Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những cô gái lái xe Trường Sơn thuở ấy

Chủ Nhật 01/05/2022 | 09:00 GMT+7

VHO-  Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức về một thời không thể nào quên của những cô gái lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đạn bom, khói lửa năm xưa đã được tái hiện thật sống động, chân thực trong tác phẩm điện ảnh Bình minh đỏ. Khắc họa tình yêu, khát vọng, lý tưởng sống... của các cô gái tuổi mới đôi mươi, những thước phim ngược dòng thời gian, đưa khán giả trở về một thời quá khứ hào hùng.

 Các thành viên của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa có mặt tại buổi chiếu ra mắt

Bình minh đỏ do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện, ra mắt khán giả nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022).

Gặp lại những cô gái lái xe Trường Sơn năm ấy

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, Bình minh đỏ là một trong số ít phim đề tài chiến tranh cách mạng được đầu tư sản xuất trong thời gian gần đây. Dự án phim được Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh giao Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện. Bộ phim đã giành Giải thưởng Ban Giám khảo LHP Việt Nam lần thứ XXII tại TP Huế.

Bình minh đỏ có bối cảnh sau Tết Mậu Thân 1968, chiến sự ngày càng khẩn trương, ác liệt. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải trung chuyển cho chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn.

Lấy cảm hứng từ Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, chuyện phim xoay quanh bốn nhân vật chính là Châu, Hân, Sa, Thương, các cô được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sỹ từ các chiến trường về hậu phương. Những cô gái tuổi đôi mươi đến chiến trường với hoàn cảnh riêng, nhưng đều chung một lý tưởng, không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân vì Tổ quốc. Trên những chuyến xe ngày đêm xuyên qua mưa bom bão đạn, những cô gái lái xe Trường Sơn đã nhanh chóng trưởng thành, vượt qua nỗi sợ hãi để cùng sát cánh bên nhau trên từng cung đường ác liệt.

Có mặt lại lễ ra mắt bộ phim, những thành viên của Trung đội nữ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa trào dâng xúc cảm, bởi dường như họ đã gặp lại hình ảnh của chính mình qua từng thước phim sống động. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Họ là những nguyên mẫu đầu tiên của Bình minh đỏ. Tấm gương của họ là động lực tiếp thêm nguồn sức mạnh để ê kíp Bình minh đỏ thực hiện bộ phim với những xúc cảm chân thực nhất”.

Nhớ về một thời đạn bom, khói

 lửa với những ký ức không thể nào quên trong cuộc đời, bà Nguyễn Thị Hòa, cựu Trung đội trưởng Trung đội nữ lái xe Trường Sơn xúc động, bà và những đồng đội năm xưa không nghĩ rằng tuổi trẻ đầy khó khăn, gian khổ của mình lại được tái hiện sống động đến thế. “Khi xem kịch bản đầu tiên, tôi đã nghĩ rằng, chiến tranh qua rồi, tìm đâu cho được những chiếc xe năm nào chúng tôi đã lái, tìm đâu cho được những cảnh mà chúng tôi đã từng đi qua. Thế nhưng, gặp đạo diễn và các diễn viên, nghe họ chia sẻ, tôi biết rằng sẽ có một bộ phim về đề tài chiến tranh, tái hiện lại một thời của chúng tôi để các thế hệ sau này không bao giờ được quên một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc…”, bà Hòa bộc bạch.

Cựu Trung đội trưởng Trung đội nữ lái xe Trường Sơn rưng rưng, Bình minh đỏ đã đưa họ quay lại tuổi thanh xuân trẻ trung, sôi nổi của mình. Ngày ấy, tất cả đều sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ nhưng vẫn luôn yêu đời, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả cái chết luôn cận kề để hoàn thành nhiệm vụ. Chiến tranh đã lùi xa, chiếc xe họ đã lái, cung đường họ đã đi qua có nhiều đổi thay, nhưng với Bình minh đỏ, những cựu nữ lái xe thực sự đang thấy mình giữa rừng Trường Sơn năm nào.

 Các cô gái trẻ vượt lên những khao khát và ước mơ cháy bỏng của lứa tuổi đôi mươi để chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc

Những vai diễn truyền lửa

Biên kịch Nguyễn Thị Minh Nguyệt tâm sự, khi bắt tay xây dựng kịch bản phim, chị đã được gặp gỡ các nữ chiến sĩ lái xe và những câu chuyện, những ký ức trong tâm trí họ đã trở thành chất liệu sống động cho kịch bản Bình minh đỏ. “Hơn 20 năm trong quân ngũ, tôi luôn có tình cảm đặc biệt với bộ đội và những nữ chiến sĩ. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu, tìm các cuốn hồi ký, sách lịch sử về những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa, xem phim tài liệu về các chị và trực tiếp gặp gỡ, nghe các chị kể chuyện...”, biên kịch Minh Nguyệt cho biết.

Vào vai nữ chính, diễn viên Phạm Quỳnh Anh bộc bạch: “Nhân vật Châu của Bình minh đỏ sẽ là vai diễn mà chắc em sẽ nhớ mãi. Châu là một cô gái kiên cường, bản thân em đã được học hỏi rất nhiều từ cô gái ấy…”. Để chuẩn bị cho vai diễn, Quỳnh Anh cho biết cô đã phải nỗ lực tập lái xe và tìm hiểu tâm lý nhân vật. Ê kíp Bình minh đỏ chỉ duy nhất có Phạm Quỳnh Anh là người miền Nam, vì vậy, nữ diễn viên cũng phải dành thời gian để làm quen với văn hóa, nếp sinh hoạt của người miền Bắc.

Với Quỳnh Anh, nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn là một vai diễn có tính chất truyền lửa. Bên cạnh sự hỗ trợ chu đáo của ê kíp, để có thể vào vai chuẩn xác nhất, Châu của Bình minh đỏ đã xem nhiều bộ phim về chiến tranh để có thể hiểu nhiều hơn về những nỗi đau và sự mất mát. “Thế hệ trẻ ngày nay có nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển. Bởi vậy, khi có được những trải nghiệm với nhân vật trong phim, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, lý tưởng sống và cống hiến vì Tổ quốc của thế hệ đi trước, bản thân em cảm thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa. Và chắc chắn những thông điệp ý nghĩa đó cũng sẽ được đông đảo khán giả xem phim cảm nhận”, Quỳnh Anh tâm sự.

Vai Sa, cô gái hồn nhiên trong sáng do nữ diễn viên phim truyền hình Về nhà đi con Phạm Bảo Hân đảm nhận cũng để lại nhiều ấn tượng. Sa cũng là vai diễn đầu tiên của Bảo Hân trong lĩnh vực phim điện ảnh. Để hóa thân thành một cô gái có cuộc sống, tính cách và tâm lý hoàn toàn khác với những vai diễn đã từng đảm nhận, Hân cũng như các bạn diễn đã xem đi xem lại nhiều bộ phim về chiến tranh. Trong quá trình chuẩn bị đóng phim, cả nhóm đi tập lái xe gaz. Ký ức với Bảo Hân là những chiếc xe gaz rất nặng và thật khó với những cô gái trẻ, vóc dáng mảnh mai khi phải tập lái thành thạo trên những cung đường gập ghềnh.

“Với những diễn viên trẻ, cơ hội để được vào vai diễn trong một bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng thật đáng quý. Em không thể quên những trải nghiệm, cảm xúc trong quãng thời gian miệt mài với những cảnh quay giữa rừng, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Sống ở thời bình, mọi thứ đủ đầy nên khi bước vào đất diễn ở Bình minh đỏ, em cảm nhận sâu sắc những khao khát và ước mơ cháy bỏng của những cô gái tuổi 20 ngày ấy. Vượt lên tất cả, họ cùng chung lý tưởng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Lý tưởng ấy khiến họ gần như bỏ quên những ước mơ, những khát khao của riêng mình…”, Phạm Bảo Hân chia sẻ.

Rất nhiều mảnh ghép chân thực đã cùng tạo nên một Bình minh đỏ đong đầy cảm xúc. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để thực hiện bộ phim trong bối cảnh thực sự đặc biệt khi dịch Covid đã cướp đi tính mạng của rất nhiều người. Một bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm 30.4 và 1.5 sẽ truyền tải những thông điệp vô cùng ý nghĩa, để thế hệ ngày hôm nay thêm trân quý giá trị lớn lao của cuộc sống hòa bình. 

BẢO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top