Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tiếp bài vợ cũ "võ sư" Nguyễn Xuân Vinh lại kêu cứu: Pháp luật có đủ “công cụ” để xử lý hành vi bạo hành trẻ em

Thứ Hai 06/02/2023 | 09:43 GMT+7

VHO_ Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, không phải trẻ bị bạo hành dẫn đến thương tích 11% trở lên thì người gây bạo lực mới bị xử lý, mà tất cả những vấn đề liên quan đến trẻ em, dù là nhỏ nhất, đều là tình tiết tăng nặng. Hiện nay, pháp luật có đủ các quy định pháp luật - “công cụ” để xử lý hành vi này.

 Nguyễn Xuân Vinh và bé T.B tại Công an phường Phương Liệt từ đêm ngày 18.1 đến sáng sớm ngày 19.1

 Trước đó, Văn Hóa (số báo 3835, ra ngày 1.2 và số 3836, ra ngày 3.2) đã có bài phản ánh chị V.T.L (đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền về việc chồng cũ của chị là “võ sư” Nguyễn Xuân Vinh bạo hành con trai dẫn đến cháu bị sang chấn tâm lý. Cháu hiện ở với mẹ, không dám đi học vì sợ bố bắt về quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội (nơi cư trú của bố). Nguyễn Xuân Vinh từng bị dư luận phản ứng dữ dội khi bạo hành vợ (được camera ghi lại) vào năm 2019. Thời điểm đó, TAND quận Thanh Xuân đã ra quyết định chị V.T.L nuôi con gái mới sinh là T.A, Nguyễn Xuân Vinh nuôi con trai T.B (hiện đã được 11 tuổi). Hiện chị V.T.L và gia đình đã gửi đơn tố cáo về hành vi bạo hành trẻ em (xảy ra tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh ngày 27.12.2022) tới Công an xã Kim Hoa (huyện Mê Linh, Hà Nội); làm đơn khởi kiện giành quyền nuôi con, gồm đầy đủ hồ sơ, minh chứng tới TAND huyện Mê Linh; đơn tố cáo về hành vi hành hung anh trai chị L. xảy ra ngày 28.12.2022 tới Công an phường Phương Liệt, Công an quận Thanh Xuân và Công an TP Hà Nội.

Trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể được hỏi ý kiến ở cùng bố hay mẹ

Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, những đứa trẻ đang là nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất. Bạo lực về thể chất dễ thấy và dễ phát hiện, nhưng bạo lực, bạo hành về tinh thần rất khó để phát hiện và xử lý. Trong trường hợp xác định trẻ bị bạo hành tinh thần, gia đình có thể cho trẻ đi thăm khám ở các bác sĩ chuyên khoa để đánh giá và kết luận về những tổn thương mà trẻ phải gánh chịu. Từ kết quả này mới có thể có “bằng chứng” để xử lý. Trong trường hợp phát hiện con có những dấu hiệu bị bạo hành, người mẹ có thể báo với cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tại nơi cư trú để lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật. “Theo quy định, người mẹ có thể đề nghị với Tòa án để thay đổi Quyết định trao quyền nuôi con sau khi ly hôn. Trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể được hỏi ý kiến và lựa chọn ở cùng bố hay mẹ. Phía người mẹ cũng cần chứng minh đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ”, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh.

Trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, ông chia sẻ, sau khi ly hôn, dù tòa đã phân định bên nào nuôi con, nhưng nếu người nuôi không thực hiện đúng đầy đủ nghĩa vụ của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ dẫn đến trẻ không được phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, học tập, hoặc có hành vi bạo lực gia đình, ngược đãi, cản trở việc trẻ học tập, không đảm bảo dinh dưỡng, áp lực tinh thần… thì tòa án vẫn có thể thay đổi người nuôi con. “Trong trường hợp này, người vợ có quyền gửi đơn lên TAND huyện Mê Linh đề nghị thay đổi người nuôi con. Đồng thời, cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh rằng người bố không đảm bảo điều kiện về vật chất, tinh thần, cháu bé có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, không phát triển tốt về thể chất, tinh thần. Các bên đều có quyền cung cấp chứng cứ, lập luận để chứng minh cho mình. Nếu khi ra đến tòa, người bố thừa nhận không muốn nuôi nữa thì thay đổi nuôi con là việc bình thường. Trường hợp người bố cho rằng chứng cứ nguyên đơn cung cấp là không đúng thì tòa án sẽ xem xét. Người vợ đã có những căn cứ để khởi kiện thay đổi người nuôi con, còn có được thay đổi hay không còn phụ thuộc vào quá trình cung cấp và thu thập chứng cứ của tòa. Theo quy định của pháp luật, trẻ từ 7 tuổi trở lên, tòa có thể hỏi ý kiến trẻ về nguyện vọng muốn ở với ai, nhưng việc ấy chỉ mang tính chất tham khảo chứ không phải là quyết định”, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ.

Bạo hành trẻ phải được phát hiện, ngăn chặn trước khi quá muộn

Về vấn đề Công an xã vẫn chưa tiếp cận, làm việc được với Nguyễn Xuân Vinh như phản ánh, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, nếu là giấy mời thì đương sự có thể đến, có thể không. Nếu hành vi đó là vi phạm hành chính, cơ quan chức năng đã gửi giấy mời mà đương sự không đến, mà đã có đủ căn cứ để xác định thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu hành vi được xác định là có dấu hiệu tội phạm mà đương sự không đến thì khởi tố, truy nã. “Ở cấp xã, nếu có dấu hiệu tội phạm, mà không đủ thẩm quyền, chức năng để giải quyết thì chuyển lên hồ sơ lên cấp huyện. Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ vào cuộc xác minh, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Từ trước đến nay, nhiều bậc phụ huynh đánh trẻ, phạt trẻ bằng bạo lực rồi biện minh đó là để dạy dỗ, “thương cho roi cho vọt”. Chính vì thế, bạo hành trẻ em thường xảy ra trong gia đình, thủ phạm là người thân, người quen, người bảo trợ mà khó được phát hiện, hoặc coi là “chuyện riêng” của mỗi nhà. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần huy động cộng đồng cư dân xung quanh khi thấy hiện tượng phải lên tiếng. Hiện nay trách nhiệm công dân trong việc tố cáo bạo lực gia đình còn yếu, dù các quy định pháp luật hiện hành đã có đủ các công cụ, phương tiện để tiếp nhận.

Thực tế cho thấy, trong vấn đề xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em (tình dục, thể chất, tinh thần, bỏ rơi, mua bán…), chỉ những vụ việc có thương tích đủ mức độ hình sự thì công an mới vào cuộc; còn lại là hòa giải. Nhưng nhiều trường hợp sau khi hòa giải, trẻ vẫn bị bạo lực dưới mức xử lý hình sự. Do vậy, Nghị định 130 NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành được các chuyên gia bảo vệ trẻ em đánh giá là công cụ nhằm xử lý được những hành vi chưa tới mức độ hình sự, đồng thời có ý nghĩa giáo dục, răn đe rất cao. “Nghị định đã hướng đến nhiều mục tiêu như các hành vi bạo lực trẻ em ở mức chưa nghiêm trọng thì phải được phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn ngay trước khi quá muộn. Và nếu đúng có hành vi xâm hại trẻ thì có thể xử lý được ngay, không cần chờ đến tổn thương, thương tích ở mức độ hình sự. Khi có sự xử lý kịp thời sẽ bảo vệ được trẻ em, tốt cho các bậc cha mẹ và người gây ra hành vi bạo lực”, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết. 

 NHÓM P.V

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top