Gần 66.000 hiện vật quý hiếm ở Cà Mau không có bảo tàng để bảo quản, trưng bày: Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

VHO- Mặc dù đang sở hữu gần 66.000 hiện vật, nhưng có một điều khó tin là trong bao nhiêu năm qua, tỉnh Cà Mau vẫn chưa có công trình bảo tàng đúng nghĩa để bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị các cổ vật quý hiếm này tới công chúng.

Gần 66.000 hiện vật quý hiếm ở Cà Mau không có bảo tàng để bảo quản, trưng bày: Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - Anh 1

Các hiện vật gốm bị bể vụn trong cuộc khai quật tàu đắm cổ năm 1998 hiện vẫn được lưu giữ để phục vụ công tác nghiên cứu

Chúng tôi về vùng đất cuối cùng của Tổ quốc vào một ngày cuối tuần đầu tháng 6 với nỗi sốt ruột trước thông tin hàng chục nghìn hiện vật, cổ vật của bảo tàng đang trong cảnh thiếu nơi lưu trữ, bảo quản. Và khi được chứng kiến mới thấy xót xa…

Một ngày nào đó rồi sẽ có…

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau Lê Minh Sơn bùi ngùi: “Cà Mau là một trong số ít các tỉnh vẫn chưa có công trình bảo tàng. Hiện kho hiện vật của bảo tàng đang lưu trữ, bảo quản gần 66.000 hiện vật, bao gồm các chất liệu, nội dung như gốm, gỗ, giấy, kim loại, đồ dệt, nhựa, sành sứ, đá; hiện vật bát tràng, hiện vật Hòn cau, hiện vật độc bản, phim ảnh tư liệu… Đặc biệt, hiện vật khai quật được từ tàu đắm cổ vào năm 1998 chiếm số lượng nhiều nhất và rất quý hiếm, sau khi mang bán đấu giá ở nước ngoài, hiện bảo tàng còn quản lý trên 42.000 hiện vật gốm từ cuộc khai quật này.

Kho hiện vật bảo tàng hiện nằm trong một khu tưởng niệm trên đường Ngô Quyền. Đó là một dãy nhà liền kề với 5 kho. Các kho tạm này được cải tạo từ các phòng cũ của công viên văn hóa tỉnh trước đây. Hệ thống kho hiện vật đang được bảo vệ kỹ lưỡng, có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera an ninh. Đặc biệt, kho hiện vật còn được bảo vệ bởi lực lượng Công an, túc trực 24/24h để đảm bảo an toàn. “Do có nhiều hiện vật tàu đắm cổ quan trọng nên được tỉnh bố trí lực lượng bảo vệ từ lúc bảo tàng khai quật tàu đắm cổ năm 1998 đến nay. Điều này cho thấy lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến tính an toàn cho các cổ vật, hiện vật, nhờ đó, công tác bảo vệ được an toàn”, ông Sơn nói thêm. Thực tế, kho hiện vật chỉ có chức năng lưu giữ, bảo quản, kiểm kê hoặc phục vụ công tác nghiên cứu hiện vật. Do vậy công tác trưng bày, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử từ hiện vật đến người dân địa phương và du khách rất hạn chế vì không có… nhà bảo tàng.

“Với lượng hiện vật khá lớn như hiện nay, dù nhân sự bảo tàng còn mỏng nhưng các bộ phận chuyên môn mỗi ngày vẫn tiến hành kiểm kê, phân loại, bảo quản, chỉnh lý các hiện vật, để đợi chờ một ngày nào đó có được công trình bảo tàng. Có công trình bảo tàng không chỉ để bảo quản, mà quan trọng hơn là trưng bày phục vụ công tác tham quan, tìm hiểu của công chúng”, Giám đốc Bảo tàng Cà Mau tâm tư và nói thêm, do điều kiện chưa có công trình đúng nghĩa nên đơn vị thực hiện trưng bày rất ít với một số chuyên đề nhất định, hoặc trưng bày lưu động, phối hợp các đơn vị tổ chức,… góp phần để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Tuy nhiên, thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, du khách và tiềm năng hiện có của bảo tàng.

 

Gần 66.000 hiện vật quý hiếm ở Cà Mau không có bảo tàng để bảo quản, trưng bày: Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - Anh 2

Nhân viên Bảo tàng thực hiện kiểm kê một kho lưu trữ hiện vật gốm, nhựa,…

Cấp thiết có công trình bảo tàng

Trở lại với câu chuyện xây dựng công trình bảo tàng tỉnh, ông Lê Minh Sơn cho biết, “dự án Bảo tàng Cà Mau đã được tỉnh lên kế hoạch từ lâu nhưng lại bị trì hoãn. Từ khoảng năm 2012, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thậm chí đã có cuộc thi thiết kế công trình nhà bảo tàng, sau đó cũng đã có kết quả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như vướng quy hoạch đất đai, đặc biệt là kinh phí nên tới nay vẫn chưa thể triển khai được”.

Trong báo cáo mới đây của UBND tỉnh Cà Mau gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, cho biết những năm qua, kinh phí thực hiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia… Do nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc bố trí kinh phí đầu tư cho các hoạt động này nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều di tích đang xuống cấp, chưa được đầu tư đúng mức. Chia sẻ với Văn Hóa, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau cho rằng, rất cần thiết khôi phục Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đặc biệt là đầu tư thiết chế cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Riêng tại tỉnh Cà Mau, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần có một công trình bảo tàng. Đây chính là không gian chứa đựng những tư liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa, về điều kiện tự nhiên, địa hình, đời sống cư dân qua từng thời kỳ…

Gần 66.000 hiện vật quý hiếm ở Cà Mau không có bảo tàng để bảo quản, trưng bày: Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - Anh 3

Đây là dãy nhà kho bảo tàng tỉnh Cà Mau

“Một du khách khi đến Cà Mau, thông thường điều họ quan tâm trước tiên chính là tìm đến tham quan bảo tàng. Bởi vì thông qua hệ thống hiện vật để biết được lịch sử, văn hóa, sự phát triển của vùng đất nơi họ đặt chân đến. Đối với thế hệ trẻ, từ đây để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa… vùng đất mình đang sinh sống. Các em có thể tìm kiếm tư liệu trong sách báo, truyền hình, trên internet,… tuy nhiên nếu đến Bảo tàng, các bạn trẻ được trải nghiệm và tìm hiểu một cách bài bản, đầy đủ hơn nhờ công tác thuyết minh, trưng bày, giới thiệu hiện vật một cách đầy đủ, bài bản, khoa học và chính thống…”, ông Hùng nói. Theo Giám đốc Bảo tàng Cà Mau, năm nay, đơn vị đã tham mưu cho Sở VHTTDL đề xuất UBND tỉnh tiếp tục triển khai dự án. Hiện Sở VHTTDL cũng đã phối hợp với các Sở, ngành tiến hành khảo sát và đề xuất vị trí xây dựng công trình bảo tàng.

“Sau nhiều lần triển khai nhưng các kế hoạch cứ nằm trên giấy thì lần này chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng, có được công trình bảo tàng để đáp ứng mong mỏi của biết bao thế hệ người làm ngành bảo tàng và đông đảo nhân dân…”, ông Sơn tâm tư và cho biết, đối với công việc chuyên môn, việc sưu tầm hiện vật để bổ sung vào nguồn tư liệu cho bảo tàng thì cán bộ, nhân viên vẫn đang miệt mài làm hằng ngày. Tuy nhiên, lượng sưu tầm hiện vật ngày càng được nhiều trong khi đó hệ thống kho cũng đang rất khó khăn, hạn chế. Hệ thống kho của bảo tàng hiện được tận dụng và cải tạo từ một số phòng làm việc trước kia của công viên, vừa eo hẹp về diện tích, vừa thiếu về điều kiện. Mặc dù cán bộ chuyên môn của bảo tàng đang tập trung một cách tốt nhất, thực hiện các điều kiện bảo quản theo quy cách bảo tàng, ví dụ trang bị hệ thống máy hút ẩm, máy điều hòa, hệ thống trần bảo vệ, cửa bảo vệ để làm sao an toàn, bảo quản tốt hiện vật…, nhưng về lâu dài, nếu không có bảo tàng đúng nghĩa thì sự mai một, sự biến dạng của hiện vật là không tránh khỏi.

“Thiết nghĩ, trong thời gian tới, theo Nghị quyết của tỉnh cũng như kỳ vọng về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới được ban hành, tỉnh rất mong mỏi có sự hỗ trợ từ Trung ương, từ Chương trình đối với vùng đất Cà Mau. Đặc biệt, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, một trong 8 nhiệm vụ đầu tiên, cơ bản nhất được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đưa ra là: Tất cả các tỉnh phải có được thiết chế cơ bản nhất, mà hiện nay việc cần có công trình bảo tàng là yêu cầu cấp thiết của tỉnh Cà Mau. Qua rất nhiều đời người làm văn hóa, nhiều đời lãnh đạo tỉnh mong muốn có một cơ ngơi bảo tàng đúng nghĩa, nhưng do điều kiện khách quan đến nay vẫn chưa có được”, Giám đốc Bảo tàng Cà Mau đề nghị với nặng trĩu tâm tư. 

 Sau nhiều lần triển khai nhưng các kế hoạch cứ nằm trên giấy thì lần này chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng, có được công trình bảo tàng để đáp ứng mong mỏi của biết bao thế hệ người làm ngành bảo tàng và đông đảo nhân dân…

(Ông LÊ MINH SƠN, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau)

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc