Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thừa, thiếu giáo viên gây khó khăn cho việc triển khai năm học mới

Thứ Sáu 12/08/2022 | 11:18 GMT+7

VHO - Sáng nay 12.8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022. Bài toán về việc thiếu giáo viên ở nhiều địa phương gây khó khăn cho việc triển khai Kế hoạch năm học 2022-2023 đã được đặt lên bàn Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; thiếu 94.714 giáo viên ở cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Sở dĩ có tình trạng trên, là do có tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật... Hiện nay tỷ lệ giáo viên/ lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học diễn ra ở nhiều địa phương; thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với cấp học THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022-2023.

Nguyên nhân là một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn. Việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp còn nhiều bất cập. Nhân viên y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo tỉnh và Sở GD&ĐT của các địa phương đã nêu khó khăn về tình trang thiếu giáo viên đang diễn ra, trong khi năm học mới đang đến rất gần.

Là một tỉnh đang thiếu giáo viên trầm trọng nhất cả nước, dự kiến năm học 2022-2023 toàn tỉnh thiếu khoảng 6000 giáo viên các cấp,  trong đó thiếu nhất là bậc  non, tiếp đó là bậc tiểu học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long Nghệ An cho biết, đây là khó khăn rất lớn  đối với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng thông tin, từ tháng 1.2021 đến tháng 4.2022 đã có 527 giáo viên nghỉ việc, chủ yếu là giáo viên khối Tiểu học và Mầm non dù đã công tác nhiều năm. Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương đang thiếu hơn 3.100 giáo viên; trong đó khối Tiểu học thiếu nhiều nhất với hơn 1.000 giáo viên; tiếp đến là giáo dục mầm non.

Nguyên nhân là do giáo viên mới được tuyển dụng hệ số lương 2,34 có tổng tiền lương hàng tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều và thấp hơn cả lương của nhân viên, người lao động mới ký hợp đồng (vì họ được hợp đồng theo mức lương tối thiểu vùng).

Toàn cảnh Hội nghị

Giải pháp nào cho bài toán thiếu giáo viên?

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, trong đó có ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.

Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế GV theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế GV bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.

Để có giải pháp phù hợp hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là cán bộ quản lý, GV, nhân viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Bộ này đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, GV, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;

Chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát thực trạng chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để nắm bắt tình hình thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên daỵ học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3.

Trong khi Bộ GD&ĐT đang triển khai những kế hoạch mang tính vĩ mô, thì các địa phương cũng đang cố gắng tự giải bài toán thiếu giáo viên.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, trước tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát biên chế toàn ngành, giải quyết số biên chế, chức danh tại các sơ sở giáo dục địa phương. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương của ngành Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng 154 chỉ tiêu (chỉ tính khối đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo). Hiện đã tổ chức xét tuyển vòng 1, trong đó có 183 hồ sơ đủ điều kiện sát hạch vòng 2; rà soát những hợp đồng ngắn hạn 1 năm và người có bằng sư phạm trước đây bố trí việc khác để cho đứng lớp...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ quyết tâm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Đối với tỉnh Nghệ An, để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long Nghệ An cho biết,  tỉnh đã triển khai một số giải pháp mang tính trước mắt như: chuyển giáo viên hợp đồng đang dạy học tại THCS hoặc Tiểu học xuống Mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 (hưởng chế độ tương đương viên chức); hợp đồng giáo viên thỉnh giảng (trong tổng chỉ tiêu biên chế); tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ… Đối với các huyện miền núi cao, tỉnh ưu tiên giao đủ giáo viên/lớp để đảm bảo hiệu quả, chất lượng dạy học vùng khó khăn. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn thiếu giáo viên do địa bàn rộng, trường có nhiều điểm lẻ. Bên cạnh đó, giáo viên Tin học, Ngoại ngữ thiếu trầm trọng vì không có nguồn tuyển dù có chỉ tiêu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ với ngành GD&ĐT vì ngành GD&ĐT hay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không quyết định được việc tuyển dụng, chế độ chính sách cho giáo viên, không tự chủ được về biên chế, trường lớp.

Giáo dục hay bất kỳ ngành nào đi chăng nữa, cũng phải gắn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc thừa/ thiếu giáo viên có nhiều nguyên nhân. Ví dụ, thiếu giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, có một nguyên do là việc dạy chưa thực chất, còn mang tính hình thức, trong khi đây là những môn học trang bị cho các em tâm hồn đẹp.  Việc thừa/ thiếu cục bộ giáo viên, còn vì tiếng nói của người trong cuộc chưa có hiệu lực cao. Giả sử, một trường muốn tuyển dụng giáo viên này, nhưng lãnh đạo địa phương lại mong muốn giáo viên kia được tuyển dụng, vậy là thực chất đã xảy ra thừa/ thiếu.

Theo Phó thủ tướng, phải có cơ chế tự chủ thiết thực để đảm bảo đời sống của giáo viên, nhân viên nhà trường. Có tự chủ được, mới có thêm nguồn tài chính để xây dựng trường lớp khang trang, nâng cao đời sống giáo viên, nhân viên, giảm sĩ số học sinh cho đúng chuẩn.

Phải có ứng dụng công nghệ để có cơ sở dữ liệu về dân cư để định hướng quy hoạch về trường, lớp, giáo viên thì mới tránh được thừa thiếu.

Bộ phải phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc để nâng được chất lượng và số lượng của học sinh miền núi, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đừng để đến mức, bà con phải mang lá cọ đến làm thư viện cho trường học, dù việc này rất cảm động, nhưng cũng cho thấy sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương, của các ngành, các cấp.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top