Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bình Định: Gần 12 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị “thay áo” để lấy đất rừng sản xuất trái phép

Thứ Tư 29/06/2022 | 14:32 GMT+7

VHO-Bị phá, lấn chiếm trái phép trong một thời gian dài, giờ đây những khoảnh rừng tự nhiên, phòng hộ… tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài, núi Hòn Vung, huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị “thay áo” bằng những diện tích rừng keo lai, bạch đàn.

Cây rừng tự nhiên, phòng hộ tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung bị cưa, giờ chỉ còn gốc khô

Rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… bị “thay áo”

Những ngày đầu tháng 6, phóng viên Văn Hóa nhận được tin báo có nhiều diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung, thuộc thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ bị một số đối tượng chặt phá, lấn chiếm lấy để lấy đất rừng trồng và khai thác keo, bạch đàn từ năm 2014 đến nay. Đáng nói hơn, một số trường hợp còn tiến hành mua bán, chuyển nhượng diện tích đất rừng đã lấn chiếm.

Những khoảnh rừng tự nhiên, phòng hộ… tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung bị “thay áo” bằng diện tích bạch đàn, keo lai trồng trái phép

Trong vai một người đi mua đất rừng, phóng viên tiếp cận được một người đàn ông tên Vương (ở thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp) có đất rừng tại khu vực hồ Trí Hòa để bán. Người này cho biết đã thực hiện việc lấm chiếm đất rừng. Trong đó có hơn 10 ha đất rừng đã phát dọn và trồng keo từ nhiều năm nay. Một số diện tích keo đã được thu hoạch. Một số diện tích keo khác mới trồng. “Nếu mua, tôi sẽ bán lại diện tích đất rừng đã lấn chiếm trồng keo với giá 120 triệu đồng/ha”, người đàn ông này khẳng khái.

Các đối tượng đưa xe cơ giới và máy móc lên núi để làm đường, khai thác, vận chuyển keo tràm trái phép diễn ra rầm rộ trong nhiều năm qua mà không bị phát hiện

Thực tế trong nhiều ngày liền tiếp cận, phóng viên ghi nhận khu vực xung quanh hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung có nhiều diện tích đất rừng đang được trồng keo để khai thác. Đặc biệt khu vực đầu nguồn hồ Trí Hòa vốn là khu vực quy hoạch cho rừng phòng hộ cũng bị lấn chiếm để trồng keo. Nhiều cây gỗ rừng có đường kính từ 10 - 20 cm bị chặt phá, nằm ngổn ngang; cây keo được trồng ngay trên diện tích cây rừng vừa bị chặt cũng như bị đối tượng còn ngang nhiên làm hàng rào bằng kẽm gai phân chia khu vực diện tích rừng đã bị lấn chiếm. “Việc phá, lấn chiếm rừng xảy ra tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay, nhưng vẫn không bị phát hiện và được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, do có cả cán bộ xã thực hiện nên người dân cũng tham gia lấn chiếm rừng. Việc cho xe cơ giới và máy móc lên núi để làm đường, khai thác, vận chuyển keo diễn ra rầm rộ trong nhiều năm liền mà không bị cơ quan bảo vệ rừng phát hiện, xử lý”, một người dân cho hay.

Gần 12 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép

Từ phản ánh, cung cấp hình ảnh của phóng viên, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ phối hợp cùng các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh vụ phá, lấn chiếm rừng tự nhiên, phòng hộ tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung để lấy đất sản xuất trái phép. Ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết: Đã xảy ra vụ phá rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 xã Mỹ Hiệp. “Có 11,51 ha rừng trồng trên đất quy hoạch phát triển rừng, rừng trồng xen trong rừng tự nhiên chức năng phòng hộ, không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, rừng trồng trên đất quy hoạch chức năng phòng hộ có diện tích 0,50 ha, rừng trồng trên đất quy hoạch chức năng sản xuất có diện tích 9,42 ha và rừng trồng cây keo lai xen trong rừng tự nhiên có diện tích 1,59 ha, các đối tượng chặt toàn bộ cây gỗ có đường kính gốc từ 8-20cm, để lại cây gỗ lớn và trồng xen cây keo lai vào”, ông Lê Đức Sáu thông tin rõ.

Các đối tượng làm hàng rào bằng kẽm gai phân chia khu vực rừng đã bị lấn chiếm

Về câu hỏi vụ phá rừng tự nhiên, phòng hộ… để lấn chiếm lấy đất rừng sản xuất trồng keo lai, bạch đằng có dấu hiệu tham gia của cán bộ địa phương?, ông Lê Đức Sáu cho biết: “Đang được cơ quan chức năng xác minh, chưa có kết luận”.

Theo ông Nguyễn Văn Tố, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ, diện tích rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ tại tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 xã Mỹ Hiệp, nhà nước chưa giao cho cơ quan này quản lý, bảo vệ.

Theo ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp cho biết, diện tích đất quy hoạch phát triển rừng, rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, do UBND xã Mỹ Hiệp quản lý bảo vệ.

Một cây gỗ rừng tự nhiên bị các đối tượng đào bong gốc

Một lãnh đạo huyện Phù Mỹ thông tin, sau có kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan liên quan, chúng tôi sẽ chuyển vụ phá rừng cho cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ. “Huyện Phù Mỹ giao cho UBND xã Mỹ Hiệp thuê đơn vị có chức năng xác định diện tích rừng tự nhiên đã bị phá tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 xã Mỹ Hiệp. Đồng thời, tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả xử lý cho Chủ tịch UBND huyện trước ngày 30.6”, vị lãnh đạo này thông tin thêm.

PHAN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top