Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chiêm ngưỡng kiệt tác hội họa trăm năm tại triển lãm số "Hình ảnh và khoảng cách”

Thứ Tư 27/05/2020 | 10:40 GMT+7

VHO- Từ 31.5.2020, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng 16 kiệt tác của 2 danh họa nổi tiếng thế giới Gustav Klimt và Egon Schiele dưới dạng phiên bản số. Các tác phẩm đều được trưng bày lần đầu tiên tại Việt Nam trong khuôn khổ triển lãm “Hình ảnh và khoảng cách” tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA).

Triển lãm “Hình ảnh và khoảng cách: Các tác phẩm của Gustav Klimt và Egon Schiele trong thời kỳ biến chuyển” mang đến công chúng 16 sáng tác đỉnh cao của hai danh họa người Áo. Đây là những bức tranh nổi tiếng nhất như Nụ hôn, Chân dung Adele Bloch Bauer I, Sự sống và cái chết, Cây đời… của Klimt; các bức Tự họa đầu nghiêng, Mẹ và con II, Bốn cây, Đức Hồng y và nữ tu sỹ… của Schiele.

Gustav Klimt và Egon Schiele sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – thời kỳ hoàng kim nhất của những khai phá văn hóa mới tại Vienna. Ở nơi là một trong những cái nôi sản sinh ra kỷ nguyên của chủ nghĩa hiện đại, Klimt và Schiele đã bứt phá khỏi khuôn khổ của nghệ thuật hàn lâm, kinh viện để kiến tạo nên những hình thức nghệ thuật biểu hiện mới mẻ và độc đáo.

Gustav Klimt là cây cọ xuất chúng của trường phái Tượng trưng, người sáng lập nhóm Ly khai Vienna mang tính chất thoát li và tiên phong trong nghệ thuật. Các tác phẩm của ông kết hợp những hình dạng cách điệu hóa và màu sắc phi tự nhiên trong một phong cách hội họa giàu tính trang trí và đầy gợi cảm, thể hiện một cảm thức mạnh mẽ về khao khát tình yêu, sự sống và cái chết.

Egon Schiele là một trong những họa sĩ biểu hình quan trọng nhất thời đầu thế kỷ 20, nhân vật đầu đàn của chủ nghĩa Biểu hiện Áo. Schiele ngưỡng mộ Klimt, người đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách của ông. Dù vậy, tài năng nghệ thuật của Schiele vô cùng khác biệt. Không đi theo lối tạo hình tỉ mỉ, tinh tế như Klimt, những tác phẩm của Schiele biểu lộ xúc cảm mãnh liệt thông qua những đường nét tự do, phóng khoáng đầy nội lực.

Các tác phẩm được lựa chọn để giới thiệu trong triển lãm đều ra đời trong những năm đầu thế kỷ 20 – giai đoạn đặc biệt đã chứng kiến những thay đổi căn bản không chỉ trong lịch sử nghệ thuật mà của cả lịch sử thế giới với sự kiện Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) và đại dịch “cúm Tây Ban Nha” kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người. Năm 1918, cả Klimt và Schiele đều qua đời vì dịch bệnh này.

Với mục đích đưa các tác phẩm kinh điển tiếp cận rộng rãi nhất tới công chúng, triển lãm là cơ hội thưởng lãm những tuyệt tác trăm năm của hai thiên tài hội họa theo cách thức đầy mới lạ và hấp dẫn. Toàn bộ tác phẩm hiển thị dưới dạng hình ảnh số có độ phân giải cao với kích thước khác nhau, được trình chiếu trên nhiều thiết bị như máy chiếu, màn hình tivi, máy tính và điện thoại di động. Đặc biệt, không gian của triển lãm được sắp xếp với chủ ý tạo ra sự thay đổi liên tục trong khoảng cách vật lý giữa người xem và các hình ảnh, sẽ đem đến những trải nghiệm thị giác và cảm xúc mới mẻ, phong phú, giàu ý nghĩa.

Trong thời đại của truyền thông xã hội và tiếp cận hình ảnh không giới hạn ngày nay, triển lãm hy vọng sẽ giúp chúng ta ý thức và suy ngẫm về sự thấy, về cách nhìn, xem cách thức chúng ta tiếp nhận hình ảnh có thể có tác động như thế nào trong thời đại này”, Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo chia sẻ.

Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA cũng sẽ tổ chức các sự kiện nghệ thuật, workshop… nhằm giúp khán giả hiểu hơn về phong cách nghệ thuật độc đáo của Gustav Klimt và Egon Schiele. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật thường xuyên trên fanpage chính thức của Trung tâm: facebook.com/VCCAVIETNAM/.

Triển lãm mở cửa từ ngày 31.5.2020 đến hết ngày 31.7.2020 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Gustav Klimt (14.7.1862 – 6.2.1918) là một họa sĩ theo trường phái Tượng trưng người Áo. Là người sáng lập nên nhóm Ly khai Vienna và được công nhận là họa sĩ vĩ đại nhất của phong trào Tân Nghệ thuật, Klimt đã tiên phong phát triển nên một phong cách nghệ thuật đặc biệt mang tính trang trí và đầy gợi cảm. Ông kết hợp những hình dạng cách điệu hóa và màu sắc phi tự nhiên mang tính biểu tượng theo quan điểm cá nhân của ông về những chủ đề mang tính phổ quát như cái đẹp, tình yêu, vẻ đẹp của người phụ nữ, sự già đi và cái chết.  

Egon Schiele (12.6.1890 – 31.10.1918) là họa sĩ người Áo, một trong những gương mặt quan trọng nhất của trường phái Biểu hiện đầu thế kỷ 20, với những bức tranh mang cảm xúc mãnh liệt có khả năng chạm đến giá trị mang tính bản thể của con người. Hội họa của Schiele cực kỳ ấn tượng bởi lối thể hiện vô cùng bạo liệt. Các dáng vẻ cơ thể xoắn vặn và những đường nét biểu cảm là đặc điểm nổi bật trong tranh ông. Với cái nhìn độc đáo, lối miêu tả cơ thể tự nhiên và kỹ thuật tạo hình cực kỳ điêu luyện, hội họa của Schiele đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại.

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top