5 tháng đầu năm, Thanh Hoá xử lý 1.766 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả

VHO - Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, 5 tháng đầu năm 2023, các lực lương trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đã xử lý tổng số 1.766 vụ vi phạm; trong đó có tới 418 vụ việc chuyển khởi tố hình sự, xử phạt vi phạm hành chính 1.348 vụ việc. Tổng số tiền xử phạt hành chính, truy thu thuế, thanh lý hàng tịch thu... gần 68 tỉ đồng.

5 tháng đầu năm, Thanh Hoá xử lý 1.766 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả - Anh 1

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa bắt giữ vụ vận chuyển 35 tấn đường nhập lậu

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, nổi cộm trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm vẫn là diễn biến phức tạp của tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, nhất là tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn, khu vực giáp ranh với các tỉnh: Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La. Các đối tượng ở khu vực biên giới tiếp tục “câu móc” với các đối tượng ở ngoại biên để mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới về bán cho các đối tượng trong địa bàn và đưa đi các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ. Bối cảnh hoạt động thương mại sôi động trở lại cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết,... đặt các lực lượng chức năng trước nhiều thách thức.

Chỉ tính riêng thực thi nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 523 vụ việc bị phát hiện xử lý, với 544 hành vi vi phạm. Tổng số tiền xử phạt hành chính gần 1,6 tỉ đồng. Toàn lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đã xử lý tổng số 1.766 vụ vi phạm; trong đó có tới 418 vụ việc chuyển khởi tố hình sự, xử phạt vi phạm hành chính 1.348 vụ việc. Tổng số tiền xử phạt hành chính, truy thu thuế, thanh lý hàng tịch thu... gần 68 tỉ đồng. Ngoài tính chất nghiêm trọng từ hoạt động buôn lậu, hàng cấm thì các hành vi vi phạm còn lại tập trung vào các hình thức gian lận thương mại như niêm yết giá, vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, trong tổng số 68 tỉ đồng thu nộp ngân sách, số tiền từ truy thu thuế lên tới hơn 44,7 tỉ đồng, chứng tỏ hành vi gian lận về thuế hiện rất nhức nhối.

Đánh giá về thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay, đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Từ một số vụ việc có quy mô lớn, tính chất phức tạp, chủng loại đa dạng phát hiện được trong thời gian vừa qua cho thấy phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng biến tướng tinh vi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ việc môi trường lưu thông hàng hóa ngày càng trở nên dễ dàng. Điển hình như việc kinh doanh trên mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử... chưa có chế tài quản lý, khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

Cùng với đó, nhiều đối tượng còn trà trộn, xen ghép hàng hóa vi phạm cùng nhiều loại hàng hóa, kết hợp các phương thức vận chuyển để trốn tránh các biện pháp nghiệp vụ. Ông Trần Thế Hùng, đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 9 cơ động, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Là lực lượng cơ động, nòng cốt trong công tác trinh sát, xử lý vi phạm, đơn vị thường xuyên phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong khâu lưu thông hàng hóa. Trước các thủ đoạn ngày càng khó lường hiện nay, đội đã phải cài cắm lực lượng trinh sát, tổ chức nhân mối, phối hợp với các lực lượng chức năng khác và quần chúng Nhân dân mới có thể phát hiện kịp thời các vụ việc. Tuy nhiên, trong điều kiện lực lượng còn mỏng, trang thiết bị nghiệp vụ hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát còn thiếu và yếu, chưa theo kịp các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, việc thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn của đơn vị còn gặp không ít khó khăn”. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở mọi mặt hàng, từ hàng hóa tiêu dùng thông thường tới thuốc, thực phẩm chức năng... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, trong khi đó công tác đấu tranh lại không hiệu quả như mong muốn. Ngoài nguyên nhân khách quan về thủ đoạn, phương thức kể trên thì nhận thức của DN, của cộng đồng cũng chưa thực sự tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề này.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục đôn đốc các ngành chức năng triển khai thực hiện các quyết định, kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ban, ngành, của tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, cùng với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hoá đề nghị các lực lượng thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, chú trọng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và quyền lợi người tiêu dùng.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc