Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng khung phát triển du lịch bền vững tại ASEAN

Thứ Sáu 03/02/2023 | 11:28 GMT+7

VHO- Ngày 2.2, Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN lần thứ 57 trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia đã thảo luận nhiều vấn đề du lịch của ASEAN. Trong đó, Hội nghị tập trung xem xét báo cáo của 4 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN, Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN; Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN; Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN.

Trưởng đoàn cơ quan du lịch quốc gia ASEAN dự Hội nghị

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, cùng dự có lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.

Việt Nam chủ trì xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội

Năm 2022, Nghiên cứu toàn diện về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) và Nghiên cứu xây dựng khung phát triển du lịch bền vững tại ASEAN kỷ nguyên sau Covid-19 đã được các Bộ trưởng Du lịch ASEAN thông qua và được đưa vào danh mục Văn kiện kết quả kinh tế ưu tiên (PED) dưới quyền Chủ tịch ASEAN của Campuchia vào năm 2022. Tiếp tục triển khai Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2021-2025, đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội.

Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025 và Kế hoạch phục hồi sau Covid-19 tiếp tục được triển khai. Tính đến cuối năm 2022, có 40/68 hoạt động thuộc Chiến lược đã được triển khai, 27/45 hoạt động thuộc Kế hoạch phục hồi được triển khai. Chiến dịch Phục hồi Du lịch nội khối ASEAN do Chính phủ Canada tài trợ khởi động từ tháng 12.2022, dự kiến triển khai trong năm 2023.

Có 6 dự án mới đã được đề xuất và thảo luận, sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ NTO năm 2023: Hỗ trợ Ban Thư ký ASEAN; Xây dựng Kế hoạch công tác du lịch tàu biển; Tổ chức lớp đào tạo về an toàn và vệ sinh cho cộng đồng và lao động du lịch; Hoạt động Marketing cho ASEAN; Triển khai dự án Du lịch Xe tự lái ASEAN; Xây dựng Bộ công cụ phát triển du lịch bền vững ASEAN.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị

Các nước thành viên tăng cường tổ chức các Hội thảo trực tiếp sau khi mở cửa du lịch: Hội thảo Sáng kiến và hướng dẫn về sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch của Việt Nam; Hội thảo về Tiêu chuẩn cơ sở MICE tại Thái Lan, Hội thảo về Quản lý rác thải khách sạn tại Malaysia, Hội thảo về Du lịch cộng đồng tại Campuchia, Hội thảo về Du lịch sinh thái tại Thái Lan.

Việt Nam đang chủ trì dự án xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội và dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào phát triển du lịch”. Dự kiến, năm 2023, Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo về Du lịch lễ hội tại Việt Nam, mời các nước thành viên tham gia.

ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 171,1 tỉ USD, tăng 8,5% so với năm 2017. Năm 2022, sau một thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19, ngành du lịch các nước ASEAN đã chuẩn bị sẵn sàng và lần lượt mở cửa đón khách quốc tế

Toàn cảnh Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN lần thứ 57

Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành “điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của người dân trong toàn khu vực”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn, Chiến lược đã đề ra 2 định hướng lớn, bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN với tư cách là điểm đến chung và đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đóng góp GDP của ngành Du lịch ASEAN tăng từ 12% lên 15%; đóng góp về số lượng việc làm tăng từ 3,7% lên 7%; chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 877 USD lên 1.500 USD; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 6,3 đêm lên 8 đêm. Số lượng đơn vị được nhận các giải thưởng theo các tiêu chuẩn ASEAN tăng từ 86 lên 300.

Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021- 2025 đã được xây dựng với ba trụ cột chiến lược chính: Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn: Xác định mục tiêu của thương hiệu, đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung, xây dựng các video quảng bá… Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp, hướng đến các thị trường nói tiếng Anh gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Úc.

Hiện nay Du lịch Việt Nam đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược ASEAN về sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch” và dự án phát triển sản phẩm mới “Chương trình du lịch tham quan lễ hội truyền thống ASEAN”. Trong tháng 11.2022, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Sáng kiến và Định hướng sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân vào phát triển du lịch

Các nước thành viên ASEAN đã đề xuất và thảo luận về triển khai 6 dự án mới trong năm 2023

Chiến dịch Phục hồi du lịch nội khối ASEAN

ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nếu tính cả các nước đối tác chính (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga) thì thị trường nguồn ASEAN và các nước đối tác chính chiếm khoảng 77,5% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2019. Vì vậy, hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế về du lịch của Việt Nam. 

Dự kiến, ngày 4.2, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 26, các Bộ trưởng sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả Hội nghị các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN; xem xét Chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và 3 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Ấn Độ và ASEAN - Nga; thông tin về việc chuẩn bị tổ chức ATF 2023; tham vấn với các tổ chức quốc tế...

Các Bộ trưởng sẽ ghi nhận Nghiên cứu toàn diện về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP): Cơ chế nâng cao cho các lao động du lịch. Ghi nhận Nghiên cứu xây dựng khung phát triển du lịch bền vững tại ASEAN kỷ nguyên sau Covid-19. Nghiên cứu này đánh giá thực trạng phát triển du lịch bền vững tại 10 nước thành viên ASEAN; một số xu hướng du lịch giai đoạn sau đại dịch; các khái niệm và thực tiễn điển hình về phát triển du lịch bền vững trên thế giới; đề xuất khung phát triển du lịch bền vững tại ASEAN.

Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á (ATF) 2023

Ghi nhận dự thảo Tuyên bố Phnôm Pênh về Chuyển đổi Du lịch ASEAN về tầm quan trọng của du lịch và yêu cầu phục hồi ngành Du lịch bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi hơn. Các nước thành viên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để chuyển đổi ngành du lịch ASEAN sáng tạo, đổi mới và số hoá, đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích bền vững cho kinh tế, xã hội và môi trường.

Ghi nhận việc triển khai Chiến dịch Phục hồi du lịch nội khối ASEAN được tài trợ bởi Chính phủ Canada nhằm hỗ trợ phục hồi du lịch sau Covid-19 của các nước thành viên ASEAN qua việc xúc tiến du lịch trong khu vực. Hiện nay nhóm công tác đã xây dựng dự thảo Báo cáo Khởi động Dự án để thống nhất về lộ trình và kế hoạch triển khai dự án. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2023 với các hoạt động chính gồm: Nghiên cứu, xây dựng báo cáo tư vấn, xây dựng Chiến dịch phục hồi du lịch nội khối và Kế hoạch truyền thông, triển khai chiến dịch, báo cáo kết quả. Ghi nhận dự thảo cuối của Tiêu chuẩn và Bộ công cụ cho Nghề MICE và Nghề tổ chức sự kiện; dự thảo cuối của Bộ Quy tắc cập nhật cho Dịch vụ khách sạn và lữ hành.

Đánh giá cao dự án Chiến dịch Phục hồi du lịch nội khối ASEAN, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên gỡ bỏ tất cả các yêu cầu liên quan đến Covid-19 khi nhập cảnh vào tháng 5.2022. Việt Nam đã tích cực xúc tiến quảng bá du lịch và đặc biệt hướng tới thị trường khách nội khối ASEAN. Năm 2022, Việt Nam đã đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó 920 nghìn lượt khách từ ASEAN, số khách từ ASEAN đã phục hồi được khoảng 45% so với trước đại dịch. Việt Nam mong muốn sớm được đón tiếp các đoàn ASEAN tham dự các sự kiện lớn về du lịch tại Việt Nam trong năm 2023 như: Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM tại Hà Nội và ITE HCMC tại TP.HCM, chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc g ia 2023 tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh”, Festival Huế 2023....”.

NGHIÊM HÙNG - TỐ LINH; ảnh HOÀNG CÚC (từ Indonesia)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top