Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tảng đá có chữ cổ ở bờ sông Thu Bồn bị vùi lấp

Thứ Sáu 29/04/2022 | 11:22 GMT+7

VHO- Ông Lê Sĩ Nghĩa ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) dẫn tôi ra bờ sông Thu Bồn, rồi chỉ tay bảo: “Chỗ này có một tảng đá rất lớn trải dài từ trên đồi kia xuống tận sông. Mũi của tảng đá lộ ra dưới mép nước kia kìa. Phần chữ khắc trên tảng đá đang bị chôn lấp ngay chỗ mình đang đứng đây”.

 Phần cuối của tảng đá khắc chữ cổ nằm sát mép sông

Ông Nghĩa ngồi xuống rồi cho hay, nhà của ông cách tảng đá này chừng 50 m. Ngày trước ông thường ra bến sông tắm nên biết rất rõ và bây giờ vẫn tưởng tượng được hình ảnh nguyên vẹn của tấm đá có khắc chữ, bởi hiện tại tấm đá đang bị đất vùi lấp, tuy không sâu, song phải gạt hết lớp đất bên trên chừng 20-30cm mới có thể thấy được chữ. Ông Nghĩa còn cho biết trước đây cũng có nhiều người, trong đó có một số người nước ngoài tới nhờ ông dẫn chỉ vị trí tấm đá khắc chữ ngoằn ngoèo này. Có lần họ thuê ông đào bới lớp đất trên để lòi chỗ tảng đá có chữ. Ông múc nước rửa sạch sẽ mới lộ rõ hai dòng chữ cho họ quay phim, chụp ảnh. Sau đợt này, đất từ phía trên tiếp tục sạt lở xuống lấp kín mặt đá.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2008 có vị tiến sĩ thần học Ấn Độ Sahahay cùng với Đại sứ quán Ấn Độ đến khảo sát, nghiên cứu tấm đá có chữ này, qua đó họ khẳng định những ký tự được chạm khắc trên tảng đá là vào cuối thế kỷ thứ IV, cách đây 1.600 năm. Đến năm 2015, các nhà khảo cổ của Trung tâm nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Việt Nam đã đến đây xem xét, đối chiếu với những tư liệu mà họ đã thu thập về những ký tự trên tấm đá có chữ cổ xưa này, vì theo họ những năm đầu của thế kỷ XX, các học giả của Viện EFEO cũng đã đến đây khảo sát rồi chứ không phải chỉ có ngày nay. Hai dòng văn tự trên đá có khoảng cách với nhau chừng 11cm, mỗi dòng dài 80 cm với một số mẫu tự khác nhau. Đây là chứng tích được khắc theo lệnh của vị vua Chăm Bhadrarman I vào thế kỷ thứ IV, khởi đầu cho việc đặt nền móng xây dựng các đền thờ Chămpa tại khu vực phía nam sông Thu Bồn và thánh địa Mỹ Sơn.

 Bên dưới lớp đất mà ông Nghĩa ngồi là phần đá có khắc chữ cổ

Sách Etudes epsignaphi ques Sur la pays Cham do Viện EFEO xuất bản năm 1975 đã sưu tầm, tập hợp các bài viết của Louis Finot và một số tác giả đầu thế kỷ XX về các di tích Chămpa. Tại trang 186 có bài viết của Finot về văn tự trên đá ở Chiêm Sơn có đoạn: “Dòng chữ này được khắc trên một tảng đá gọi là Hon-cuc (ngày nay dân địa phương gọi là Hòn Cụp - Cụp Chiêm Sơn) ở bờ sông Thu-Bong, trên đất của làng Chim-Son, huyện Duy-Xuyên, tỉnh Quảng-Nam, khoảng 28 cây số nam tây nam Tourane. Các chữ cỡ lớn và khắc sâu như trên tảng đá Cho-dinh (ở Phú Yên). Ở Cho-dinh cỡ 6 cm, ở Hon-cuc 11cm…”. Nội dung của hai dòng chữ này được các nhà khảo cổ dịch với đại ý là “Phụng cúng ngài Shiva, tất cả phải thần phục” hoặc “Chúc tụng đấng cao cả, xin cúi đầu”. Ông Lê Sĩ Nghĩa bảo tấm đá có khắc chữ này đã xuất hiện một số vết nứt, các dòng chữ bị bào mòn theo thời gian, nhưng do các đường rãnh được khắc khá sâu nên mặt chữ vẫn còn nhìn rất rõ. Vì có độ dốc nên đất thường trụt xuống lấp kín mặt đá khắc chữ. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa việc cào lớp đất che phủ không mấy khó khăn vì lớp đất này cũng không dày, lại pha cát.

Các văn tự cổ trên tấm đá dính liền với vỉa núi Chiêm Sơn là chứng tích quý hiếm của người Chăm xưa, rất cần các nhà khảo cổ trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu. Tấm đá nằm sát mép sông, cách quốc lộ 14H chừng 40m, tuyến đường chính du khách tìm về di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Đây là dấu tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, thiết nghĩ các đơn vị chức năng của Quảng Nam cần triển khai biện pháp khoanh vùng bảo vệ, gìn giữ dấu tích quý hiếm của người cổ xưa và phục vụ du lịch. 

THÁI MỸ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top