Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

PHIM CỔ TRANG TRUNG QUỐC BỊ “TỐ” SỬ DỤNG NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói gì?

Thứ Sáu 08/05/2020 | 14:43 GMT+7

 

VHO- Sau khi có nhiều ý kiến của dư luận cho rằng phim cổ trang Trung Quốc “Thịnh Đường Huyễn Dạ” có sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế trong một cảnh phim, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) cho biết đã có phiên thảo luận với các đơn vị, các nhà chuyên môn, nghệ sĩ; qua đó, thông tin đến báo chí một số nội dung liên quan. 

Theo đó, trong Mười bản Ngự (tên chữ Hán là Thập thủ liên hoàn) hay còn gọi là Mười bản TàuKim Tiền (bản số 7) và Long Hổ (bản số 9). Hai bản này được cho là đã sử dụng trong phim cổ trang Trung Quốc mang tên “Thịnh Đường Huyễn Dạ” (được chiếu trên VTV8).

 

Các nghệ sĩ, nhà chuyên môn lên tiếng

Sau khi nghe lại một cách kỹ lưỡng 2 đoạn nhạc trích từ phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” và đoạn nhạc trích xuất có nguồn gốc từ Việt Nam, NSƯT Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, nhận định rằng: Âm thanh đoạn nhạc trong phim hoàn toàn trùng khớp với âm thanh đoạn nhạc của dàn nhạc dân tộc Việt Nam (chưa xác định là của dàn nhạc ở địa phương nào). Đây không phải là âm thanh do dàn Nhã nhạc cung đình Huế trình tấu.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế biểu diễn Nhã nhạc tại một hội thảo quốc tế. Ảnh: S.Thùy

 

“Đó là 2 bản Kim tiềnLong Hổ được chắp nối, không phải là nguyên bản như trong Thập thủ liên hoàn thuộc Tiểu nhạc. Nhà hát chỉ trình tấu lần lượt, không cắt ngang, không chắp nối. Biên chế dàn nhạc không đúng, nghĩa là nhạc cụ không chuẩn mực. Tiếng trống trong phim là tiếng trống chiến, trong lúc tiếng trống trong Tiểu nhạc (cụ thể ở 2 bản Kim tiềnLong Hổ) mà Nhà hát trình tấu là trống bản. Hơn nữa, trong phim có tiếng đàn bầu, tiếng đàn tam thập lục, là những nhạc cụ không xuất hiện trong dàn Tiểu nhạc. Các nhà làm phim đã sử dụng 1 đoạn của bài Kim tiềnLong Hổ từ một đoạn của dàn nhạc dân tộc Việt Nam”- ông Hoàng Trọng Cương thông tin.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cho rằng: các đoàn nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam thường sử dụng chắp nối các bài bản để tạo ra bản hòa tấu trong khi trình diễn; cải biên các bài bản thông qua việc sử dụng, bổ sung các nhạc cụ không có trong cơ cấu, biên chế nguyên gốc của Nhã nhạc để tạo ra những “nét mới” trong hợp tấu. Ví dụ, trong Thập thủ liên hoàn, các đoàn truyền thống thường “xen” thêm bản Lưu thủy vào để hòa tấu, trong lúc mà Lưu thủy không thuộc Thập thủ liên hoàn.

“Đoạn nhạc trong phim đã dùng lại bản hòa tấu của dàn nhạc Việt Nam. Cả hai đoạn nhạc này đúng là Kim tiềnLong Hổ nhưng bị chắp nối cải biên, nhạc cụ sử dụng không đúng và khác lạ với nhạc cụ được sử dụng của dàn Tiểu nhạc trong lịch sử cũng như thực tế bảo tồn Nhã nhạc hiện nay ở Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Nhà hát phục dựng Nhã nhạc chú trọng tính nguyên gốc, nên không sử dụng các nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, trống chiến khi trình tấu Thập thủ liên hoàn. Do đó đoạn nhạc trong phim không phải là âm nhạc cung đình có xuất xứ từ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế”- NSND Bạch Hạc khẳng định.

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Khu di sản Hoàng cung Huế). Ảnh: S.Thùy

 

Nếu bị “xâm phạm”, phải đấu tranh bảo vệ

Theo TTBTDTCĐ Huế, Mười bản Ngự (Thập thủ liên hoàn) thường được gọi khá phổ biến là Mười bản Tàu, mà nguyên nhân tên gọi hiện chưa có ý kiến lý giải thỏa đáng. Hiện nay, việc thực hành trình diễn văn hóa phi vật thể đều được ứng dụng qua phương thức “truyền nghề, truyền ngón”, nên chưa có những nghiên cứu thật sự bài bản. Sự nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện vẫn còn quá nhiều bất cập.

Đến nay trong hệ thống bài bản cổ của Trung Quốc có bài “Thập thủ liên hoàn” hay không, khó có thể khẳng định. Bởi hiện nay, chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định là đã tiếp cận một cách toàn diện về hệ thống bài bản Nhã nhạc của Trung Quốc.  Nếu quả thực tiếp cận hết thì mới xác định được mức độ ảnh hưởng, có hay không việc đạo diễn Trung Quốc “lấy” Nhã nhạc cung đình Huế đưa vào phim của họ.

Do đó, vấn đề này cần có sự nghiên cứu cụ thể, bài bản. Cho đến nay, việc nghiên cứu về nguồn gốc của hệ thống bài bản của Nhã nhạc vẫn đang còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Vì tính chất “đồng văn” của các nước trong khu vực có nhiều điểm tương đồng mà nhiều khi tính phân định rạch ròi là khó có thể xác lập. Vì là phi vật thể nên có sự giao thoa, tiếp thu, cải biến nên cũng khó tránh khỏi những điểm gần nhau, giống nhau.

“Với chức năng là đơn vị quản lý, đây còn là vấn đề liên quan đến việc xâm phạm bản quyền và cũng liên quan đến vấn đề đối ngoại, do vậy chúng tôi cũng thận trọng khi xem xét vấn đề một cách toàn diện, nhất là khi chưa có được kết quả nghiên cứu toàn diện về hệ thống bài bản của Trung Quốc. Công việc này cần có sự nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, tạo cơ sở vững chắc để có thể phản đối hành vi xâm phạm bản quyền nếu có. Đây là điều hết sức cần thiết vì Nhã nhạc là “bản quyền của dân tộc”, nếu bị xâm phạm phải đấu tranh để bảo vệ”- TTBTDTCĐ Huế khẳng định.

Bài và ảnh: SƠN THÙY

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top