảng Châu và nhiều địa phương khác. Địa điểm này là lựa chọn phổ biến của những người trẻ muốn gặp gỡ bạn đời phù hợp mà không cần dựa vào bạn bè hay gia đình giới thiệu.

Các nền tảng mai mối trực tuyến cũng được chính quyền ủng hộ. Những nền tảng mai mối này không chỉ dành cho thế hệ trẻ mà còn dành cho cả phụ huynh. Tại Trung Quốc, các ứng dụng như Perfect In-Laws, Family-building Matchmaking, và Parents Matchmaking… đang được các bậc cha mẹ đăng ký sử dụng và tạo hồ sơ để quảng cáo con cái của họ với những người cầu hôn tiềm năng - đôi khi không có sự đồng ý của con cái. Family-building Matchmaking, thuộc sở hữu của công ty trò chơi Perfect World, công bố có hơn 2 triệu người dùng và đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 53.000 cuộc hôn nhân kể từ khi ra mắt vào năm 2020. Còn ứng dụng Parents Matchmaking, được thành lập bởi gã khổng lồ hẹn hò trực tuyến Zhenai.com vào năm 2021, cũng tự hào có hàng triệu người dùng.

Bộ Nội vụ Trung Quốc đã có kế hoạch thúc đẩy việc cấp chứng chỉ cho lĩnh vực mai mối hôn nhân trong năm nay, yêu cầu những người hành nghề phải có chứng chỉ từ các tổ chức hợp pháp và được công nhận trên toàn quốc, đảm bảo họ có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết.

Ý kiến bạn đọc