Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Quảng bá văn hóa dân tộc qua góc nhìn trẻ: Sáng tạo với “chất Việt”

Thứ Sáu 01/07/2022 | 10:33 GMT+7

VHO- Thời gian qua, các dự án nghệ thuật ấn tượng dựa trên chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ. Mới đây, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp cùng Nam Kha House tổ chức buổi workshop nhằm kết nối những người đam mê sáng tạo và trân quý văn hóa Việt, đồng thời giới thiệu các dự án đặc sắc tới công chúng…

 “Gánh hát lưu diễn muôn phương” giới thiệu 30 nghệ thuật diễn xướng và 6 lễ hội dân gian tiêu biểu

 Không lãng quên

Workshop Sáng tạo với chất Việt có sự tham gia của Triều Giang (dự án Gánh hát lưu diễn muôn phương), Nam Du (dự án Tarot Kiều), Nguyễn Phương Vy (tác giả bộ chữ Bội Tự) với sự dẫn dắt của nhà văn Nam Kha. Tại đây, khách mời đã chia sẻ kiến thức hay về các loại hình diễn xướng nghệ thuật truyền thống thông qua dự án Gánh hát lưu diễn muôn phương; việc sử dụng nghệ thuật sáng tạo con chữ để giới thiệu những nét đẹp của Hát Bội và sự kết hợp độc đáo giữa Tarot và Truyện Kiều.

Có thể thấy, qua thời gian, các giá trị văn hóa truyền thống dần bị lu mờ bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhiều nền văn hóa hiện đại. Thế nhưng, thay vì bỏ mặc thì nhiều người trẻ đã tìm hướng đi mới để “đánh thức” các giá trị xưa cũ ấy. Đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại, là cái nhìn đầy sáng tạo của lớp người trẻ trước một thành trì làm nên bản sắc dân tộc, qua đó gợi mở ra những phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.

Gánh hát lưu diễn muôn phương do một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM sáng lập và thực hiện dự án Artbook (sách nghệ thuật) song ngữ Việt - Anh. Sách giới thiệu 30 nghệ thuật diễn xướng tiêu biểu như: Quan họ, hát Xoan, Ca trù, Rối nước, Chèo, Chầu văn, Xẩm... và 6 lễ hội dân gian gồm Tết Nào Pê Chầu, lễ Cấp sắc, hội Gióng, lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui, lễ hội Ok Om Bok và trò chơi Kéo co... Gánh hát lưu diễn muôn phương là một cách mở cánh cửa kho di sản với góc nhìn mới lạ của tuổi thanh xuân. Tại buổi giao lưu, bạn Triều Giang, thành viên dự án chia sẻ: “Với những giá trị văn hóa xưa cũ, người trẻ không hề lãng quên mà chỉ là chưa có được định hướng đúng đắn. Đến một thời điểm, những cái cũ sẽ dần bị phai nhòa là lẽ hiển nhiên, tuy nhiên, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, dự án của nhóm mình luôn đặt tiêu chí: Phải tiếp cận với thời đại nhưng vẫn giữ được tinh thần và nhất là giữ được cái nguyên bản”. Tuy nhiên, trên thực tế, để kết hợp được yếu tố truyền thống và hiện đại không phải là chuyện “ngày một ngày hai”. Triều Giang cho biết, với vai trò phiên dịch, cô cũng gặp không ít khó khăn. Bởi việc dịch không chỉ đơn thuần là từ tiếng Việt sang tiếng Anh, mà ở đây phải dùng từ sao cho chuẩn, sao cho phù hợp nhất. Như với các thuật ngữ “đào”, “kép”, “trống chầu”… cũng có trường hợp từ tiếng Anh được dùng phổ biến không chính xác. “Đờn ca tài tử” nếu tìm kiếm trên Google thì sẽ ra kết quả là Southern amateur music, tuy nhiên chữ “tài tử” trong Đờn ca tài tử không có nghĩa là nghiệp dư, mà là những người có tài năng, tài nghệ. Hoặc tên loại nhạc cụ chỉ có ở Việt Nam đòi hỏi người dịch phải dành nhiều thời gian, công sức làm sao để bạn bè nước ngoài dễ hình dung nhất.

Cách tiếp cận mới lạ

Có thể thấy, các bạn trẻ đã dùng “ngôn ngữ” và lăng kính riêng của mình để kể câu chuyện văn hóa làm sao cho đẹp nhất, hay nhất và thuyết phục nhất. Như dự án Bội Tự của bạn trẻ Phương Vy, với chuyên ngành theo học là Thiết kế đồ họa, Phương Vy đã chú trọng vào nghệ thuật thị giác để thể hiện phần nhìn của bộ môn nghệ thuật truyền thống Hát Bội thông qua màu sắc, hình ảnh, tính biểu tượng… Cụ thể, với mong muốn hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống và giúp nó đến gần với mọi người, Phương Vy đã quyết định lồng ghép Hát Bội vào bảng chữ cái, đặc biệt phù hợp với sở thích của bản thân là Typography (Nghệ thuật chữ). Qua đó, tổng hợp những thông tin cơ bản về bộ môn Hát Bội để người xem ít nhiều có thể nắm được khái niệm cơ bản nhất về loại hình nghệ thuật này. Nhắc đến những khó khăn trong khoảng thời gian “thai nghén” thực hiện dự án, Phương Vy cho biết: “Hát Bội thật sự rất khó tiếp cận vì nguồn tư liệu khá hiếm hoi. Nếu không tìm hiểu sâu thì phần truyền tải có thể bị lệch lạc và đó là điều rất nhạy cảm trong quá trình sáng tạo giá trị văn hóa. Chính vì thế, mình đã dành nhiều thời gian để tìm những nguồn tư liệu tin cậy. Bên cạnh đó, mình còn ghi chép những nội dung được giới thiệu trong buổi xem hát trực tiếp và chụp lại hình ảnh hóa trang, trên sân khấu làm tư liệu”. Và sau một thời gian gắn bó với dự án đầy tâm huyết, Phương Vy đã nhận được những đánh giá cao từ giới chuyên môn, cũng như lời khen ngợi từ phía cộng đồng mạng.

Nếu như nhiều bạn trẻ chọn cách quảng bá văn hóa dân tộc bằng góc nhìn mới, thì dự án Tarot Kiều lại có một hướng đi khác. Lần đầu tiên một sản phẩm của văn hóa dân gian phương tây là bài Tarot được “se duyên” cùng với văn hóa Việt Nam là Truyện Kiều. Tại buổi workshop, Nam Du, chủ nhân của dự án cho biết, bài Tarot là cẩm nang chứa đựng triết lý về con người chứ không đơn giản là trò chơi hay công cụ phỏng đoán. Việc kể Truyện Kiều thông qua Tarot sẽ đưa Kiều đến gần hơn với người trẻ. “Đây là công trình nghiên cứu tâm huyết của thầy Nhật Chiêu, thầy đã dày công kết hợp giới thiệu triết lý Tarot trong sự đối sánh với Truyện Kiều. Nhiệm vụ của mình là làm sao để công trình nghiên cứu ấy được các bạn trẻ dễ dàng đón nhận và mình cũng đóng vai trò kết nối, chuyển các phân đoạn trong Truyện Kiều thành hình ảnh minh họa, viết sách hướng dẫn…”, Nam Du chia sẻ. Trong tương lai, bạn còn mong muốn mang Tarot Kiều đến với bạn bè quốc tế.

Có thể thấy, đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi ngày càng nhiều người trẻ tìm đến với nghệ thuật truyền thống. Từ sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, họ đã mạnh dạn sáng tạo và mang đến những góc nhìn tươi mới, hiện đại, qua đó đưa những giá trị xưa cũ đến gần hơn với công chúng trong nước lẫn quốc tế mà vẫn giữ được cái hồn cốt dân tộc vốn có. 

HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top